Trong đó 3 giải B thuộc về "Lôi Vũ" (Sân khấu Lệ Ngọc); "Nửa cõi sơn hà" (Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh); "Đại đội trưởng của tôi" (Nhà hát Chèo Quân đội).
Về giải thưởng Tác giả kịch bản – Sách nghiên cứu Lý luận phê bình có 4 giải B thuộc về "Vòng tròn bội bạc" (Chu Lai); "Xuân Hương nữ sỹ" (Nguyễn Đức Minh); "Ngôi sao không tắt" (Nguyễn Đình San); "Sự trở lại của sân khấu" (Nguyễn Thế Khoa) và 6 giải C, 7 giải Khuyến khích cho các tác giả, tác phẩm.
Nhân dịp này, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng đã trao giải họa sĩ xuất sắc và diễn viên xuất sắc cho 11 cá nhân; trao giải thưởng cuộc vận động sáng tác kịch bản sân khấu về đề tài thiếu niên, nhi đồng với 2 giải A, 3 giải B, 7 giải C.
Lí giải vì sao Giải thưởng sân khấu 2023 không có giải A, TS. Nguyễn Đăng Chương - Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chiết, Giải thưởng sân khấu 2023 không có giải A cho cả vở diễn và kịch bản văn học là một điều rất đáng tiếc. Hội đồng nghệ thuật phải gạn đục khơi trong để lựa chọn ra một số giải B. Trước thực tế ảm đạm của sân khấu năm qua, Hội đồng nghệ thuật nhận thấy công việc cấp thiết là phải nhận diện rõ những trở ngại, khó khăn, những bế tắc mang tính sống còn mà nghệ thuật sân khấu đang đối mặt; từ đó tìm rõ nguyên nhân, để có giải pháp tháo gỡ thực chất thì nghệ thuật sân khấu mới có thể cất cánh bay lên.
"Như chúng ta đã biết, năm 2022 đánh dấu sự tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ của nghệ thuật sân khấu cả về lượng và chất. Nhìn vào số lượng và chất lượng của hàng trăm tác phẩm sân khấu trình làng năm 2022, chúng ta thấy nghệ thuật sân khấu giống như một con tàu đang tăng tốc lao nhanh về phía trước để dần dần trở lại thời hoàng kim sau bao năm trầm lắng. Tín hiệu mừng vui vừa lóe lên rồi đột ngột tắt lịm, bởi đời sống sân khấu năm 2023 lại trở về sự ảm đạm và bế tắc của nhiều năm trước.
Kết quả của Giải thưởng sân khấu 2023 phần nào khắc họa được diện mạo của nghệ thuật sân khấu năm qua, có thể làm cho chúng ta có một cảm giác chống chếnh, nản lòng. Dẫu có thấy tâm hồn se se lạnh thì chúng ta cũng phải chấp nhận thực tế vì sản phẩm nghệ thuật là "bánh đúc bày sàng", người sáng tạo cũng như người hưởng thụ không thể áp đặt tư duy "con hát mẹ khen hay" bởi khen hay những điều không có thực là tối kỵ vì sẽ tạo nên cảm xúc ảo, tạo nên con đường ngắn nhất dẫn đến sự thất bại của người sáng tạo", TS. Nguyễn Đăng Chương phát biểu.
Theo ông Nguyễn Đăng Chương, điểm nghẽn lớn nhất, cũng là điều khó khăn nhất của đời sống sân khấu hiện nay là đang bị khủng hoảng về đội ngũ sáng tạo. Nghệ thuật sân khấu là nghệ thuật tổng hợp. Để sáng tạo nên một tác phẩm sân khấu phải có sự đóng góp của tác giả, đạo diễn, họa sỹ, nhạc sỹ, diễn viên, âm thanh, ánh sáng, hậu đài, phê bình sân khấu… Hiện nay Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam có 218 Hội viên là tác giả chuyên nghiệp và không chuyên. Thế nhưng lượng tác giả có kịch bản thường xuyên dàn dựng ở các đơn vụ nghệ thuật chuyên nghiệp chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Nhiều năm gần đây, đội ngũ tác giả đang bị bế tắc về phương hướng sáng tạo, cách thức tiếp nhận và lý giải những mâu thuẫn xung đột của xã hội và con người hôm nay. Có lẽ vì bế tắc nên phần lớn tác giả lựa chọn sáng tác về đề tài lịch sử, dân gian mà không dám dấn thân phản ánh mọi mặt của đời sống đương đại. Nếu dựa vào lịch sử, dân gian để chuyển tải những thông điệp mới mẻ, có ích cho cuộc sống hôm nay cũng là điều rất quý. Thế nhưng, đa số các tác phẩm mới chỉ đạt ở mức minh họa lịch sử.
TS Nguyễn Đăng Chương thẳng thắn nhìn nhận, người xem hôm nay cần tác giả đưa ra những thông điệp định hướng mang tính dự báo cao từ thực tiễn đời sống; phản ánh chân thực những phát sinh trong con người, trong xã hội để lý giải và góp phần cho cuộc sống tốt đẹp hơn; chuyển tải niềm vui, hạnh phúc, đắng cay của con người trong đời sống hiện đại, nhận rộng lên những điều đẹp đẽ nhân văn, gạt bỏ bớt những gì đang trở thành chướng ngại vật, cản đường cho sự phát triển.
"Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản làm cho sân khấu đìu hiu tẻ nhạt" ông Chương nói.
Đề cập đến thực trạng nhân lực tại các đơn vị nghệ thuật sân khấu công lập, TS Nguyễn Đăng Chương nói: "Theo khảo sát của chúng tôi, các đơn vị nghệ thuật sân khấu công lập hiện nay có khoảng từ 30% đến 50% diễn viên không còn khả năng làm nghề nhưng vẫn nằm trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách Nhà nước. Vấn đề này đã tồn tại nhiều năm, dẫn đến tình trạng người không làm việc thì được hưởng lương, thế hệ nghệ sỹ trẻ đang sung sức trong lao động sáng tạo nghệ thuật thì nằm ngoài biên chế và hưởng lương hợp đồng từ nguồn thu của đơn vị. Nhiều nghệ sỹ trẻ không sống được bằng những đồng lương ít ỏi, dẫu đam mê đến mấy cũng vẫn phải ngậm ngùi bỏ nghề, tìm công việc khác để có thu nhập, để mưu sinh. Thực tế này đã gây nên sự lãng phí khá lớn về tài chính và nguồn nhân lực.
Tại buổi lễ, NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng thông tin về kế hoạch hoạt động trong năm 2024. Trong đó, Hội sẽ xây dựng Đề án "Đặt hàng, dàn dựng, quảng bá tác phẩm về đề tài cách mạng" cho 5 tác phẩm bằng nguồn ngân sách nhà nước và nguồn kinh phí khác; Đề án "Liên hoan các vở diễn sân khấu tiêu biểu về đề tài cách mạng"; Đề án Nâng cao chất lượng kịch bản và tổ chức Liên hoan sân khấu về đề tài thiếu niên, nhi đồng toàn quốc định kỳ 3 năm một lần…
Năm 2024, Hội cũng sẽ phối hợp với Cục NTBD tổ chức 4 cuộc Liên hoan: Kịch nói, Cải lương toàn quốc; Múa rối quốc tế; Cuộc thi tài năng Xiếc toàn quốc; Phối hợp với Sở VHTT TP.HCM tổ chức Cuộc thi tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang. Đặc biệt, Hội sẽ tổ chức Liên hoan sân khấu toàn quốc về đề tài thiếu nhi dự kiến trong quý II 2024; Liên hoan Sân khấu Thủ đô toàn quốc lần thứ VI dự kiến tháng 10/2024; Liên hoan Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh toàn quốc dự kiến vào tháng 11/2024; Liên hoan nghệ thuật truyền thống tại Cộng hoà Séc vào tháng 7/2024. Ngoài ra các Hội thảo "Nâng cao chất lượng kịch bản và dàn dựng những tác phẩm sân khấu dành cho thiếu nhi"; Hội thảo "Các tác phẩm sân khấu về đề tài chiến tranh cách mạng"; Hội thảo 100 năm ngày sinh của cố soạn giả, NSND Viễn Châu vào tháng 10/2024 nhân Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông.
Nhân dịp này, Hội đã tổ chức tôn vinh các nghệ sĩ tròn 70, 80 và 90 tuổi.