Dân Việt

Hành lang pháp lý nhìn từ vụ nợ 8,5 triệu tính lãi thành 8,8 tỷ đồng

H.Anh 18/03/2024 06:30 GMT+7
Trao đổi với Dân Việt, luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, ngân hàng được tự do thỏa thuận và tính lãi trong trường hợp pháp luật không cấm.

Liên quan đến vụ nợ 8,5 triệu tính lãi thành 8,8 tỷ đồng đang xôn xao dư luận những ngày gần đây. Nhiều người bày tỏ nghi ngại về việc tính lãi suất thẻ tín dụng hiện nay theo kiểu "lãi chồng lãi" (hay còn gọi là lãi kép) như một số ngân hàng vẫn đang áp dụng.

PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI.

Hành lang pháp lý nhìn từ vụ nợ 8,5 triệu tính lãi thành 8,8 tỷ đồng- Ảnh 1.

Luật sư Trương Thanh Đức - Giám đốc Công ty Luật ANVI.

Vụ nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu thành 8,8 tỷ ở Quảng Ninh: Ngân hàng được tự do thỏa thuận và tính lãi trong trường hợp pháp luật không cấm.

Từ vụ nợ 8,5 triệu tính lãi thành 8,8 tỷ đồng đang "nóng" những ngày gần đây, xin ông cho biết, việc tính lãi kép của thẻ tín dụng hiện tại có "phạm luật" hay không?

- Ngân hàng được tự do thỏa thuận và tính lãi trong trường hợp pháp luật không cấm.

Trở về lịch sử năm 1997, đã từng có Thông tư liên tịch số 01/TTLT năm 1997 đề cập về lãi. Theo đó, ngoài tổ chức tín dụng chỉ được nhập gốc 1 lần. Ví dụ, kỳ hạn 1 tháng sau 1 tháng nhập 1 lần, kỳ hạn 1 năm sau 1 năm nhập lãi 1 lần. 

Năm 2019, dự thảo Nghị quyết số 01 năm 2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về tính lãi phân tích, trình bày với 2 phương án tính lãi được đưa ra.

Thứ nhất, chỉ được nhập lãi vào gốc một lần. Hai là, không quy định. Cuối cùng, khi ban hành Nghị quyết đã chọn phương án không quy định. Điều này đồng nghĩa với việc là không cấm tổ chức tín dụng nhập gốc nhiều lần.

Trong khi đó, theo Bộ luật Dân sự, lãi suất vay do các bên thỏa thuận, nhưng không được vượt quá 20%/năm, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Khi cộng thêm lãi suất quá hạn thì cũng không được quá 30%/năm. Còn theo Bộ luật Hình sự, trường hợp cho vay với lãi suất trên 100% thì phạm tội cho vay lãi nặng. Tuy nhiên, trần 20%/năm không áp dụng đối với ngành ngân hàng. Đồng thời, lãi suất quá hạn ngân hàng được áp dụng, bằng 150% lãi suất trong hạn, thay vì chỉ được cộng thêm tối đa 10% như quy định chung đối với phi ngân hàng.

Do đó, ngân hàng có thể nhập lãi vào gốc hay cho vay gốc với lãi suất 1000%/năm vẫn hợp pháp. 

Theo tính toán, lãi suất (gồm cả phí phạt,…) trong vụ nợ 8,5 triệu tính lãi thành 8,8 tỷ đồng, bình quân khoảng 70%/năm (lãi nhập gốc theo tháng). Thậm chí, nếu tính lãi nhập gốc theo ngày, số tiền có thể lên tới 13 tỷ đồng, nhưng vẫn không phạm luật. Đây là thực tế diễn ra trong nhiều năm qua và là bất cập về hành lang pháp lý.

Hành lang pháp lý nhìn từ vụ nợ 8,5 triệu tính lãi thành 8,8 tỷ đồng- Ảnh 2.

Vụ nợ 8,5 triệu tính lãi thành 8,8 tỷ đồng. (Ảnh: FB)

Cần có quy định mức trần chung về lãi suất

Có thông tin cho rằng, nhiều năm qua Ngân hàng Nhà nước từng có chỉ đạo các ngân hàng thương mại không tính lãi kép cho các khoản vay. Vậy trong vụ nợ 8,5 triệu đồng, tính lãi thành 8,8 tỷ đồng, Eximbank có phải chịu "xử phạt" của Ngân hàng Nhà nước hay không?

- Công văn của Ngân hàng Nhà nước chỉ có thể đôn đốc, nhắc nhở, lưu ý việc tuân thủ pháp luật về lãi suất đã có, chứ không thể đặt ra những yêu cầu, đòi hỏi mới.

Về vấn đề lãi kép, Ngân hàng Nhà nước có ban hành tới 100 công văn hay văn bản, nhất là những văn bản trước năm 2019 thì việc thực hiện hay không vẫn phụ thuộc quan điểm kinh doanh, quan điểm ứng xử, quan điểm cạnh tranh của từng ngân hàng.

Chẳng hạn như thời gian qua, từ các văn bản chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước có thể thấy, Ngân hàng Nhà nước không "ép" ngân hàng giảm lãi suất, thay vào đó là khuyến khích, kêu gọi các tổ chức tín dụng giảm lãi suất. 

Về lãi suất, chúng ta đã tự do hóa thị từ vài chục năm nay và đó là quyền tự chủ kinh doanh của các ngân hàng theo quy định của pháp luật. Ngân hàng Nhà nước không thể "phạt" ngân hàng chỉ vì tính lãi kép.

Vậy, để hạn chế những câu chuyện như nợ 8,5 triệu tính lãi thành 8,8 tỷ đồng thời gian qua, theo ông cần phải làm gì?

- Luật phải bao quát thực tế, vì vậy tôi kiến nghị phải sửa Luật theo hướng có quy định mức trần chung về lãi suất. Theo đó, cần áp dụng thống nhất quy định về lãi suất cho vay đối với mọi thành phần kinh tế, ngân hàng hay phi ngân hàng đều như nhau mới công bằng, hợp lý.

Xin cảm ơn ông!

Trao đổi với Dân Việt, nhân viên chăm sóc, chuyên xử lý khiếu nại của khách hàng tại một ngân hàng có dư nợ cho vay thẻ tín dụng lớn, cho biết: Ngân hàng cũng đang áp dụng tính lãi kép với thẻ tín dụng chậm trả. Cả thế giới họ áp dụng cách tính thẻ tín dụng như vậy, mục đích để chủ thẻ có trách nhiệm phải trả khi chi tiêu.

Đại diện trung tâm thẻ của một ngân hàng khác lại cho hay, có văn bản đề cập các ngân hàng không tính lãi kép với các khoản vay. Tuy nhiên, chỉ áp dụng với các khoản vay thông thường, không áp dụng cho thẻ tín dụng. Nguyên nhân, thẻ tín dụng là sản phẩm đặc thù là cấp hạn mức không phải cho vay.

Phía Hiệp hội Ngân hàng cũng đã yêu cầu Eximbank công bố lãi suất, cách tính trong vụ nợ 8,5 triệu tính lãi thành 8,8 tỷ đồng. "Hiện tại, chưa thể nói Eximbank đang tính toán thế nào trong trường hợp này, có hay không chuyện ngân hàng tính lãi kép, khi có thông tin, Hiệp hội sẽ công bố thông tin chính thức", ông này nói.