Dân Việt

“Thủ phủ trái cây” miền Tây bứt phá thành tỉnh công nghiệp hiện đại

Trần Đáng 18/03/2024 20:27 GMT+7
Tỉnh Tiền Giang đang quyết tâm trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại vào năm 2050, đồng thời phát triển nông nghiệp công nghệ cao để đồng bộ hóa quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo Quyết định 1762/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Tiền Giang cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có các vùng động lực, trung tâm kinh tế về công nghiệp, du lịch, kinh tế biển và đô thị; là tỉnh giữ vai trò kết nối quan trọng giữa vùng ĐBSCL với TP.HCM và vùng Đông Nam Bộ.

“Thủ phủ trái cây” miền Tây bứt phá thành tỉnh công nghiệp hiện đại - Ảnh 1.

Tại cuộc họp báo chuẩn bị cho Hội nghị Công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang, chiều 18/3. Ảnh: T.Đ

Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thành tỉnh công nghiệp hiện đại

Theo Quy hoạch tỉnh Tiền Giang, mục tiêu đến năm 2030, Tiền Giang phát triển công nghiệp hiện đại, tập trung, quy mô lớn, thân thiện với môi trường; trở thành ngành kinh tế chủ lực, thế mạnh của tỉnh Tiền Giang. Trong đó, tập trung phát triển 2 khu vực: Khu vực công nghiệp Tân Phước (khoảng 10.000 ha), tập trung phát triển công nghiệp tổng hợp đa ngành, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ.

Cùng với đó là khu vực công nghiệp Gò Công (khoảng 5.000 ha) phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, như logistics, dịch vụ dầu khí, cảng, công nghiệp chế biến - chế tạo, công nghệ cao...

Thực tế cho thấy, những năm qua, tỉnh Tiền Giang đã tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhằm tăng cường thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước vào các cụm công nghiệp (CCN), khu công nghiệp (KCN) đã được quy hoạch.

Theo đó, đến cuối năm 2023, Tiền Giang được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương quy hoạch 7 khu công nghiệp (KCN), với tổng diện tích đất quy hoạch hơn 2.083 ha. Trong đó, có 3 KCN (Mỹ Tho, Tân Hương, Long Giang) đang hoạt động ổn định, với diện tích hơn 816 ha; 1 KCN (Dịch vụ dầu khí Soài Rạp) đang chờ Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo phương án chuyển giao có diện tích hơn 285 ha, 1 KCN (Bình Đông) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư tại Quyết định 1086 với diện tích gần 212 ha;

Bên cạnh đó, Tiền Giang còn có các KCN đang mời gọi đầu tư có tổng diện tích 770 ha, cụ thể: KCN Tân Phước 1 diện tích 470 ha, KCN Tân Phước 2 diện tích 300 ha. Đến nay, các KCN thu hút được 109 dự án (trong đó có 81 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư 2,398 tỷ USD (vốn đầu tư FDI) và 4.562 tỷ đồng (vốn đầu tư DDI), với tổng diện tích đất thuê hơn 526 ha.

Đồng thời, tỉnh Tiền Giang còn quy hoạch 27 CCN, với diện tích hơn 1.007 ha. Trong đó, CCN Trung An, Tân Mỹ Chánh, An Thạnh, Gia Thuận 1 đã hoàn thành đầu tư hạ tầng, đang hoạt động ổn định, với tổng diện tích gần 159 ha. Các CCN đang hoạt động hiện thu hút 68 dự án (trong đó có 6 dự án FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký 0,2 tỷ USD và hơn 998 tỷ đồng, diện tích thuê đất hơn 88 ha...

Tiền Giang kỳ vọng, đến năm 2030, nâng tỷ trọng trong GRDP của ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 41,5 - 43,5%.

Quy hoạch tỉnh Tiền Giang với nông nghiệp công nghệ cao

“Thủ phủ trái cây” miền Tây bứt phá thành tỉnh công nghiệp hiện đại - Ảnh 3.

Quy hoạch tỉnh Tiền Giang thành tỉnh công nghiệp còn phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: T.Đ

Chiều 18/3, tại cuộc họp báo chuẩn bị cho Hội nghị Công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Tiền Giang, dự kiến diễn ra vào ngày 24/3, ông Nguyễn Hiếu Lễ, Phó giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh Tiền Giang cho biết, bên cạnh phát triển tỉnh thành tỉnh công nghiệp, Tiền Giang còn quy hoạch phát triển nông nghiệp nông nghiệp công nghệ cao và hứa hẹn sẽ có một nền nông nghiệp phát triển bền vững.

Một trong những định hướng quan trọng của Tiền Giang được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong quy hoạch tỉnh Tiền Giang là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển nông, lâm, thủy sản gắn với chuyển đổi cơ cấu sản phẩm chủ lực, tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung (vùng trái cây, lúa, thủy sản) gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng thương hiệu sản phẩm, mở rộng thị trường.

Đây là một trong những định hướng quan trọng, bởi Tiền Giang là một trong những tỉnh có lợi thế về nông nghiệp so với các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL, đặc biệt là đối với cây ăn trái với vùng chuyên canh cây ăn trái rất lớn, hơn 84.100 ha, sản lượng hơn 1,7 triệu tấn mỗi năm. Trong đó, đáng chú ý là sầu riêng có diện tích hơn 21.000 ha, sản lượng hơn 421.000 tấn.

Định hướng đến năm 2030, Tiền Giang ưu tiên thu hút đầu tư phát triển toàn diện nông nghiệp công nghệ cao, bao gồm hệ thống các doanh nghiệp, các khu nông nghiệp, các vùng sản xuất…