Bộ trưởng Bộ Y tế: Lãnh đạo cơ sở y tế phải cam kết kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện

Minh Anh Thứ ba, ngày 01/10/2019 09:13 AM (GMT+7)
Ngày 30/9, tại hội nghị tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại Khoa Gây mê hồi sức và hồi sức tích cực trong cơ sở khám chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, kiểm soát nhiễm khuẩn có vai trò quan trọng trong cơ sở y tế, liên quan mật thiết đến chất lượng chăm sóc sức khỏe người bệnh.
Bình luận 0

Hội nghị do Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức y tế thế giới tại Việt Nam và CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam tổ chức. Bộ trưởng Tiến cho biết, kiểm soát nhiễm khuẩn có vai trò quan trọng trong khám bệnh, chữa bệnh. Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá, tỷ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện (BV) tại các quốc gia châu Âu khoảng 5%, trong khi con số này tại các nước thu nhập thấp và trung bình là 5,7%-19,1%.

"Đây là một trong các nguyên nhân hàng đầu đe dọa sự an toàn của người bệnh, tăng biến chứng, ngày điều trị, chi phí nằm viện, tỷ lệ tử vong. Nhiễm khuẩn BV cũng gây quá tải, giảm chất lượng và uy tín BV và trở thành gánh nặng chăm sóc y tế. Đôi khi biến chứng của nhiễm khuẩn BV còn nặng hơn chính bệnh mà bệnh nhân mắc phải”- PGS Tiến chia sẻ. 

img

Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại hội nghị 

Bộ trưởng Tiến đánh giá, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn đã đạt được một số kết quả nhất định, bước đầu thực hiện giám sát ca bệnh nhiễm khuẩn BV, giám sát tuân thủ vệ sinh tay, giám sát tuân thủ các quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn, giám sát vi sinh vật gây nhiễm khuẩn BV và kháng kháng sinh, từng bước chuẩn hóa công tác khử khuẩn, tiệt khuẩn, tăng cường vệ sinh BV, chủ động phòng chống bệnh dịch.

"Công tác kiểm soát nhiễm khuẩn  tại các BV tập trung nhiều vào giặt là, hấp sấy, quản lý chất thải mà chưa chú trọng vào công tác giám sát bao gồm giám sát tuân thủ thực hành kiểm soát nhiễm khuẩn và giám sát tỷ lệ nhiễm khuẩn BV - nhiệm vụ trọng tâm của kiểm soát nhiễm khuẩn  tại BV nhằm bảo đảm an toàn, tránh lây nhiễm bệnh cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng”- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến 

Đánh giá được tầm quan trọng của kiểm soát nhiễm khuẩn BV, từ năm 1997, Bộ Y tế đã ban hành Quy chế thành lập khoa chống nhiễm khuẩn tại Quy chế BV (1997) và Thông tư số 18/2009/TT-BYT Hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cùng nhiều văn bản khác hướng dẫn về công tác này.

Gần đây, Bộ Y tế cũng ban hành Tiêu chí đánh giá chất lượng BV với 83 tiêu chí, trong đó kiểm soát nhiễm khuẩn BV là tiêu chí quan trọng. 

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiễm khuẩn BV cũng đã gây nên nhiều tai kiến y khoa, tăng nguy cơ kháng kháng sinh, tăng tỷ lệ tử vong ở các ca bệnh nặng, phải nằm điều trị lâu dài.

Nghiên cứu của BV Bệnh Nhiệt Đới Trung ương (2013), khảo sát tại khoa Hồi sức tích cực của 15 BV từ 3 miền Bắc, Trung, Nam cho thấy tỷ lệ là 27,3%, tỉ lệ sử dụng kháng sinh thay đổi ở các khoa và BV dao động từ 60,5% đến 99,5%. Các BV tuyến trung ương có tỷ lệ nhiễm khuẩn BV cao hơn và tác nhân hàng đầu gây nhiễm khuẩn BV. Đặc biệt các vi khuẩn gram âm kháng với nhiều loại kháng sinh đặc trị như kháng với nhóm carbapenem dao động từ 50% đến 75%.

img

Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai 

PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng chia sẻ, theo khảo sát tự đánh giá tại 558 BV thực hiện năm 2019 cho thấy tại Khoa Gây mê hồi sức vẫn còn đến 42,8% Khoa không bố trí luồng di chuyển 1 chiều; gần 18% Khoa không có khu để xử lý dụng cụ; đặc biệt có đến gần 54% Khoa gây mê hồi sức cho biết không khử khuẩn, tiệt khuẩn tập trung các dụng cụ, gần 20% Khoa Hồi sức không có quy định nhận diện người bệnh phẫu thuật…

Còn tại Khoa Hồi sức tích cực có đến 50,4% Khoa không có sẵn buồng cách ly; trong khi đó có đến 27,4% Khoa Hồi sức tích cực người nhà tham gia chăm sóc bệnh nhân…

Nguyên nhân của thực trạng kiểm soát nhiễm khuẩn BV chưa nghiêm được chỉ ra là do một số lãnh đạo BV chưa nhận thức đúng về tầm quan trọng của kiểm soát nhiễm khuẩn BV. Do đó, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn BV thường được phân công kiêm nhiệm, chưa được đào tạo, việc giám sát cũng không liên tục, chủ động. Nhân lực điều dưỡng thiếu, chưa thực hiện được chăm sóc toàn diện dẫn đến mỗi người bệnh phải có người nhà vào chăm sóc làm lan truyền vi sinh vật từ môi trường cộng đồng vào BV và ngược lạị, 

Ngoài ra, do cơ sở vật chất hạn hẹp, chắp vá nên nhiều BV còn thiết kế các khoa phòng nói chung và đặc biệt khoa Hồi sức tích cực nói riêng chưa đạt được hiệu quả chống nhiễm khuẩn. 

Đây là những điểm mà Bộ trưởng Tiến đặc biệt nhấn mạnh và yêu cầu các BV trong thời gian tới cần phải có thay đổi tích cực để chú trọng đến công tác chống nhiễm khuẩn BV. 

"Thủ trưởng các đơn vị cam kết thực hiện đúng, đầy đủ nội dung các văn bản, các quy định, hướng dẫn chuyên môn về kiểm soát nhiễm khuẩn do Bộ Y tế ban hành. Song song với truyền thông, nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng về kiểm soát nhiễm khuẩn cho nhân viên y tế, người bệnh và người nhà người bệnh" - Bộ trưởng Tiến khẳng định. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem