Từ Nhà Văn hoá bản Phá Lõm, xã Tam Hợp (huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) đi đến nhà của anh Xồng Bá Ca chỉ vài trăm mét.
Như bao hộ gia đình khác của bản biên giới này, gia đình anh Xồng Bá Ca không có nhiều diện tích vườn, bởi nơi đây địa hình khá dốc và hẹp. Nhà ở của người dân nằm xen cạnh các con khe, suối, dọc sườn núi dốc.
Nhưng, điểm khác biệt ở vườn của anh Xồng Bá Ca đó là khoảng đất rộng chừng 200m2 được quây kín, có tấm lưới phủ che nắng, mưa trồng sâm 7 lá 1 hoa.
Xồng Bá Ca là hộ đầu tiên của xã Tam Hợp tiên phong thực hiện trồng giống dược liệu được xem là khó tính bậc nhất, vào năm 2021, cùng với sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn thực hiện các Chương trình Mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn huyện Tương Dương, trong đó có hỗ trợ người dân trồng dược liệu quý.
“Dự án trồng sâm tại bản Phá Lõm với quy mô 20 hộ, song năm 2021, anh Xồng Bá Ca thực hiện đầu tiên.
Đến nay, bước sang năm thứ 5, với những kết quả khả quan của vườn sâm tại hộ anh Ca, đến tháng 3/2024 đã có thêm 4 hộ nữa nhân rộng vườn sâm ở bản Phá Lõm, với tổng diện tích sâm 7 lá 1 hoa của xã khoảng 0,7 ha”, đồng chí Già Bá Trừ - Phó Bí thư Đảng uỷ xã Tam Hợp cho biết.
Anh Xồng Bá Ca cho hay, ban đầu, gia đình được cấp trên hướng dẫn và tài trợ kinh phí để trồng cây sâm 7 lá 1 hoa tại vườn nhà.
Nhà nước hỗ trợ tiền công, còn về giống sâm thì hộ dân phải tự vào rừng để tìm cây hoặc hạt giống.
Đây là khâu khó nhất, bởi hiện nay cây sâm 7 lá 1 hoa mọc tự nhiên trong rừng sâu rất hiếm và khó tìm. Đây cũng là lý do quy mô dự án hỗ trợ giai đoạn đầu là 10 hộ, song đến nay chỉ mới nhân rộng được 5 hộ. Để người dân tin tưởng làm theo, cán bộ bản tiên phong thực hiện trước.
Anh Xồng Bá Ca cho biết thêm, vườn sâm của gia đình anh được nhân giống từ hạt sâm tự nhiên tìm được trong rừng sâu.
Vì phát triển cây từ hạt nên mất thời gian khá lâu để có thể khẳng định sự thành công ban đầu. Nay bước sang năm thứ 5, những cây sâm đã bắt đầu cho thành quả, tăng thêm động lực đối với các hộ khác.
Địa hình, khí hậu ở Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An được đánh giá thích hợp để trồng sâm 7 lá 1 hoa. Ảnh: Hoài Thu
Hiện, với củ sâm nặng tầm 4-5 gram, người dân bán với giá khoảng 70 ngàn đồng/gram, tương đương 7 triệu đồng/kg.
Tuy chỉ thu hoạch thí điểm, nhưng kết quả cũng cho thấy tiềm năng kinh tế cao, khuyến khích người dân mạnh dạn thực hiện, nhân rộng vườn sâm quý ở bản Phá Lõm.
Hiện nay, ngoài hộ Xồng Bá Ca, có thêm 4 hộ khác thực hiện trồng sâm 7 lá 1 hoa ở bản Phá Lõm, gồm các hộ Lầu Nhờ Thái, Xồng Tông Giờ, Lầu Giống Chùa và Xồng Nềnh Lầu.
Các hộ này thay vì nhân giống sâm từ hạt thì đã lặn lội vào rừng sâu tìm cây sâm giống. Nhờ vậy rút ngắn được thời gian chăm sóc, sinh trưởng của cây.
Các hộ nhân giống sâm cho biết, một ngày vất vả ròng rã vào rừng tìm sâm, nếu may mắn tìm được đúng khu vực có cây mọc thì cũng thu hoạch được 10 – 20 cây con.
Tuy nhiên, với nhiều lần đi như vậy các hộ mới tìm được dăm chục cây sâm giống để trồng trong vườn nhà mình. Người dân tự tìm cây giống, được Nhà nước thanh toán chi phí nhân công và tiền giống sâm theo quy định của dự án.
Vườn sâm 7 lá 1 hoa nhân giống từ cây sâm tự nhiên của người dân bản Phá Lõm, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Hoài Thu
Theo BV Nguyễn Tri Phương, cây 7 lá 1 hoa có tên khoa học: Paris vietnamensis (Takht.) H. Li. Tên khác là Thất diệp nhất chi hoa, Tảo hưu, Cúa dô.
Ở Việt Nam, tất cả các loài thuộc chi Paris đều đang bị khai thác ráo riết để làm thuốc và bán qua biên giới khiến nguồn dược liệu này trong tự nhiên ngày càng cạn kiệt.
Tính vị, công năng: Thân rễ bảy lá một hoa có vị đắng, hơi cay, tính hơi lạnh, hơi độc, vào kinh can, có tác dụng xổ hạ, lợi tiểu, tiêu đờm, thanh nhiệt, giải độc.
Công dụng: Thân rễ bảy lá một hoa chữa sốt, sốt rét cơn, kinh giản, giải độc, nhất là khi bị rắn độc cắn, chữa mụn nhọt, viêm tuyến vú, sốt rét, ho lao, ho lâu ngày, hen suyễn.
Dùng ngoài với tác dụng sát trùng, tiêu sung, giã thân rễ đắp lên những nơi sung đau, vết rắn cắn, tràng nhạc, mụn lở, nhọt.