Dân Việt

Tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo xử lý tổ chức, cá nhân xả thải ra ba hồ lắng quanh hồ Xuân Hương

Văn Long 13/03/2024 15:12 GMT+7
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo UBND TP. Đà Lạt và sở ngành liên quan xử lý các tổ chức, cá nhân xả thải ra ba hồ lắng nước trước khi đổ vào thắng cảnh quốc gia hồ Xuân Hương.

Ngày 13/3, thông tin mà phóng viên Dân Việt có được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc đã chỉ đạo UBND TP. Đà Lạt cùng Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh xử lý tình trạng ô nhiễm ba hồ lắng nước trước khi đổ vào hồ Xuân Hương mà Dân Việt đã phản ánh qua các bài viết: Ba hồ lắng nước trước khi chảy vào hồ Xuân Hương tại TP.Đà Lạt ô nhiễm nặng, nước đen sì và Video: Cận cảnh tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng, cá chết la liệt tại các hồ lắng quanh hồ Xuân Hương ở Đà Lạt.

Tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo xử lý tổ chức, cá nhân xả thải ra ba hồ lắng quanh hồ Xuân Hương- Ảnh 1.

Công nhân thực hiện gom rác, xác chết động vật tại hồ lắng số 2 khu vực đầu nguồn hồ Xuân Hương.

Trước đó, ngày 5/3, ông Nguyễn Ngọc Phúc đã trực tiếp kiểm tra tình trạng ô nhiễm tại các hồ lắng số 1, số 2 và số 3 xung quanh hồ Xuân Hương. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, hiện nay vào các tháng mùa khô trong năm, các hồ lắng xung quanh hồ Xuân Hương thường xảy ra tình trạng ô nhiễm, bốc mùi hôi thối làm ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống của người dân trong khu vực và khách du lịch đến TP. Đà Lạt.

Clip: Cận cảnh tình trạng ô nhiễm tại 3 hồ lắng nước trước khi đổ trực tiếp vào hồ Xuân Hương, TP. Đà Lạt.

Nguyên nhân chủ yếu là do nước thải sinh hoạt, rác thải sinh hoạt, rác thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp của các hộ dân sinh sống quanh khu vực hồ lắng. Ngoài ra, còn có rác thải từ thượng nguồn các suối thuộc lưu vực hồ lắng trôi về… từ đó gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường trong khu vực 3 hồ lắng trên.

Tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo xử lý tổ chức, cá nhân xả thải ra ba hồ lắng quanh hồ Xuân Hương- Ảnh 2.

Nhiều cá chết cùng các loại rác thải được vớt lên tại hồ lắng số 2, đây chính là nguyên nhân khiến không khí xung quanh hồ có mùi hôi thối.

Sau khi kiểm tra thực tế, ông Nguyễn Ngọc Phúc đã chỉ đạo TP. Đà Lạt lập tổ công tác để rà soát, kiểm tra, xử lý theo quy định đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ xả nước thải không đạt tiêu chuẩn môi trường ra các hồ lắng và hồ Xuân Hương. Bên cạnh đó, xử lý nghiêm các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đổ rác thải không đúng nơi quy định, đổ trực tiếp ra hồ gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước.

Tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo xử lý tổ chức, cá nhân xả thải ra ba hồ lắng quanh hồ Xuân Hương- Ảnh 3.

Tình trạng ô nhiễm, bốc mùi hôi thối, nước chuyển thành màu đen tại hồ lắng số 3, cạnh công viên Yersin.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu TP. Đà Lạt nghiên cứu, thử nghiệm để lựa chọn thực hiện các giải pháp phù hợp như sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học, bơm hút nước để xử lý, hòa tan; trồng cây thủy sinh có khả năng xử lý nước, tạo cảnh quan; nạo vét bùn, bồi lắng; vệ sinh mặt nước (thường xuyên vớt rác, động vật chết…) hoặc các giải pháp phù hợp khác. Đồng thời, nghiêm cấm việc đổ rác thải ra hồ, khu vực quanh hồ, lưu vực suối của các hồ lắng.

Tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo xử lý tổ chức, cá nhân xả thải ra ba hồ lắng quanh hồ Xuân Hương- Ảnh 4.

Dòng nước đen sì tại hồ lắng số 3 đổ trực tiếp vào thắng cảnh quốc gia hồ Xuân Hương.

Về lâu dài, ông Phúc yêu cầu TP. Đà Lạt nghiên cứu lập dự án thu gom nước thải sinh hoạt của các hộ dân sống xung quanh hồ lắng, khu vực có nước xả thải ra hồ Xuân Hương và dọc theo lưu vực suối đổ về hồ lắng; xây dựng kè chống bồi lắng, bảo vệ suối (đoạn suối từ khu quy hoạch dân cư đường Phạm Hồng Thái đến hồ lắng số 2); xây dựng vỉa hè dọc theo tuyến đường hai bên hồ lắng số 1; tạo công viên cảnh quan quanh cho các hồ lắng…

Riêng đối với hồ lắng số 3, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường khẩn trương rà soát, xác định đơn vị quản lý sử dụng diện tích đất, mặt nước để yêu cầu thực hiện các giải pháp xử lý, phòng chống ô nhiễm hồ lắng hoặc tham mưu đề xuất UBND tỉnh hướng giải quyết phù hợp.