Đại biểu Quốc hội: Vụ "chuyến bay giải cứu" đặt ra câu hỏi lớn cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
Đại biểu Quốc hội: Vụ "chuyến bay giải cứu" đặt ra câu hỏi lớn cho Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
Quỳnh Nguyễn
Chủ nhật, ngày 17/03/2024 20:50 PM (GMT+7)
Nhắc lại đại án chuyến bay giải cứu khiến nhiều cán bộ của Bộ Ngoại giao vướng vòng lao lý, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn sẽ phải đưa ra giải pháp để tình trạng đó không tiếp diễn trong phiên chất vấn của UBTVQH.
Ngày mai (18/3), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ dành cả ngày để tổ chức hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính và nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao.
Hai Bộ trưởng có trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Hai lĩnh vực được lựa chọn rất "trúng"
Chia sẻ với Dân Việt, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Thị Việt Nga – Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, hai lĩnh vực được UBTVQH lựa chọn vấn đề chất vấn rất "trúng" trong thời điểm hiện tại.
Phân tích chi tiết, bà Nga đánh giá đây là hai lĩnh vực rất trọng điểm trong thời điểm hiện tại, nhất là lĩnh vực tài chính. Nguyên nhân bởi chúng ta đã ban hành rất nhiều các chính sách tài khoá và các chính sách tiền tệ để phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19. Đây là lúc chúng ta cần nhìn nhận lại để đánh giá những chính sách đó, nếu như có hiệu quả vượt trội thì có thể xem xét, sửa đổi một số luật liên quan.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế của đất nước và toàn thế giới diễn biến phức tạp, đối mặt nhiều thách thức thì việc điều hành nền tài chính vĩ mô như thế nào để đáp ứng được yêu cầu trước mắt cũng được đặt ra. Bên cạnh đó, liên quan đến vấn đề bảo hiểm nhân thọ được rất nhiều cử tri cả nước quan tâm.
"Tôi thấy chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính là rất xác đáng đáng trong thời điểm hiện tại. Hơn thế nữa, chúng ta cũng đang chuẩn bị xây dựng cho một nhiệm kỳ mới, vậy thì giai đoạn tài chính vừa rồi chúng ta cũng cần phải nhìn nhận và đánh giá lại", bà Nga nêu quan điểm.
Đối với lĩnh vực ngoại giao, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương đánh giá đây là lĩnh vực mà các đại biểu ít đặt ra vấn đề chất vấn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trên nghị trường.
Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, diễn biến cục diện chính trị của thế giới rất phức tạp, việc Việt Nam khẳng định mình và có mối quan hệ như thế nào với các nước trên thế giới có một phần tham mưu cho Chính phủ rất lớn của Bộ Ngoại giao.
Thực tế cũng đang đặt ra rất nhiều vấn đề "nóng bỏng" đối với lĩnh vực ngoại giao, điển hình như việc chúng ta ta chưa khai thác và phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng hay vấn đề bảo hộ công dân ở nước ngoài.
"Hiện nay có rất nhiều lao động Việt Nam lừa đảo, đi lao động ở nước ngoài qua con đường không chính ngạch, bất hợp pháp, bị lừa vào làm việc cho các sòng bạc ở một số nước trong khu vực dẫn tới tình trạng xảy ra rất nhiều bi kịch thương tâm.
Chúng ta khó có thể thống kê những con số đó bởi vì họ đi lén lút, chỉ khi nào có những chuyên án triệt phá thành công những đường dây thì chúng ta mới biết. Tôi nghĩ con số thực tế còn lớn hơn con số thống kê của ngành công an rất nhiều, đây cũng là một vấn đề rất nhức nhối", bà Nga nêu vấn đề.
Nhắc lại đại án "chuyến bay giải cứu", đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đặt ra vấn đề làm thế nào để nâng cao năng lực, trách nhiệm cũng như đạo đức công vụ của đội ngũ làm công tác ngoại giao.
"Trong đại án chuyến bay giải cứu, có rất nhiều quan chức và công chức của Bộ Ngoại giao đã vướng vòng lao lý. Một cơ quan đại diện ở nước ngoài để bảo hộ cho người dân Việt Nam, trong lúc nguy cấp như thế lại có những 'con sâu bỏ rầu nồi canh'. Ngành ngoại giao làm như thế nào để trong thời gian tới sẽ không còn những tình trạng đó tiếp diễn?", bà Nga đặt câu hỏi và cho biết, với tư cách Phó trưởng đoàn ĐBQH, bà đã nắm bắt được rất nhiều ý kiến của cử tri về vấn đề này.
Trả lời trực diện, có những giải pháp kịp thời
ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của UBTVQH, ông đặc biệt quan tâm tới nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tài chính.
Theo ông Hòa, các nội dung được nêu trong lĩnh vực tài chính đều là vấn đề quan trọng, cần làm rõ và có những giải pháp kịp thời.
Với những chuyển biến và đổi mới trong hoạt động chất vấn thời gian qua, ông Hòa tin tưởng trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tới đây, các ĐBQH tiếp tục đặt câu hỏi trọng tâm, bám sát và theo đúng chủ đề, nhóm lĩnh vực đề ra.
"Cùng với đó, các Bộ trưởng, trưởng ngành với tinh thần cầu thị sẽ trả lời thẳng thắn, không né tránh, trực diện vào vấn đề chất vấn. Đồng thời, giải trình làm rõ vấn đề đại biểu nêu, nghiêm túc, thẳng thắn nhận trách nhiệm về những mặt còn tồn tại, hạn chế của ngành, lĩnh vực. Từ đó, đưa ra được các giải pháp thiết thực, hiệu quả, khả thi trước mắt và lâu dài", ông Hòa nói thêm.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga bày tỏ hi vọng, qua phiên chất vấn chúng ta có một cái nhìn toàn cảnh, sâu sắc về những ưu điểm, thành tựu của Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao đã đạt được trong thời gian qua.
Đồng thời, nhận diện một cách thẳng thắn những vướng mắc cũng như những hạn chế trong thời gian vừa qua để các Bộ trưởng đưa ra được giải pháp, cam kết trong thời gian tới, làm sao để lĩnh vực, ngành mình phụ trách sẽ tốt hơn nữa.
"Tôi rất mong muốn, sau chất vấn thì các Bộ trưởng sẽ chỉ đạo ngành mình thực hiện một cách nghiêm túc những lời hứa và những cam kết trước ĐBQH, trước cử tri và nhân dân cả nước trong phiên chất vấn", bà Nga nói.
Phiên chất vấn sẽ được tổ chức tại Phòng Diên Hồng, Nhà Quốc hội và kết nối truyền hình trực tuyến với 62 Đoàn đại biểu Quốc hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Việc chất vấn và trả lời chất vấn được tiến hành theo nhóm vấn đề; người trả lời chất vấn không trình bày báo cáo, có thể phát biểu về vấn đề chất vấn không quá 5 phút trước khi ĐBQH tiến hành chất vấn; mỗi lượt có 3 đến 5 đại biểu đặt câu hỏi, mỗi đại biểu nêu chất vấn không quá 1 phút; người được chất vấn trả lời không quá 3 phút/1 nội dung chất vấn.
Trong quá trình chất vấn, ĐBQH có quyền tranh luận đối với người trả lời chất vấn để làm rõ những vấn đề đã được trả lời nhưng chưa thỏa đáng; thời gian tranh luận không quá 2 phút.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.