Dân Việt

Vượt 82 triệu đồng/lượng: Giá vàng "làm khó" tỷ giá USD/VND, Ngân hàng Nhà nước nên hành động thế nào?

Huyền Anh 11/03/2024 06:57 GMT+7
Cập nhật đầu giờ sáng, giá vàng hôm nay (11/3) bán ra quanh mức 82 triệu đồng/lượng với vàng miếng SJC - mức cao kỷ lục. Giá vàng tăng "điên loạn" thời gian qua, là một phần nguyên nhân khiến áp lực đối với tỷ giá USD/VND tăng cao. Theo giới chuyên gia, các hành động của Ngân hàng Nhà nước cần tính đến.

Giá vàng tăng "điên đảo", biến động tỷ giá khó lường

Theo cập nhật của Dân Việt, giá vàng hôm nay (11/3) hiện đang được Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết mua vào/bán ra lần lượt là 79,5 triệu đồng/lượng và 82 triệu đồng – 82,02 triệu đồng/lượng.

Tương tự, cập nhật trước khi mở cửa, Phú Quý và PNJ cũng đang niêm yết giá giá vàng hôm nay (11/3) ở mức 79,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 82 – 82,2 triệu đồng/lượng (bán ra) với vàng miếng SJC. Trong khi đó, nhẫn tròn trơn có giá bán ra quanh mức 6,9 triệu đồng/chỉ - 7,1 triệu đồng/chỉ.

Tại Bảo Tín Minh Châu và Doji, giá vàng hôm nay (11/3, cập nhật đầu giờ sáng) đã hạ nhiệt về dưới mức 82 triệu đồng/lượng với vàng miếng SJC. Tuy nhiên, nhẫn trơn của Doji vẫn được bán ra trên 7,1 triệu đồng/chỉ và 7,18 triệu đồng/chỉ đối với vàng nhẫn tròn trơn của Bảo tín Minh Châu.

Vượt 82 triệu đồng/lượng: Giá vàng "làm khó" tỷ giá USD/VND, Ngân hàng Nhà nước nên hành động thế nào?- Ảnh 1.

Diễn biến giá vàng. (Nguồn: bieudogiavang)

Thực tế, giá vàng đã trải qua thời gian nóng "bỏng tay" khi giá vàng thế giới cũng không ngừng leo cao và ghi nhận mức cao kỷ lục mới vào phiên thứ Sáu khi đã rất gần kề mức 2.200 USD/ounce.

Chỉ trong vòng 1 tuần, giá vàng miếng SJC tăng gần 2 triệu đồng/lượng. Cùng với đó, giá vàng nhẫn tăng tới khoảng 3 triệu đồng/lượng. So với thời điểm đầu năm, giá vàng miếng SJC đã tăng hơn 13%.

Đáng chú ý, chênh lệch giá vàng miếng với giá thế giới quy đổi hiện ở mức 14,5 - 15 triệu đồng/lượng, có thời điểm khoảng chênh này lên tới 20 triệu đồng/lượng.

Giới chuyên gia nhận định, việc giá vàng tăng chóng mặt đã kéo theo áp lực rất lớn đối với tỷ giá USD/VND.

Nhấn mạnh, lực tỷ giá đến từ chênh lệch tại những tài sản như vàng, ông Trần Hoàng Sơn - Giám đốc Chiến lược thị trường CTCP Chứng khoán VPBankS phân tích: Trong thời gian vừa qua, chênh lệch giá vàng thế giới và giá vàng trong nước đang ở mức khá cao, tạo ra nhu cầu rất là lớn về nhập khẩu vàng, trong đó có vàng trang sức, vàng nhẫn. Hiện tại, giá vàng thế giới và vàng miếng SJC vẫn đang giao dịch ở vùng đỉnh lịch sử (82 triệu đồng/lượng với vàng miếng SJC). Đây là yếu tố khiến nhu cầu USD tăng cao trong thời điểm ngắn hạn, gây ra ảnh hưởng đến tỷ giá.

Bà Trần Thị Hà My, thuộc bộ phận phân tích VDSC cũng chỉ rõ các yếu tố nội tại tác động tới tỷ giá trong thời gian qua, trong đó có giá vàng.

" Giá vàng thế giới đang phục hồi trở lại từ nửa cuối tháng 2/2024 thúc đẩy đà tăng của giá vàng trong nước. Thông thường, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới càng lớn thì áp lực tăng giá của tỷ giá USD/VND càng mạnh, đặc biệt là tỷ giá trên thị trường tự do", bà My nói.

Theo thống kê, áp lực mất giá tiền đồng tiếp tục duy trì trong tháng 2/2024 và trong tuần đầu của tháng 3. Cụ thể, tiền đồng tiếp tục mất giá thêm 0,91% trong tháng Hai, cao hơn mức mất giá 0,6% trong tháng đầu năm. Lũy kế từ đầu năm đến nay, tiền đồng đã mất giá gần 2% trên thị trường liên ngân hàng và xấp xỉ 3% trên thị trường tự do. Tỷ giá bán tại Vietcombank ghi nhận mức cao kỷ lục là 24.870 đồng/USD, cao hơn 450 đồng/USD so với cuối năm 2023.

Tại thị trường tự do, tỷ giá USD/VND lên tới đỉnh kỷ lục xấp xỉ 25.700 đồng/USD.

Đồng quan điểm, các nhà phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế vẫn chưa có sự cải thiện rõ rệt và khiến biến động tỷ giá trên thị trường tự do khó lường hơn. Chưa kể, chênh lệch lớn giữa tỷ giá tự do và niêm yết cũng khiến xu hướng đầu cơ lớn.

Ngoài ra, áp lực đối với tỷ giá hiện nay cao dần, một phần do chênh lệch lãi suất VND-USD âm kéo dài khiến áp lực rút vốn tăng dần hay nhập khẩu tư liệu sản xuất đang bật tăng khá mạnh trong 2 tháng đầu năm.

Dữ liệu thương mại hai tháng đầu năm 2024 cho thấy mặc dù thặng dư thương mại tổng thể mở rộng so với 2 tháng đầu năm 2023 (4,0 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2024, tăng 16,6% so với cùng kỳ) nhưng thâm hụt thương mại của khu vực trong nước cũng có chiều hướng tăng mạnh.

Cụ thể, khối trong nước nhập khẩu 19,6 tỷ USD trong tháng 1 và tháng 2, ghi nhận thâm hụt thương mại 3,9 tỷ USD và tăng xấp xỉ 30% so với cùng kỳ. Nhu cầu nhập khẩu của khối trong nước tăng cũng dẫn đến áp lực mất giá đối với tiền đồng trên thị trường chính thức.

Ngoài ra, việc lãi suất huy động tiền đồng đang giảm về mức thấp cũng là yếu tố làm tăng tính hấp dẫn đối với các kênh tài sản khác gồm ngoại tệ và vàng.

Vượt 82 triệu đồng/lượng: Giá vàng "làm khó" tỷ giá USD/VND, Ngân hàng Nhà nước nên hành động thế nào?- Ảnh 2.

Giá vàng tăng điên loạn, một trong những nguyên nhân gây áp lực lên tỷ giá.


Hành động của Ngân hàng Nhà nước

Trong bối cảnh hiện nay khi giá vàng vẫn đang "nóng bỏng tay" và tỷ giá USD/VND diễn biến khó lường, theo các nhà phân tích, các hành động của Ngân hàng Nhà nước có thể được tính đến.

Chuyên gia Trần Ngọc Báu khuyến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần sớm có những quy định pháp lý đối với thị trường vàng, bình ổn được thị trường vàng sẽ là nguồn lực lớn nhất giúp bình ổn tỷ giá lúc này. Mặt còn lại siết chặt quy định giao dịch ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng, tránh những tổ chức vì lợi ích ngắn hạn mà làm trái pháp luật và ảnh hưởng tới an ninh tiền tệ.

Vị chuyên gia này cho rằng, nếu như thị trường vàng và ngoại tệ tiếp tục có những biến động tiêu cực mạnh hơn nữa thì có thể bước đầu xem xét nhấc tỷ giá trung tâm để mở thêm không gian biến động ngắn hạn cho tỷ giá trong giai đoạn này.

Bà Trần Thị Hà My thì cho rằng, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ cần tận dụng các công cụ như dự trữ ngoại hối hay đưa ra giải pháp mới quản lý thị trường vàng để hạn chế bớt đà mất giá của tiền đồng trong tháng 3 này.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu lưu ý, hiện nay hoạt động đầu cơ, găm giữ ngoại tệ trong nước cũng đang tăng lên đáng kể, đẩy tỷ giá hối đoái trên thị trường chợ đen tăng nhanh hơn tỷ giá ngân hàng.

"Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước có thể sử dụng các biện pháp hành chính để ngăn chặn được giá bán USD trên thị trường tự do cũng như giảm thiểu được hoạt động đầu cơ này", ông đề xuất.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức cao trong thời gian dài sẽ kích thích nhu cầu gom USD để nhập lậu vàng qua đường biên mậu. Thực tế, giá USD tự do đã tăng khá mạnh trong thời gian qua. Do đó, ông Huân khuyến nghị, Ngân hàng Nhà nước cần sớm có động thái sửa Nghị định 24/2012 về quản lý thị trường vàng. Điều này sẽ tránh những cú sốc đột ngột cho thị trường cũng như bảo đảm lợi ích cho doanh nghiệp và người mua, bán vàng.

Được biết, yêu cầu của Thủ tướng tại Chỉ thị 06, sẽ cần tổng kết Nghị định số 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đồng thời, đề xuất giải pháp quản lý hiệu quả thị trường vàng trong tình hình mới, hoàn thành trong quý I/2024. Dự kiến tới đây sẽ có nhiều quy định thay đổi liên quan đến hoạt động quản lý thị trường vàng. Hiện, Ngân hàng Nhà nước đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ.