Tuyên bố do văn phòng tổng thống đưa ra tiết lộ rằng ông Pavel, người vừa nhậm chức được một năm đã bật đèn xanh cho 20 chiến binh muốn tham gia vào cuộc chiến chống lại Nga giúp Ukraine.
Trong khi chỉ 20 người nộp đơn được chấp thuận để chiến đấu bên cạnh lực lượng Ukraine, vẫn có 56 tình nguyện viên khác bày tỏ sự sẵn sàng tham chiến nhưng đang phải chờ được cấp phép.
"Yêu cầu cấp phép của họ đã không được ông Pavel chấp thuận", tuyên bố cho biết.
Theo truyền thông địa phương, cựu Tổng thống Séc Milos Zeman trước đó đã cho phép khoảng 150 công dân Séc chiến đấu ở Ukraine kể từ khi cuộc chiến tranh toàn diện giữa Nga và Ukraine bắt đầu.
Nếu không có sự cho phép của Tổng thống, công dân Séc không thể chiến đấu trong quân đội khác.
Séc là quốc gia NATO dẫn đầu nỗ lực cung cấp hỏa lực cho quân đội Ukraine kể từ khi xung đột nổ ra vào tháng 2/2022. Mới đây, tại Hội nghị An ninh Munich (MSC) diễn ra tại Đức từ ngày 16-18/2, Tổng thống Pavel đã công bố “Kế hoạch Séc” với mục tiêu cung cấp 800.000 quả đạn pháo cho Ukraine.
Theo ông Pavel, trong tổng số 800.000 viên đạn, sẽ có 500.000 viên cỡ nòng 155 mm và 300.000 viên cỡ nòng 122 mm, phù hợp với các hệ thống vũ khí mà các nước NATO đã cung cấp cho Ukraine. Hôm 8/3, cập nhật về "Kế hoạch Séc" để cung cấp 800.000 quả đạn pháo cho Ukraine, Thủ tướng Petr Fiala cho biết, cho đến nay Séc đã có thể quyên góp đủ tiền để mua đợt giao hàng đầu tiên 300.000 quả đạn pháo giúp Ukraine từ các nước bên ngoài Liên minh châu Âu.
Trong một bài phỏng vấn gần đây, Tổng thống Pavel cũng nêu quan điểm rằng, quân đội NATO có thể thực hiện các hoạt động hỗ trợ trực tiếp trên lãnh thổ Ukraine và điều này sẽ không vi phạm bất kỳ quy tắc quốc tế nào.
Theo Tổng thống Séc, cần có sự phân biệt rõ ràng giữa việc triển khai quân chiến đấu và có thể đưa quân vào một số hoạt động “hỗ trợ” mà NATO đã có kinh nghiệm. Là một cựu lãnh đạo Ủy ban quân sự NATO, ông Pavel nhắc lại sự kiện sau khi Nga sáp nhập Crimea, một phái đoàn huấn luyện của NATO đã hoạt động trên lãnh thổ Ukraine. Từng có thời điểm hơn 15 quốc gia đã tham gia với quân số ước khoảng 1.000 người.
Những tuyên bố trên của ông Pavel được đưa ra sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron gần đây gây tranh cãi khi tuyên bố rằng, ông không loại trừ việc phương Tây triển khai quân đội đến Ukraine.