Mẹ ruột Tự Long: “Tôi sống được thần kỳ đến giờ này là nhờ chồng con”
Mẹ ruột Tự Long: “Tôi sống được thần kỳ đến giờ này là nhờ chồng con”
Hà Tùng Long
Thứ ba, ngày 12/03/2024 13:30 PM (GMT+7)
“Tôi bị cắt một quả thận và ung thư di căn, phải mổ 2 lần, truyền hóa chất 11 lần rồi nhưng vẫn sống được một cách thần kỳ là nhờ sự chăm sóc hết mực của chồng con”, NSƯT Minh Phức – mẹ ruột của NSND Tự Long chia sẻ với Dân Việt.
Nghệ sĩ Minh Phức – một trong tám người đầu tiên của Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh vừa được trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Bà là liền chị cuối cùng của Đoàn được đón nhận danh hiệu cao quý này. Trong lễ trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) diễn ra hôm 6/3 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, chồng bà là NSƯT Vũ Tự Lẫm, con trai là NSND Vũ Tự Long cùng đông đảo người thân lẫn bạn bè đến chúc mừng. NSND Tự Long bày tỏ: "Đưa mẹ đi nhận danh hiệu NSƯT mà tôi còn sướng hơn cả lúc mình được phong NSND".
NSƯT Minh Phức tên thật là Nguyễn Thị Phức, sinh năm 1948 trong một gia đình nhiều thế hệ làm nghệ thuật. Bà có bố là tay trống cự phách của Nhà hát Chèo Việt Nam và các anh, chị ruột đều học trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh. Năm 1969, Ty Văn hóa Hà Bắc có quyết định thành lập Đoàn Quan họ Hà Bắc do liền anh Vũ Tự Lẫm làm trưởng đoàn, bà cũng là những người góp công gầy dựng Đoàn.
Những năm kháng chiến chống Mỹ, dù không phải vào chiến trường để mang lời ca tiếng hát phục vụ các chiến sĩ nhưng nghệ sĩ Minh Phức cùng chồng là Tự Lẫm và nhiều đồng nghiệp cũng đi khắp các nơi phục vụ bà con nhân dân. Đặc biệt, vào năm 1972, khi giặc Mỹ leo thang phá hoại miền Bắc lần thứ 2, Đoàn đã thành lập Đoàn Văn công xung kích, chia làm nhiều tốp nhỏ tỏa đi khắp các đơn vị bộ đội, chốt pháo binh, trạm tên lửa, trại điều dưỡng thương binh... để hát phục vụ bà con và hỗ trợ các chiến sỹ bắn rơi máy bay địch.
"Hồi đó, cả đoàn chỉ có một chiếc xe cải tiến và vài chiếc xe đạp nhưng phải chia nhỏ thành từng tổ nhỏ vì không diễn lớn được. Và vì trong thời kỳ có chiến tranh nên mỗi lần đi ra ngoài biểu diễn văn công toàn phải đội mũ rơm, khoác áo tơi, đi dép cao su... để tránh sự phát hiện của máy bay địch. Đoàn cũng chỉ được phép phục vụ ban ngày chứ không được phục vụ buổi tối. Cứ máy bay đi qua, giúp dân hoặc bộ đội dọn dẹp lại nhà cửa xưởng trạm xong lại hát phục vụ bà con hoặc chiến sỹ các đơn vị bộ đội chủ lực, cứ lúc nào chiến sĩ ngơi tay súng văn công lại hát giúp họ vơi bớt thương đau. Nhiều khi người hát và người nghe cùng khóc vì có nhiều đơn vị họ bị hy sinh rất nhiều chiến sĩ. Nhiều khi đang diễn mà có tiếng báo động lại chạy cuống cuồng xuống hầm trú ẩn. Cứ phục vụ xong chỗ này lại kéo xe cải tiến đưa loa, nhạc cụ, trang phục... sang điểm khác diễn", nghệ sĩ Minh Phức nhớ lại.
Nhiều điểm nóng như: Phù Chẩn, Đáp Cầu, ga Lim, ga Bắc Ninh, ga Bắc Giang, Trạm tên lửa Cây số 4, nhà máy thuốc lá Bắc Sơn, nhà máy phân đạm Bắc Giang, trạm 157... không bao giờ thiếu vắng tiếng hát của các liền anh, liền chị quan họ. Rất nhiều lần, vợ chồng nghệ sĩ Tự Lẫm – Minh Phức còn đến tận giường của các thương binh hát để hát cho họ nghe. Có những thương binh, khi đoàn đến còn vỗ tay hát theo ấy vậy mà đoàn vừa đi họ đã hy sinh vì vết thương quá nặng.
Bên lề trao tặng danh hiệu, NSƯT Minh Phức đã dành cho Dân Việt một cuộc phỏng vấn!
Có chút chạnh lòng nào không khi bà là liền chị cuối cùng của Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh được phong tặng danh hiệu NSƯT?
- Tôi cảm thấy rất vinh dự, tự hào và phấn khởi khi được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Chồng tôi là Vũ Tự Lẫm – Đoàn trưởng đầu tiên của Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh cũng vừa mới được phong tặng danh hiệu vào năm 2016 nên tôi không lấy làm chạnh lòng gì cả. Trái lại, tôi thấy hãnh diện khi gia đình tôi có chồng là NSƯT, con trai là NSND. Ở tuổi này tôi không mong muốn gì hơn nữa. Cả một đời cống hiến cho quan họ, từng đặt chân đến những nơi gian khổ nhất để mang lời ca tiếng hát phục vụ nhân dân, chiến sĩ và sau này là truyền nghề cho thế hệ trẻ, giờ được Đảng và Nhà nước ghi nhận thế này là chúng tôi mãn nguyện lắm rồi.
NSND Tự Long – con trai bà từng rất hãnh diện khi "khoe" mẹ mình hát quan họ rất hay, anh không được một phần của mẹ. Bà nghĩ sao về điều đó?
- Tự Long là người rất yêu văn hóa và nghệ thuật truyền thống. Có lẽ được sinh ra, lớn lên ở mảnh đất Kinh Bắc giàu bản sắc văn hóa, lại được dưỡng nuôi trong gia đình có truyền thống nghệ thuật nên Tự Long biết hát và hát rất hay các làn điệu dân ca từ bé. Say này, Tự Long theo học chèo nhưng thỉnh thoảng cũng nhờ chúng tôi chỉ dạy thêm về quan họ.
Thời còn trẻ thì mỗi người một vẻ, mỗi người một giọng. Đi đâu biểu diễn mà được khán giả yêu thích và ủng hộ là mừng hơn được thướng tiền. Điều tôi tự hào nhất là mình vẫn giữ được vốn cổ của Quan họ. Bây giờ chỉ có tôi là người viết ra được những cuốn sách có 400-500 bài hát ghi lại cụ thể nguồn gốc, xuất xứ ở từng làng, từng cụ trong từng thời gian cụ thể nào. Làm được điều đó khiến tôi không ân hận gì nữa với vai trò là một người học trò ghi chép lại những gì các thế hệ đi trước truyền lại.
Trong mắt bà, NSND Tự Long là một người như thế nào?
- Ở đơn vị, vì là môi trường quân đội nên Tự Long rất nghiêm khắc và chuẩn mực. Nhưng về nhà, Long là một người sống rất chu đáo, tình cảm, hết lòng chăm sóc bố mẹ, vợ con. Khi vào tuổi xế chiều, tôi bị bệnh tật giày vò. Tôi bị cắt một quả thận và ung thư di căn, phải mổ 2 lần, truyền hóa chất 11 lần rồi nhưng vẫn sống được một cách thần kỳ là nhờ sự chăm sóc hết mực của chồng con. Long rất thương tôi, lúc nào cũng nói: "Con không thấy ai đau như mẹ, bệnh như mẹ".
Tự Long không chỉ chu đáo về mặt tinh thần mà còn chăm lo đầy đủ về mặt vật chất cho bố mẹ. Long lo cho chúng tôi từng viên thuốc, hộp sữa, chế độ sinh hoạt hàng ngày.
Với gia đình và dòng tộc, Tự Long là niềm tự hào và hãnh diện của cả đằng nội, đằng ngoại và quê hương, làng xóm. Mọi người tự hào bao nhiêu tôi vinh dự bấy nhiêu.
Bà có nghĩ rằng, tuổi thơ cơ cực cộng với sự thiếu thốn tình cảm từ phía bố mẹ khi còn bé đã khiến con trai bà – NSND Tự Long luôn sống hết mình với cuộc đời?
- Tôi sinh Tự Long được 2 tháng đã phải bế con đi theo trong những lần biểu diễn. Khi đi biểu diễn xa, không thể mang con theo được, tôi phải gửi về nhà bà nội ở Từ Sơn (Bắc Ninh). Lúc này Long mới 9 tháng, kể từ đó đến khi học hết lớp 5 đều ở với bà và chú nên cuộc sống tự lập, rất vất vả. Bố mẹ chỉ gửi lương thực thực phẩm về cho con thôi.
Nhiều khi nghĩ lại cũng thấy thương con vì cả một quãng thời gian dài con sống thiếu thốn tình cảm và thiếu thốn sự chăm sóc của bố mẹ. Nhưng cũng cảm thấy may mắn vì nhờ thế mà con trưởng thành sớm, tự lập sớm. Giờ đây thì con đã có gia đình riêng và chúng tôi chỉ mong con cháu có cuộc sống hạnh phúc là mãn nguyện.
Ở tuổi xế chiều, bệnh tật bủa vây, sức khỏe sa sút… bà đã làm những gì để giữ tình yêu với Quan họ?
- Tôi cứ làm những điều con cái khuyên bảo nên mới nói bản thân sống được vì con. Nhiều năm nay, tôi cứ bình tĩnh sống, sống hay chết giờ tôi không bận tâm đến nữa. Dù đã ở tuổi 75 nhưng tôi vẫn làm việc hàng ngày. Ở nhà tôi, làm nhiều việc nên vì thế mà cũng quên đi bệnh tật. Tôi thường viết bài, sưu tầm, dạy hát, sinh hoạt các câu lạc bộ... để người không trì trệ.
Trước nay tôi sống rất hiền hỏa, chẳng giận ai bao giờ. Tốt nhất là đừng nên giận dữ ai mà cũng không chấp nhặt ai. Ai muốn nói thế nào thì nói. Khen tôi cũng "vâng" mà chê tôi cũng "vâng".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.