CS Wind – tập đoàn sản xuất các tháp gió hàng đầu Hàn Quốc – đã làm lễ khánh thành nhà máy mới có vốn đầu tư hơn 70 triệu USD tại Khu công nghiệp Phú Mỹ 1, thị xã Phú Mỹ vào ngày 13/3.
CS Wind mở nhà máy đầu tiên tại KCN Phú Mỹ 1 năm 2003. Tuy nhiên, do nhu cầu mua trụ điện gió của thế giới liên tục tăng, "ông lớn" này phải tiếp tục xây nhà máy mới cạnh bên để sản xuất các trụ điện gió ngoài khơi, còn gọi là tháp gió, cho khách hàng quốc tế.
Công suất nhà máy mới là 120 ống tháp gió/tuần, gồm tối đa 10 ống có đường kính 10m, nặng khoảng 450 tấn/ống. Nhà máy đầu tiên sản xuất ống có đường kính tối đa chỉ 7-7,5m.
Nhà máy mới sử dụng khoảng 28 nghìn tấn thép/tháng, hơn 300 ngàn tấn thép/năm. Như vậy, đây là nhà máy tháp gió có quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á, theo tập đoàn mẹ từ Hàn Quốc.
Kế hoạch của "đại bàng" Thái Lan
WHA, tập đoàn lớn nhất Thái Lan về phát triển dịch vụ logistics và hạ tầng khu công nghiệp, đang bước đầu chuẩn bị xây dựng 1 KCN sinh thái hiện đại tại Bà Rịa-Vũng Tàu trong chiến lược mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Bà Jareeporn Jarukornsakul, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO của WHA, đến gặp ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh, tại Bà Rịa-Vũng Tàu đầu tháng 3 để đề xuất kế hoạch xây Khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ Châu Đức ở huyện Châu Đức với quy mô dự kiến lớn thứ hai tại tỉnh, đến 1.200ha.
Bà giải thích chọn Châu Đức là do huyện có tiềm năng phát triển tốt. Theo quy hoạch Bà Rịa-Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, vừa được phê duyệt, Châu Đức có một khu vực được quy hoạch phát triển khu công nghiệp với diện tích 4.200ha, và tập đoàn Thái Lan dự kiến triển khai dự án KCN trong khu vực mới này.
Chủ tịch của WHA cho biết tập đoàn với thế mạnh trong logistics, bất động sản công nghiệp, dịch vụ tiện ích, năng lượng và chuyển đổi số, WHA đã đầu tư nhiều dự án ở Việt Nam, điển hình là tỉnh Nghệ An, cực tăng trưởng mạnh mẽ nhất khu vực bắc miền Trung hiện nay.
Định hướng trong thời gian tới của WHA là phát triển các KCN sinh thái thông minh, với mục tiêu 5 năm tới đầu tư ít nhất 1 tỷ USD vào các dự án KCN tại Việt Nam. Với việc có nhiều khách hàng là các tập đoàn đa quốc gia có quy mô lớn, nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, WHA hy vọng sẽ thu hút thành công vào các KCN này các dự án thứ cấp có tổng vốn đầu tư trên 5 tỷ USD.
Vốn FDI vào Bà Rịa-Vũng Tàu tăng 5,4 lần
Trong hai tháng đầu năm 2024, vốn FDI đổ vào Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 5,4 lần so với cùng kỳ năm 2023, đạt 392 triệu USD. Tỉnh là địa phương nằm trong nhóm đầu về mức độ hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.
Trong tháng 2, tỉnh cấp phép cho 3 dự án FDI mới với tổng vốn đầu tư 9,95 triệu USD và điều chỉnh tăng vốn 3 dự án với 25,79 triệu USD, theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh BR-VT. Tính chung tháng 1 và 2, tỉnh cấp mới, điều chỉnh tăng vốn cho 9 dự án, với số vốn 392 triệu USD.
Đến nay, Bà Rịa – Vũng Tàu có 462 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 31,9 tỉ USD. Mục tiêu cả năm tỉnh đặt ra là thu hút 2 tỉ USD vốn FDI. Sau 2 tháng đầu năm, hơn 19% kế hoạch đã được thực hiện; và hơn 80% còn lại dành cho 10 tháng.
Cả năm 2023, 21 dự án FDI mới được cấp phép tại BR-VT bên cạnh 29 dự án điều chỉnh tăng vốn; tổng kết quả đạt được khoảng 1,4 tỷ USD, tương đương gần 154% kế hoạch và tăng 91,7% so với năm 2022.
Những "đại bàng" FDI tại Bà Rịa – Vũng Tàu, ngoài CS Wind Hàn Quốc, còn bao gồm tập đoàn Heineken Hà Lan, SCG Thái Lan, Hyosung và Samsung từ Hàn Quốc, Marubeni Nhật Bản, ông lớn đóng tàu Vard của Na Uy, Austal của Úc…
Về dự án tổ hợp hóa dầu Long Sơn với tổng vốn đầu tư đăng ký 5,4 tỷ USD của SCG, tổ hợp đã hoàn tất quá trình chạy thử nghiệm trong cuối tháng 12/2023 và đầu tháng 1/2024. Tuy nhiên, ngày dự kiến khánh thành chính thức cho Long Sơn chưa được công bố dù tổ hợp đã vận hành sản xuất.
Với diện tích đất sử dụng tới 464 hectare chưa tính mặt nước, tổ hợp hóa dầu Long Sơn là dự án FDI lớn nhất về vốn tại Bà Rịa-Vũng Tàu, được xếp vào dự án trọng điểm quốc gia, khởi công xây dựng trong tháng 2/2018.
Với Hyosung, trong vài năm gần đây, tập đoàn đa ngành Hàn Quốc đã liên tiếp rót vốn vào 3 dự án hóa chất, hạt nhựa và kho ngầm chứa khí đốt hóa lỏng (LPG) ở Bà Rịa – Vũng Tàu với tổng số vốn đầu tư khoảng 1,66 tỉ USD.
Chưa hết, Hyosung đã chọn tỉnh làm địa điểm để đầu tư tổng cộng hơn 1 tỉ USD (nhiều giai đoạn) để sản xuất sợi carbon nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh toàn cầu của tập đoàn.