Dân Việt

Công bằng giáo dục - Công bằng xã hội

Nguyễn Mỹ Linh 18/03/2024 13:30 GMT+7
Công bằng trong giáo dục không những rút ngắn khoảng cách về dân trí trong xã hội, tạo nên lực lượng lao động bậc cao và quan trọng nhất là hạn chế sự phân hoá giàu nghèo – nguy cơ của những bất ổn trong đời sống tinh thần và an ninh trật tự xã hội.

“Cháu có chắc là sẽ thấy thoải mái khi phải trả thuế nhiều hơn, rồi tiền thuế đó lại dùng cho giáo dục và sinh viên nước ngoài sẽ được hưởng lợi không?". Tôi hỏi một nhóm sinh viên đang ngồi ăn trưa ở quảng trường bên cạnh Panthéon.

Nghĩ một lúc, một bạn xưng là sinh viên y khoa năm thứ 2 trả lời: “Tôi thực sự không muốn chính trị hoá câu chuyện này, nhưng tôi nghĩ việc trao quyền tiếp cận tri thức cho sinh viên đến từ nước nghèo là điều mà nước Pháp nên làm". Một bạn khác, học sinh cấp 3 trường Trung học dạy nghề, khoa Mỹ thuật thì bảo: “Tôi nghĩ công bằng trong giáo dục là điều quan trọng, nó là sự khởi điểm cho công bằng xã hội".

Tôi không phỏng vấn các Giáo sư Đại học Pháp bởi việc lên tiếng đòi hỏi sự công bằng trong tiếp cận tri thức cho sinh viên đã được họ lên tiếng từ nhiều năm. Hơn 30 trường Đại học của Pháp đã đề nghị Chính phủ không tạo khoảng cách giữa sinh viên nước ngoài và sinh viên Pháp trong việc đóng học phí. 

Nghĩa là học phí nhiều năm qua cho bậc đại học của Pháp khoảng dưới 1000 €/năm gồm tiền lệ phí, tiền bảo hiểm cứ giữ nguyên thế, không tăng cho sinh viên nước ngoài. 

Dự thảo tăng học phí này đã được thảo luận từ nhiều năm qua và mới chính thức hoá gần đây sau khi gây ra tranh cãi và phản ứng của sinh viên và giáo sư các trường Đại học của Pháp. Hiện tại, sinh viên nước ngoài sẽ phải đóng hơn 2770 €/năm cho bậc đại học, nghĩa là đã thấp hơn dự thảo trước kia. 

So với các nước khác trong châu Âu có chất lượng giáo dục được đánh giá tương đương, Pháp được đánh giá là hỗ trợ nhiều cho việc tiếp cận đại học. Rẻ hơn rất nhiều trường đại học ở Việt Nam.

Nếu không sống ở châu Âu và Pháp sẽ thấy rất khó hiểu cho tinh thần yêu chuộng công bằng xã hội này và có lẽ chính vì thế mà nhiều gia đình Việt Nam hoặc vì thiếu thông tin hoặc vì quen suy nghĩ truyền thống rằng “của rẻ là của ôi" nên oằn lưng cõng con qua đại học ở những nước coi giáo dục là ngành kinh doanh. 

Khái niệm công bằng trong giáo dục không phải là một trong những chiến lược để phát triển đất nước một cách nhân văn nhất.

Chính phủ Pháp giải thích rằng việc nâng học phí cho người nước ngoài chính là sự công bằng bởi cha mẹ các sinh viên này không đóng thuế cho nước Pháp. Bởi thế, họ được nhận một giá học phí khác với sinh viên Pháp. 

Việc tăng học phí cho sinh viên nước ngoài góp phần nâng cao chất lượng cho ngành giáo dục và quan trọng hơn là tăng thêm cơ hội trao học bổng cho các sinh viên nghèo đến từ các nước có thu nhập đầu người thấp chứ không cào bằng.

Tuy thế khái niệm công bằng của các giáo sư và sinh viên Pháp thì lại khác. Họ cho rằng dù học phí của Pháp rất thấp, sinh viên nước ngoài được tiếp cận các loại hỗ trợ xã hội khác như hỗ trợ tiền nhà, hỗ trợ đi lại như người Pháp nhưng trên giảng đường họ vẫn bị phân biệt, dù chỉ là trong học phí.

Sự tuyệt đối hoá khái niệm công bằng này, tuy không hẳn có lý với một số quốc gia mà học phí rất cao như Anh, Ireland (10.000 – 45.000 €/năm) nhưng rất may mắn nhờ nó mà hàng thế kỷ qua, nền giáo dục nhiều nước châu Âu đã tạo cơ hội tiếp cận đại học cho hàng triệu sinh viên nước ngoài đến từ các nước nghèo và đây cũng chính là sự ưu việt của những đất nước mà tri thức và công bằng xã hội được đề cao, tính nhân văn được bảo tồn như một di sản của xã hội.

Sinh viên Việt Nam cũng là một ví dụ cho nhóm trí thức được hưởng lợi từ tinh thần này.

Nhờ có việc sinh viên đi học không phải trả tiền (trước kia) và rất ít tiền (sau này) mà nhiều bác sĩ, kỹ sư và các nhà khoa học Việt Nam có thể đến châu Âu nói chung và Pháp nói riêng du học tự túc, ngoài các chương trình hợp tác giữa hai Chính phủ.

Cũng nhờ vào sự công bằng này mà con cái các gia đình nghèo ở Pháp như công nhân, nông dân hay người nhập cư làm công việc lao động thô sơ có thể yên tâm cho con đến trường.

Sự công bằng trong cơ hội tiếp cận tri thức được thể hiện thế nào suốt nhiều năm qua? Đóng thuế đủ và dùng thuế đúng.

Tiền đề cho việc có được sự công bằng trong cơ hội đến trường phải nói đến chính sách xã hội được xây dựng phù hợp với quyết sách này. Càng những nước mà nền giáo dục và an sinh xã hội tốt thì thuế thu nhập rất cao, như Đan Mạch, Áo, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Thuỵ Điển. Thuế thu nhập của Đan Mạch và Áo là 55%. Ở Thuỵ Điển là 52%, Bỉ từ 50 – 65%, Pháp 45% (cho những người thu nhập ở mức cao).

Điều gì đã khiến các công dân ở nước này chấp nhận mức thuế cao như vậy?

Tất nhiên, thuế cao luôn phải đi cùng các chính sách xã hội khiến người dân thấy hợp lý với đồng tiền mà họ tạm gọi là mất đi khi nộp thuế. Các loại thuế này cho phép tất cả các thành phần trong xã hội, bất kể giới tính, quan điểm chính trị, vị trí xã hội hay kinh tế, được hưởng lợi như nhau. 

Nói nôm na là người có thu nhập cao bù cho người thu nhập thấp thông qua các chính sách bảo hiểm y tế, hỗ trợ thất nghiệp và quan trong hơn cả là trong cơ hội đến trường.

Việc tạo ra sự bình đẳng trong cơ hội tiếp cận tri thức giúp không những xoá đi khoảng cách về dân trí, giảm bớt gánh nặng cho xã hội, mà điều quan trọng hơn là tạo ra sự bình ổn về tinh thần cho công dân. Đơn cử ví dụ ở cấp học phổ thông tại Pháp, bữa ăn trưa ở trường được chia thành 10 cấp độ.

Cho những gia đình mà thu nhập cá nhân đầu người thấp và chỉ có một lương, bữa ăn của trẻ được Chính phủ hỗ trợ 95 – 98%, gia đình sẽ chỉ phải nộp 0,20 € - 0,50 € cho bữa ăn trị giá 10€.

Cứ thế luỹ tiến theo thu nhập của cha mẹ lên mức tính cao nhất - giới hạn ở bậc lương khoảng 5000 €/tháng, gia đình sẽ phải nộp 4,10 € - 4,40€, còn lại trẻ được nhận sự hỗ trợ của Chính phủ từ 56 – 59 % của bữa ăn. 

Như vậy là công bằng đã được thực thi, dựa trên thu nhập của cha mẹ. Tất nhiên các em không hề biết ai nộp tiền ra sao, ai là diện 0,20 € và ai sẽ phải đóng tối đa? 

Cao hơn chuyện bữa ăn ở trường là chuyện giáo dục.

Chính phủ các nước châu Âu kiểm soát chặt chẽ hệ thống giáo dục công – tư để không tạo nên sự khác biệt quá lớn về giáo dục cũng như khoảng cách trong học phí. Giáo dục công bậc phổ thông ở các nước châu Âu hầu như đều miễn phí.

Bậc đại học và cao đẳng học phí cũng rất thấp, ngoài ra tại Pháp - sinh viên còn nhận được khoản hỗ trợ tiền nhà từ 20 – 30%, nhận bảo hiểm y tế như người đi làm (trừ một số bảo hiểm đặc biệt như răng và mắt). Giao thông công cộng (metro, tàu) đều được giảm giá 50%.

Giáo dục tư chịu sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ chứ không thả nổi cho tư nhân. Học phí phổ thông của các trường tư được áp giá trần, tính trung bình học phí hệ phổ thông cơ sở tại Pháp năm 2023 như sau:

€390 ở cấp tiểu học. €763 ở cấp THCS. €1,176 ở cấp THPT. Trường song ngữ tại Paris trung bình khoảng 4000 €/năm.

Bậc đại học ở các trường tư của Pháp trung bình từ 5000 – 22.000 €/năm. HEC và ESSEC là những trường Đại học thương mại hàng đầu của Pháp, top đầu châu Âu vẫn có học phí dành cho sinh viên được hưởng học bổng chỉ là 2.900 €/năm.

Như vậy là công dân có thể biết thuế của mình được sự dụng thế nào, nó mang lại lợi ích gì cho cộng đồng. Khái niệm công bằng xã hội trong giáo dục bởi thế được Chính phủ kiểm soát một cách chặt chẽ, xã hội đồng lòng, coi đấy là giá trị của quốc gia.

Cơ hội tiếp cận tri thức không còn là món quà xa xỉ chỉ dành cho người có thu nhập cao. Việc đi học của con trẻ không trở thành gánh nặng oằn lưng cha mẹ và cao hơn nữa nó không tạo ra những thế hệ con nợ của tri thức - phải vay mượn để đến trường để rồi rời cổng trường Đại học với một món nợ lớn trên lưng và mục tiêu sinh tồn để trả nợ lấn át niềm vui học vì tri thức thuần khiết.

Nó cũng không tạo ra một thế hệ đến trường với “niềm vui" rằng mình được nhận học bổng, thực chất là hỗ trợ cho người có hoàn cảnh khó khăn hoặc có học bạ tốt với tinh thần vượt khó. Học phí thấp cho người ta cơ hội học tập mà không phải đưa ra bảng lương của cha mẹ.

Công bằng trong giáo dục không những rút ngắn khoảng cách về dân trí trong xã hội, tạo nên lực lượng lao động bậc cao và quan trọng nhất là hạn chế sự phân hoá giàu nghèo – nguy cơ của những bất ổn trong đời sống tinh thần và an ninh trật tự xã hội.

Châu Âu - lục địa bị coi là bảo thủ, không có những bước tiến đột phá về kinh tế trong vài thập kỷ qua, đôi khi lúng túng trong chính những niêm luật về giá trị nhân văn của mình. 

Tuy thế ở đây cũng không xảy ra những vụ xả súng vào dân lành vì những bức bối cá nhân, và cũng hiếm có cảnh sinh viên rời Đại học vì cha mẹ mất việc. Không có cảnh ấy có lẽ phần nào nhờ vào chính sự công bằng cho cơ hội đến trường, cho khát vọng tiếp cận tri thức.

Giáo dục là tương lai của đất nước – tinh thần này là chiến lược của nhiều quốc gia, tuy thế thực hiện nó một cách nhân văn, bình đẳng và công bằng – có thể coi các quốc gia châu Âu là một ví dụ đầy đủ cho tinh thần ấy.

Việt Nam vẫn là nước đang phát triển, chúng ta đã thử nghiệm nhiều mô hình. Và hiện vẫn đang hướng tới một xã hội công bằng, văn minh, một xã hội học tập. Nhưng hình như mô hình giáo dục mà chúng ta theo đuổi lại chưa gần lắm với xã hội mà chúng ta hướng tới.

Học phí cho năm thứ 1

(Euros)

Học phí cho năm thứ 2

(Eeuros)

Học bổng và trợ cấp khó khăn

(Euros )

 

Học bổng tối đa cho từng trường hợp

(Euros )

CHLB Đức

75

75

10 332

13 932

CH Áo

0

0

10 092

1 500

Vương quốc Bỉ

836

836

4 966

0

Bỉ tiếng (flamande)

947

947

5 781

0

Bỉ tiếng Đức

 

470

0

2 710

0

Bulgaria

869

977

767

767

Đảo Sip

0

10 250

3 420

4 000

Nam Tư

66

66

1 435

1 435

Đan Mạch

0

0

10 064

0

Tây Ban Nha

2 011

2 680

6 914

0

Estonie

0

0

2 200

3 000

Phần Lan

0

0

3 033

0

Pháp

262

335

5 679

900

Hy Lạp

0

7 500

3 420

0

Hungari

13 514

8 165

3 358

9 218

Ireland

45 000

34 000

5 915

2 000

Italia

2 721

2 906

5 175

0

Lettonie

7 770

9 550

0

996

Lituanie

15 234

16 517

3 042

3 728

Luxembourg

800

24 000

7 046

0

Malte

0

14 500

3 937

0

Hà Lan

2 143

2 143

4 838

0

Ba Lan

57

57

1 521

1 298

Bồ Đào Nha

697

697

5 524

3 175

Cộng hoà Sec

34

34

1 393

420

Rumanie

7 139

16 845

1 488

2 232

Slovakia

100

100

3 600

507

Slovénia

36

36

4 428

3 312

Thuỵ Điển

0

0

4 811

0

Bảng học phí tham khảo (Nguồn từ tổ chức Eurydice - mạng lưới có nhiệm vụ thông tin và giải thích cách tổ chức và vận hành các hệ thống giáo dục ở Châu Âu)