Nhân dịp năm mới 2024, là tròn 100 năm kể từ khi phát hiện và nghiên cứu Văn hóa Đông Sơn. Tiến sĩ Nguyễn Việt (gốc quê Hưng Yên) mong muốn giãi bày tâm sự của một nhà khảo cổ đau đáu về cố hương, người đã từng ba lần chủ trì khai quật ở Động Xá, Kim Động, Hưng Yên (trong những năm 2001, 2004 và 2005) chào xuân quê hương về “Những cư dân đầu tiên trên đất Hưng Yên”.
Theo tiến sĩ Nguyễn Việt, vùng đất Hưng Yên cũng là nơi “địa linh nhân kiệt” đất phát về nhân sĩ ngành khảo cổ (cố Giáo sư Phạm Huy Thông, người làng Đào Xá, Ân Thi, cũng là người sáng lập Viện Khảo cổ học Việt Nam; Viện trưởng chuyên ngành khảo cổ đầu tiên từ năm 1968.
Chuyên gia khảo cổ, người gốc Hưng Yên có tên tuổi như các giáo sư, tiến sĩ: Đỗ Văn Ninh (Kim Động), Nguyễn Lân Cường (Mỹ Hào), Trịnh Minh Hiên (Tiên Lữ), Nguyễn Việt (Văn Lâm), Lê Hải Đăng (Kim Động)...
Cũng vừa tròn 20 năm, từ năm 2004, tiến sĩ Nguyễn Việt, Giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á đã phối hợp cùng với Viện Khảo cổ học Việt Nam, Đại học và Bảo tàng Quốc gia Úc tiến hành khai quật, nghiên cứu khu vực làng Động Xá và khu mộ táng thuộc Văn hóa Đông Sơn (theo đánh giá khoa học khoảng hơn 2000 năm trước) tại thôn Động Xá, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.
Kể từ đó, địa danh Động Xá được lan tỏa trên báo chí và các diễn đàn khoa học ở khắp trong và ngoài nước.
Gần đây, ông được biết tỉnh đang có chủ trương, quan tâm và chú ý quy hoạch phát triển lĩnh vực di sản văn hóa; đặc biệt với tấm lòng yêu mến văn hóa, di sản lâu đời của quê hương Hưng Yên, ông rất mừng, tâm đắc và ngưỡng mộ nếu ở Động Xá được xây dựng một khu công viên di sản văn hóa để tôn vinh ngôi làng của người Việt cổ và khu mộ thân cây khoét rỗng thời Đông Sơn.
Thật đáng tự hào, bởi Động Xá đã được giới khảo cổ học và sử học trong và ngoài nước đánh giá rất cao ở mức độ nguyên trạng của làng cổ và mức độ bảo tồn rất hoàn hảo quan tài, hài cốt và di vật tùy táng có nguồn gốc vô cơ và hữu cơ.
Thương cảng Phố Hiến (đất Hưng Yên) và cảnh sinh hoạt của người dân Phố Hiến xưa qua một số tranh của người phương Tây.
Vùng đất Hưng Yên cách đây khoảng 3500 - 4000 năm còn nằm trọn trong lòng vịnh biển mang tên khoa học là “Vịnh Hà Nội”. Vịnh biển này hình thành khi nước biển dâng sau thời kỳ khối băng hà lớn toàn cầu mang tên Wuermer (Vuốc Mơ) tan chảy.
Biển tiến Flandrian (Phờ lan đờ ri ăng) đã đạt độ cao 6 mét trên mực nước biển hiện tại đã đưa bờ vịnh biển lúc cao nhất (khoảng 6000 năm trước) vào tận Cổ Loa, Kim Bảng, Nho Quan, Hương Sơn, Sông Đuống, Phả Lại, Đông Triều...
Năm 2001, ông và Hori - tiến sĩ địa chất người Nhật Bản đã phát hiện một vách cắt bãi triều ở Dốc Nghĩa (Văn Lâm) có tuổi C14 (trên 4000 năm).
Ông cho biết, điều đó có nghĩa rằng, người đương thời có thể tắm biển ở ngay Như Quỳnh, cách Hà Nội hơn 15km!. Một cảnh quan như vậy đã khiến các vùng trũng dưới 6m so với mặt biển ngày nay không phải là nơi cư trú của cư dân tiền sử cổ xưa.
Biển bắt đầu rút từ khoảng 3500 năm trước, các nhà địa chất và khảo cổ học đã tính được đến khoảng 2000 năm, vùng đất đáy vịnh biển Hà Nội, từ sông Đuống đến sông Luộc đã cạn và bắt đầu quá trình vùi lấp các rừng sú vẹt để phủ lên những lớp phù sa tạo ra vùng đất lúa vô cùng phì nhiêu cho cư dân Đông Sơn từ các đồng bằng cao xung quanh tràn về lập làng khai thác. Làng Động Xá chính là một ngôi làng đã ra đời trong hoàn cảnh như vậy.
Theo tiến sĩ Nguyễn Việt, dấu tích người Việt cổ thời Đông Sơn có lẽ xuất hiện đầu tiên trên đất Hưng Yên chính là khu mộ táng ở Động Xá. Khi đào mương thủy nông qua cánh đồng thôn Động Xá năm 1997, đã phát hiện có trên 70 ngôi mộ cổ còn nguyên hài cốt và đồ tùy táng.
Các ngôi mộ này nằm dưới mặt ruộng khoảng 1,2m - 1,5m. Những bộ hài cốt được cuộn lại bằng những lớp vải gai, lanh, lụa, chiếu cói, đặt trong các quan tài làm bằng thân cây độc mộc hoặc thuyền độc mộc nửa cắt đôi.
Một số khác được cuộn trong các mành vỏ cây, giát tre, được chôn theo hoa quả, hàm, đùi lợn và vũ khí, dụng cụ bằng đồng. Trên mắt người chết hoặc nắm ở tay có những đồng tiền cổ hay những mảnh đồng cắt ra đậy vừa mắt, những viên chì trộn cuội sỏi; có cả những đồ đồng to như trống, thạp, thố, chậu, đĩa...
Chi tiết nhất về một mộ táng Đông Sơn ở Động Xá đã được làm rõ tỉ mỉ trong cuộc khai quật năm 2004. Từ những báo cáo về vải sợi Đông Sơn tìm thấy trong các mộ cổ ở Động Xá, các chuyên gia khảo cổ Úc đã sang Việt Nam cùng với Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á hoàn thành một đề tài quốc tế về vải sợi Đông Sơn, trọng tâm là khu mộ cổ Động Xá.
Do mục tiêu chính nhắm vào nghiên cứu vải sợi nên cuộc khai quật đó gồm có 5 chuyên gia Việt Nam và 7 chuyên gia người Úc chỉ tập trung xác lập phân bố của làng cổ thời Đông Sơn và nghiên cứu, khai quật một ngôi mộ chỉ cách bờ mương một mét trong khu tập trung các mộ Động Xá đã được quy tập từ trước.
Quan tài còn nguyên nắp đậy nằm theo hướng Đông Tây, vuông góc với trục bờ mương, ở độ sâu 158 cm so với mặt đường mương. Đây là một quan tài thân cây khoét rỗng, một đầu to, một đầu nhỏ. Sau này khi mang về, dỡ ra ở Bảo tàng Hưng Yên thì chiếc quan tài hiện nguyên hình một nửa đuôi của chiếc thuyền độc mộc.
Có thể người xưa đã cắt 2/3 m phần đuôi chiếc thuyền, bịt đầu hở bằng hai tấm vỏ cây, tạo ra một khoang hẹp chứa đồ tùy táng; có một nồi đất, một đĩa gỗ, trong nồi đất có hai nửa nhĩ bôi sơn then khác nhau. Trên thân hài cốt tìm được mảnh vỡ của hai đồng tiền Ngũ Thù.
Bộ hài cốt này là của một người đàn ông chạc 35 - 40 tuổi, chỉ cao chừng 145 cm. Các chuyên gia người Úc đã lấy mẫu vải, mẫu than dính đáy nồi đất và một số mẫu đồ vật khác như đĩa gỗ... để định tuổi radiocarbon. Cả 5 mẫu đều có niên đại ở khoảng giữa thế kỷ I trước công nguyên.
Tiến sĩ Nguyễn Việt cho biết thêm, hiện nay, 62 hài cốt đã quy tập từ năm 1997 và những năm sau, được các nhà khảo cổ học đưa về nghiên cứu và bảo quản tại Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á.
Và 5 trong số đó đã được phục dựng chân dung tượng khối, cũng được giới thiệu rộng rãi trên báo chí, truyền thông trong và ngoài nước từ khá lâu. Địa danh Động Xá ngày nay trở thành một từ khóa thông dụng của giới nghiên cứu khảo cổ học vải sợi Đông Sơn.
Động Xá còn là nơi đã xuất lộ chiếc trống đồng rất độc đáo, tương truyền là của bộ lạc Đông Sơn hùng mạnh do Thục Phán chỉ đạo sáp nhập với Lạc Việt tạo nên nước Âu Lạc thế kỷ III trước công nguyên.
Đối với giới khảo cổ học trong nước và ngoài nước, làng cổ Động Xá thời Đông Sơn với khu mộ táng hàng trăm mộ là đại diện đặc biệt quý hiếm của những cư dân sớm nhất đã đặt chân khai thác miền đất lúa Hưng Yên và tạo ra các nhánh dân cư dòng tộc phát triển khắp vùng đất Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định sau này.
Làng cổ Động Xá thời Đông Sơn trên 2000 năm trước may mắn còn tồn tại gần như nguyên vẹn. Việc đào mương thủy lợi trước đây mới chỉ chạm đến một phần khu mộ táng. Cuộc thám sát và đo địa từ năm 2004 của các nhà khoa học Việt, Úc đã xác nhận tính nguyên vẹn và được bảo tồn rất tốt của ngôi làng.
Đây là hiện tượng hiếm thấy trong phạm vi trên khắp cả nước ta còn giữ nguyên được một ngôi làng cổ trên 2000 năm trước. Số lượng phong phú mộ táng chứng tỏ quy mô làng Đông Sơn xưa khá sầm uất, chứa đựng nhiều bí ẩn chờ được khám phá.
Nhân duyên, chúng tôi đều là những người yêu mến quê hương Động Xá đã đến thăm Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á do tiến sĩ Nguyễn Việt sáng lập và quản lý, gặp gỡ, được ông chia sẻ, tâm sự và cho biết thêm nhiều tư liệu quý.
Đầu xuân Giáp Thìn, tiến sĩ Nguyễn Việt mong muốn và gửi gắm tâm tư việc quy hoạch văn hóa, chú ý đầu tư xây dựng và bảo tồn ngôi làng của người Việt cổ ở khu vực thôn Động Xá, đây sẽ là ngôi làng đại diện văn hóa Đông Sơn nằm ngay sát điểm trọng tâm của vùng đồng bằng Bắc bộ.
Ông có tâm huyết nếu quy hoạch xây dựng nên kết hợp công viên di sản với bảo tàng di tích khảo cổ ngoài trời và cả trong nhà tại khu vực làng Động Xá, sẽ là một sáng kiến tuyệt vời, vừa giúp bảo tồn được di sản văn hóa khảo cổ hiếm có trên đất Hưng Yên và cả nước Việt Nam lại vừa tạo điều kiện mở mang hiểu biết về lịch sử vùng miền, đất nước, tạo thêm niềm tự hào cho quê hương Kim Động như những cư dân khai phá đồng bằng trồng lúa của vùng đất Hưng Yên sớm nhất được biết cho đến nay.