Chiều 18/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên chất vấn Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn về nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao.
Đặt câu hỏi tại phiên chất vấn, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Quảng Trị) cho biết, hiện Việt Nam miễn thị thực nhập cảnh đơn phương cho 13 nước nhằm hỗ trợ phát triển du lịch Việt Nam. Ông Thắng đề nghị Bộ trưởng cho biết, Bộ Ngoại giao có giải pháp gì để các nước trên ký miễn thị thực song phương cho công dân Việt Nam theo nguyên tắc có đi có lại.
Nhắc tới đại án "chuyến bay giải cứu" khiến nhiều cán bộ của ngành ngoại giao vi phạm pháp luật thời gian qua, đại biểu Hoàng Đức Thắng băn khoăn, phải chăng đây là "bề nổi của tảng băng chìm" trong công tác cán bộ của ngành Ngoại giao?
"Bộ trưởng có ý kiến gì về vấn đề này và Bộ trưởng sẽ làm gì để phòng ngừa, ngăn chặn triệt để những tiêu cực trong đội ngũ ngành để lấy lại hình ảnh uy tín của ngành Ngoại giao trước nhân dân cũng như bạn bè quốc tế?", đại biểu Thắng đặt câu hỏi chất vấn.
Trả lời đại biểu Hoàng Đức Thắng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, miễn thị thực cho 13 nước chúng ta đã làm rồi. Tới đây, Bộ Ngoại giao sẽ thúc đẩy đàm phán miễn thị thực song phương, "có đi có lại" với các nước bạn. Theo Bộ trưởng, đây là hướng đi lâu dài, bền vững, vừa tạo được du lịch thuận lợi nhưng cũng tạo được thế của người dân Việt Nam khi đi ra nước ngoài.
Về công tác cán bộ và các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn chia sẻ "chuyện chuyến bay giải cứu vừa qua xảy ra là sự kiện rất đau xót đối với ngành ngoại giao có truyền thống 80 năm và đối với các cá nhân, các gia đình đó".
"Chúng tôi đã rất nghiêm túc kiểm điểm, rất sâu sắc và đã rút ra một số biện pháp. Chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục làm kiên quyết, kiên trì", ông Sơn khẳng định.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cũng nêu rõ các biện pháp, trong đó tăng cường phổ biến quán triệt, giáo dục về pháp luật về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đặc biệt chú trọng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng.
"Ngành ngoại giao là ngành ở bên ngoài, tác chiến độc lập, không giữ được bản lĩnh và phẩm chất đạo đức thì làm sao triển khai được? Chúng tôi rất kiên định về vấn đề này, đề cao tính gương mẫu, trách nhiệm người đứng đầu", ông Sơn nhấn mạnh.
Thứ hai, quán triệt sâu sắc tinh thần phụng sự và phục vụ người dân, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Thứ ba là đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đạo đức công chức cho cán bộ, công chức, những người làm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực cho công chức, viên chức, người lao động.
Thứ tư, công khai minh bạch trong tổ chức hoạt động, rà soát, xây dựng và hoàn thiện tất cả các quy chế, quy định, quy trình. Đặc biệt là những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực.
"Chúng tôi đặt trọng tâm là công tác lãnh sự và bảo hộ công dân và trước hết là các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài", Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nói và bày tỏ mong muốn Quốc hội tiếp tục theo dõi, phản ánh.
Trong vụ án chuyến bay giải cứu, nhiều cán bộ, lãnh đạo ở Bộ Ngoại giao, trong đó người có chức cao nhất là cựu Thứ trưởng Tô Anh Dũng, bị cáo buộc nhận hối lộ.
Các bị can còn lại cũng công tác tại Bộ Ngoại giao cùng bị cáo buộc nhận hối lộ, gồm: Nguyễn Thị Hương Lan - cựu Cục trưởng Cục Lãnh sự; Đỗ Hoàng Tùng - cựu Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự; Lê Tuấn Anh - nguyên Chánh Văn phòng, tập sự Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự; Lưu Tuấn Dũng - cựu Phó Trưởng phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự; Vũ Hồng Nam - cựu Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản; Nguyễn Hồng Hà - cựu Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản; Vũ Ngọc Minh - cựu Đại sứ Việt Nam tại Angola; Lý Tiến Hùng - cựu cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga.
Ngày 27/12/2023, TAND Cấp cao tại thành phố Hà Nội đã tuyên án phúc thẩm đối với 21 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu". Trong đó, cựu thứ trưởng Tô Anh Dũng bị tuyên phạt 14 năm tù (án sơ thẩm 16 năm tù); cựu cục trưởng Cục Lãnh sự Nguyễn Thị Hương Lan y án sơ thẩm tù chung thân; Đỗ Hoàng Tùng, cựu Phó cục trưởng Cục Lãnh sự, 10 năm tù (án sơ thẩm 12 năm tù)...