Thông tin từ Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình, những tháng đầu năm 2024, tình hình tranh chấp dân sự giảm 10% nhưng tội phạm xảy ra trên địa bàn tăng tăng 19% về số vụ và 28,4% về số bị can so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài tội phạm về tham nhũng, chức vụ giảm, tội phạm trong các lĩnh vực đều tăng, trong đó: Tội phạm về trật tự an toàn xã hội tăng 26%, tội phạm về ma túy tăng 24,5%, tội phạm về kinh tế, sở hữu và môi trường tăng 6%.
Theo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình, đáng lưu ý một số tội phạm tăng đều qua những năm gần đây và diễn biến phức tạp, như: Đặc biệt là các tội Gây rối trật tự công cộng (tăng 233%); Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự (tăng 154%); Tàng trữ trái phép chất ma túy (tăng 50%); Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ (tăng 48%); Đánh bạc (tăng 26%)….
Cũng theo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình, kết thúc quý I/2024, nhiều chỉ tiêu công tác đã được các đơn vị thuộc Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình chú trọng thực hiện đạt và vượt so với chương trình công tác quý đề ra từ đầu năm.
Bên cạnh đó, các đơn vị đã chú trọng và kiên quyết thực hiện tốt các quyền của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra trong giai đoạn tin báo, điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự như:
Yêu cầu khởi tố 5 vụ án và khởi tố 3 bị can; yêu cầu thay đổi quyết định khởi tố 2 vụ án, 3 bị can; phục hồi giải quyết 1 tin báo và 1 vụ án hình sự; yêu cầu đình chỉ điều tra 1 bị can; yêu cầu Cơ quan điều tra thụ lý giải quyết 2 nguồn tin về tội phạm; không phê chuẩn 1 lệnh bắt bị tan để tạm giam, hủy bỏ 1 quyết định tạm giữ.
Mặt khác, việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế được các đơn vị chú trọng, đã ban hành 3 yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện các biện pháp thu hồi tài sản; nhiều kiến nghị yêu cầu khắc phục trong từng vụ việc cụ thể được ban hành.
Chất lượng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp được nâng cao, không có án trả hồ sơ điều tra bổ sung có trách nhiệm của Viện kiểm sát, kháng nghị hình sự, dân sự và kiến nghị trong các lĩnh vực được bảo đảm (tỷ lệ kháng nghị được cấp phúc thẩm bảo vệ đạt 100%, kháng nghị được Hội đồng xét xử chấp nhận đạt 100% về số số vụ và bị cáo),...
Tuy nhiên, theo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình, nên cạnh những ưu điểm, kết thúc quý I/2024, Viện kiểm sát hai cấp của tỉnh Thái Bình vẫn còn những hạn chế, tồn tại của một số đơn vị cần nghiêm túc khắc phục.
Cụ thể, việc xây dựng kế hoạch, chương trình công tác còn chung chung, chưa đề ra được các giải pháp cụ thể, thiết thực của đơn vị để triển khai thực hiện; chưa chủ động trong việc thực hiện chỉ tiêu nghiệp vụ và triển khai thực hiện chỉ tiêu chưa đồng đều ở tất cả các lĩnh vực; còn để xảy ra án hình sự bị hủy, sửa do không phát hiện vi phạm để kháng nghị.
Bên cạnh đó, tác nghiệp của Kiểm sát viên khi lập hồ sơ kiểm sát hoạt động tư pháp còn nhiều thiếu chặt chẽ; chưa chú trọng thực hiện tuyên truyền tấm gương điển hình tiên tiến…
Để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng công tác kiểm sát về mọi mặt trong quý II/2024 và những tháng tiếp theo, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình Lại Hợp Mạnh yêu cầu Viện Kiểm sát hai cấp cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ.
Theo đó, tăng cường công tác quản lý, giáo dục cán bộ về mọi mặt; chỉ đạo chấn chỉnh ngay những hạn chế, tồn tại và đề ra các biện pháp để nâng cao hiệu quả công tác ở những lĩnh vực, cán bộ còn nhiều yếu, kém. Cán bộ, Kiểm sát viên phải không ngừng học tập, nâng cao tinh thần, thái độ, ý thức trách nhiệm đối với công việc được giao, tuyệt đối không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Cùng với đó thận trọng và nâng cao hơn nữa chất lượng nội dung các bản yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát; tăng cường ban hành kiến nghị đối với những vụ, việc cụ thể.
Đồng thời, chú ý phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong công tác quản lý Nhà nước để ban hành kiến nghị xử lý và phòng ngừa vi phạm, tội phạm. Kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo về tư pháp, nhất là thời hạn, thủ tục và hình thức ban hành quyết định giải quyết.
Tăng cường phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, với các Ban chỉ đạo liên ngành, các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu công tác; tham mưu, đề xuất với cấp ủy địa phương ban hành nghị quyết, chỉ thị lãnh đạo, chỉ đạo những vấn đề khó, phức tạp trong công tác tư pháp.
Các phòng nghiệp vụ tăng cường theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với các đơn vị Viện kiểm sát cấp huyện; tăng cường kiểm tra chất lượng thực hiện chỉ tiêu công tác của Viện kiểm sát cấp huyện thuộc lĩnh vực quản lý, khắc phục triệt để việc thực hiện chỉ tiêu chạy theo số lượng, lơ là chất lượng…