Theo Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức, một thực trạng hiện nay là tư duy, suy nghĩ của nhân viên y tế về kiểm soát nhiễm khuẩn chưa đầy đủ và chưa đúng vai trò. Người bệnh cần được điều trị một cách toàn diện, trong đó việc chống nhiễm khuẩn đóng vai trò cực kỳ quan trọng.
Thạc sĩ Hà Thị Kim Phượng, Trưởng Phòng Điều dưỡng Dinh dưỡng Kiểm soát nhiễm khuẩn, Cục quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết đến nay, cả nước có 96 bệnh viện tham gia giám sát và thực hiện báo cáo trong mạng lưới giám sát kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện quốc gia. Số lượng khoa hồi sức tích cực tham gia chưa nhiều, trong khi đây là nơi tập trung bệnh nhân nặng, thực hiện nhiều phẫu thuật, thủ thuật xâm lấn nên nguy cơ nhiễm khuẩn cao.
Theo bà Phượng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và di chuyển quốc tế ngày càng tăng, sự bùng phát những bệnh dịch này cùng sự xuất hiện các mầm bệnh mới và kháng thuốc không chỉ đe dọa sức khỏe cộng đồng mà còn gây hậu quả nặng nề về kinh tế xã hội.
"Việc giám sát nhiễm khuẩn và phản ứng kịp thời trước các dịch bệnh không chỉ là trách nhiệm của ngành y tế mà còn là trách nhiệm của mỗi quốc gia, mỗi cơ sở y tế và mỗi cá nhân", bà Phượng nói.
Thống kê của Bộ Y tế Việt Nam, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện chiếm khoảng 3,5-10% số người nhập viện.
Nhiễm khuẩn bệnh viện dẫn đến nhiều hệ lụy cho người bệnh và cho hệ thống y tế như tăng biến chứng và tử vong cho người bệnh; kéo dài thời gian nằm viện trung bình từ 7 đến 15 ngày; tăng sử dụng kháng sinh dẫn đến tăng sự kháng thuốc của vi sinh vật và tăng chi phí điều trị cho một nhiễm khuẩn bệnh viện thường gấp 2 đến 4 lần so với những trường hợp không nhiễm khuẩn bệnh viện.