Dân Việt

Hà Nội dự kiến sẽ tăng loạt tiền bán trú của học sinh: Nhà trường và phụ huynh nói gì?

Tào Nga 15/03/2024 06:00 GMT+7
Dịch vụ chăm sóc bán trú trong hệ thống trường công lập của Hà Nội dự tính tăng gần 1,6 lần từ 150.000 đồng lên 235.000 đồng/tháng. Bên cạnh đó, dịch vụ trang thiết bị phục vụ bán trú, dịch vụ học 2 buổi/ngày cũng tăng...

Hà Nội dự kiến tăng các khoản tiền bán trú 

Mới đây, Hà Nội công bố dự thảo Nghị quyết quy định danh mục các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội.

Theo đó, thành phố lên danh mục 6 dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục có thu gồm: 

Dịch vụ phục vụ bán trú, dự tính thu tiền ăn của học sinh là 35.000 đồng/ngày đối với bữa trưa và 20.000 đồng/ngày đối với bữa sáng. 

Dịch vụ chăm sóc bán trú dự tính tăng gần 1,6 lần từ 150.000 đồng lên 235.000 đồng/tháng.

Dịch vụ trang thiết bị phục vụ bán trú áp dụng với trẻ mầm non tăng từ 150.000 đồng/năm học lên 200.000 đồng/năm học. Mức thu này ở học sinh tiểu học và THCS tăng từ 100.000 đồng/năm học lên 133.000 đồng/năm học.

Dịch vụ học 2 buổi/ngày tăng từ 150.000 đồng/tháng lên 235.000 đồng/tháng (áp dụng với học sinh THCS).

Hà Nội dự kiến sẽ tăng loạt tiền bán trú của học sinh: Nhà trường và phụ huynh nói gì?- Ảnh 1.

Hà Nội dự kiến sẽ tăng loạt tiền bán trú của học sinh: Nhà trường và phụ huynh nói gì?- Ảnh 2.

Danh mục 6 khoản thu dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục, đào tạo đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập của thành phố Hà Nội. Ảnh chụp màn hình

Một số khoản thu không có trong quy định từ năm 2013 nay được đưa vào danh mục dịch vụ hỗ trợ hoạt động giáo dục căn cứ trên thực tế. Cụ thể, dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trước và sau giờ học chính khóa thu 12.000 đồng/học sinh/giờ; dịch vụ chăm sóc, nuôi dưỡng vào ngày nghỉ thu 96.000 đồng/học sinh/ngày. 

Hai khoản thu khác được phụ huynh quan tâm nhưng chưa có bất kỳ quy định mức thu nào là tiền xe đưa đón học sinh và tiền học ngoại khóa do nhà trường tổ chức. Trong dự thảo mới, Hà Nội đề xuất thu tiền xe đưa đón học sinh và trẻ mầm non là 10.000 đồng/km/người.

Với tiền học thêm văn hóa và kỹ năng sống do nhà trường tổ chức, Hà Nội đề xuất mức thu 15.000 đồng/giờ dạy. Trước đây, Hà Nội chỉ quy định mức thu với việc học thêm các môn văn hóa ở THCS và THPT.

Nhà trường và phụ huynh nói gì?

Trước đề xuất của Hà Nội về việc tăng tiền chăm sóc bán trú, nhiều phụ huynh cũng bày tỏ băn khoăn, lo lắng. Chị Nguyễn Lan Phương, phụ huynh có 2 con học lớp 3 và 7 ở quận Thanh Xuân, Hà Nội, cho hay: "Tiền chăm sóc bán trú từ 150.000 lên 235.000 là tăng gần gấp đôi, cộng các khoản khác như học tăng cường, phụ đạo trên lớp, cơ sở vật chất, tiền học 2 buổi... cũng tăng lên thì tôi nghĩ số tiền mà phụ huynh phải đóng sẽ đội lên cao. 

Tôi e rằng sẽ khó khăn cho nhiều phụ huynh, đặc biệt gia đình nào có 2 hoặc 3 con đang đi học. Chúng ta đều biết, Hà Nội là thành phố nhập cư có mật độ dân số cao. Trong đó có nhiều phụ huynh làm lao động chân tay, công nhân, người có thu nhập thấp. Khi các dịch vụ giáo dục tăng làm cho đời sống của họ vốn đã chật vật, giờ khó khăn lại thêm chồng chất".

Hà Nội dự kiến sẽ tăng loạt tiền bán trú của học sinh: Nhà trường và phụ huynh nói gì?- Ảnh 3.

Học sinh Hà Nội ăn bán trú. Ảnh: Tào Nga

Chia sẻ với PV báo Dân Việt, cô Trần Thu Hà, giáo viên một trường tiểu học ở Hà Nội, cho biết mỗi tháng thu nhập từ chăm sóc bán trú của giáo viên trong trường dao động khoảng 2-4 triệu đồng. Mỗi lớp sẽ có 2 cô chăm sóc bán trú với nhiệm vụ như bê cơm lên lớp, lấy canh, nhắc nhở các con ăn uống, dọn dẹp. Đến giờ học sinh đi ngủ thì tắt đèn, quan sát lớp trong thời gian học sinh nghỉ trưa. 

Tiền chăm sóc bán trú sẽ được chi trả cho tất cả đội ngũ từ y tế, bảo vệ, lao công, ban giám hiệu. Theo cô Hà, mức lương hiện tại cô đang nhận được hợp lý.

Nói về việc dự kiến tiền chăm sóc bán trú tăng lên 235.000 đồng/học sinh, cô Hà ý kiến: "Nếu tiền tăng lên thì sẽ tốt hơn cho thầy cô tham gia chăm sóc bán trú, thêm thắt cho cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, phụ huynh khá giả thì mức tăng này không vấn đề, đa số sẽ chấp nhận. Còn ở vùng quê, nhiều phụ huynh không có điều kiện sẽ gây áp lực. Tăng thêm tiền khiến phụ huynh không cho con ăn bán trú mà sẽ đi buổi về nhà và nhiều người không hiểu lại thắc mắc tiền tăng đó sẽ đi đâu".

Cô Hà khẳng định: "Giá cả thị trường tăng thì các khoản tiền khác cũng tăng theo. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ muốn tăng lương để ổn định nghề nghiệp chứ không muốn tăng tiền đóng góp phụ huynh, vì như vậy sẽ gây cho phụ huynh thêm khó khăn hơn. Số tiền chăm sóc bán trú bao nhiêu thì nên tính thuận lợi cho gia đình và nhà trường. Bản thân tôi cũng có con đi học, cuộc sống không dư dả nên tăng thêm khoản nào đều bị trội phí lên khoản đó".

Trong khi đó, hiệu trưởng một trường tiểu học ở Hà Nội cho biết, trung bình mỗi giáo viên trong trường nhận được hơn 1 triệu đồng/tháng từ tiền chăm sóc bán trú. Khoản tiền này nhiều hay ít phụ thuộc vào số lượng học sinh đăng ký.

"Tiền chăm sóc bán trú sẽ dành để chi trả cho tất cả những người trực tiếp tham gia trông coi việc ăn, ngủ của học sinh. Thực sự nhiều giáo viên trong trường không muốn trông vì quá vất vả, muốn có thời gian nghỉ trưa hoặc chăm sóc gia đình. Giáo viên nào không trông bán trú thì cứ 11h tan về, 13h30 quay lại trường. Vì vậy, tôi phải thường xuyên động viên giáo viên tham gia vì chỉ có các cô mới hiểu và chăm sóc cho học sinh tốt nhất", hiệu trưởng này cho hay.