Câu chuyện về lứa cầu thủ "con cưng" của Bầu Đức lại được nhắc đến với việc Nguyễn Tuấn Anh, chàng tiền vệ có lối đá kỹ thuật thông minh, hào hoa, khéo léo rời khỏi cái nôi HAGL, đến với "đại gia" mới nổi Thép xanh Nam Định.
Nhiều người thấy tiếc cho lứa cầu thủ này, tiếc cho bầu Đức khi CLB HAGL của ông ngày càng sa sút dù đã có nhiều nỗ lực cứu vãn. Lần lượt, "những đứa con của bầu Đức" dứt áo ra đi, tìm bến đỗ mới cho mình. Vậy cho đến lúc này, bầu Đức cùng các cầu thủ con cưng của ông đã được gì, mất gì?
Tuy bóng đá Việt Nam đã có một số trung tâm đào tạo bóng đá trẻ, nhưng đa số các CLB chưa chú trọng khâu đào tạo các thế hệ kế cận. Với mô hình CLB do các ông bầu là doanh nghiệp đổ tiền vào làm thương hiệu qua bóng đá, cả vì thương hiệu doanh nghiệp lẫn thương hiệu cá nhân, họ cần thành tích ngay. Ưu tiên của họ là vị trí tức thời của CLB trên bảng xếp hạng, chứ không phải bỏ 1 đống tiền rồi chờ thành tích của 10 – 20 năm sau. Trong bối cảnh đó, ông Đoàn Nguyên Đức là người tiên phong đầu tư xây dựng Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai vào năm 2007, với đối tác chiến lược là CLB danh tiếng Arsenal.
Còn nhớ, trong lễ đổi tên, từ CLB HAGL thành CLB LPBank - HAGL, gắn với đối tác của tập đoàn HAGL là Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt - LPBank, vào hồi tháng 11/2023, bầu Đức đã không ngần ngại tiết lộ, sau 22 năm làm bóng đá, ông đã tiêu tốn trên dưới 2.000 tỷ đồng. Tức là nếu hạch toán tài chính như một vụ đầu tư, lấy thu trừ chi, tính cả giá trị thương hiệu cũng các giá trị vô hình khác mà bóng đá đem lại cho tập đoàn HAGL, thì kết quả phép trừ này chắc chắn là 1 số âm khổng lồ. Tất nhiên, trong bối cảnh bóng đá ở Việt Nam chưa chuyên nghiệp, chưa CLB nào tự nuôi được bản thân, trả lương cho cầu thủ, HLV, cũng như các khoản chi phí rất lớn khác như hiện nay, âm tiền đầu tư là việc đương nhiên của các ông bầu.
Điều làm cho nhiều người suy nghĩ là mặc dù đầu tư nhiều như thế, tâm huyết như thế, tạo ra một lứa cầu thủ hay như thế, nhưng đoàn quân của bầu Đức lại không có kết quả thực sự tốt. Để đến nay từng cái tên bị xóa đi trong cái danh sách rất đẹp đó, rồi điền vào 1 bảng danh sách thi đấu nào đó khác. Họ cảm thấy dường như ông và các cầu thủ của ông đang phải chịu thiệt thòi, mất mát, đang phải chịu sự không công bằng.
Nhưng nếu nhìn theo 1 góc nhìn khác, ta thấy bầu Đức và các cầu thủ của ông được rất nhiều.
Đầu tiên là với các cầu thủ. Thực tế, trong bóng đá chuyên nghiệp, việc các cầu thủ được đào tạo từ lò của 1 CLB này, nhưng thành danh ở 1 CLB khác là điều hết sức bình thường. Điều quan trọng là sau biết bao mồ hôi nước mắt của quá trình đào tạo cầu thủ trẻ đầy khắc nghiệt, họ có được cái gì? Có thể nói, nếu không tính đến các cầu thủ trẻ, vì nhiều lý do mà không thể bước vào bóng đá chuyên nghiệp, thì các cầu thủ thành danh của lứa những Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường, Tuấn Anh… tuy không thực sự thành công cùng HAGL, nhưng họ được rất nhiều. Họ được trở thành cầu thủ chuyên nghiệp như họ và gia đình hằng ao ước. Họ được hằng ngày sống, kiếm tiền bằng đam mê của mình. Họ được cống hiến cho đất nước, cho bóng đá, cho người hâm mộ. Và họ được công nhận, đãi ngộ và yêu mến.
Còn với bầu Đức thì sao? Đầu tiên, đó là ông đã được làm bóng đá 1 cách ngay ngắn nhất theo nghĩa của từ này. Với hầu hết những người hâm mộ bóng đá Việt Nam, bầu Đức nằm trong số ít được đánh giá là làm bóng đá bất vụ lợi. Trong khi cả nền bóng đá Việt Nam được đánh giá là "xây nhà từ nóc", thì ông là ông bầu tiên phong xây móng khi làm bóng đá. Không chỉ với nhận thức ý nghĩa của việc cần thiết xây móng, mà với việc lựa chọn đối tác chiến lược là CLB Arsenal giúp cho sản phẩm của quá trình này là các cầu thủ trẻ của HAGL có được nền tảng tư duy chiến thuật, kỹ thuật cá nhân rất tốt.
Mặc dù có thành tích không thực sự tốt ở giải đấu quốc nội nhưng CLB này lại đóng góp rất nhiều cho các cấp độ ĐT Việt Nam, mà đầu tiên là lứa U19 với những cái tên Công Phượng, Xuân Trường… lần đầu được NHM biết đến. Cùng với sự xuất hiện của HLV Park Hang-seo, vị HLV được chính bầu Đức giới thiệu và trả lương, lứa cầu thủ này bay cao trong màu áo các ĐT Việt Nam, tạo nên những thành tích bất hủ cho bóng đá nước nhà. Cho tới giờ, có thể có ông bầu nào đó được vài lần cùng CLB của mình nâng cao chiếc cúp của chức vô địch bóng đá quốc gia, nhưng chưa có ông bầu nào trong lịch sử có được những thành tựu như Đoàn Nguyên Đức đã làm được với bóng đá Việt Nam. Và nếu sau này ai đó nhắc đến các ông bầu trong lịch sử bóng đá nước nhà, hẳn trong những cái tên đầu tiên được nhắc đến sẽ có Đoàn Nguyên Đức.
Có 1 điều nữa ít người nhắc đến, và sẽ khó có bằng chứng để chứng minh 1 cách rành rẽ, nhưng chính bầu Đức góp phần vào việc tạo ra chuẩn mực mới cho cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Trong Học viện bóng đá HAGL của ông, vấn đề học văn hóa rất được coi trọng. Một trong các điều kiện để tốt nghiệp học viện đó là phải tốt nghiệp cấp III. Khi về làm GĐKT cho CLB HAGL, HLV người Hàn Quốc Chung Hae Seong chia sẻ rằng đã không giấu được sự thích thú khi các em giao tiếp lưu loát bằng tiếng Anh, nói chuyện rất lễ phép và luôn cúi đầu chào hỏi dù ông là thành viên mới của CLB.
Kết quả là chúng ta không bao giờ thấy các cầu thủ HAGL của lứa đào tạo này vào bóng kiểu cố tình triệt hạ đối phương trong thi đấu. Bản thân bầu Đức đã không ít lần bộc lộ thái độ không chấp nhận các phản ứng xấu của các cầu thủ HAGL với trọng tài hay các cầu thủ đối phương. Chúng ta cũng đã từng chứng kiến các cầu thủ trẻ của HAGL trả lời phỏng vấn trên truyền hình một cách rất chững chạc, thoải mái, thể hiện phông văn hóa tốt. Cũng như thường xuyên thấy họ trao đổi bằng tiếng Anh với các trọng tài nước ngoài hay cầu thủ đối phương trên sân. Điều này giờ đây đã trở nên phổ biến và dường như đã trở thành như 1 tiêu chuẩn cho mọi cầu thủ chuyên nghiệp.
Nếu nhìn nhận như vậy, chúng ta thấy bầu Đức và các học trò của ông được rất nhiều. Thêm 1 cái được nữa của bầu Đức cùng đám trẻ của ông, đó là lời cảm ơn của người hâm mộ vì những gì ông và các học trò đã làm cho bóng đá Việt Nam.