Dân Việt

Một kiểu đàn của người dân tộc ở Kon Tum làm từ cây tre, lồ ô, hễ đổ nước vào là "chạy" được

Thanh Như 21/03/2024 10:08 GMT+7
Với những người yêu mến văn hóa truyền thống của các DTTS, mỗi lần gặp nghệ nhân ưu tú A Huynh (làng Chốt, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy, Kon Tum) lại thêm một sự bất ngờ, thú vị. Lần này, điều mới mẻ, đáng ngưỡng mộ chính là anh đã làm sống lại đàn T’rưng nước của người Gia Rai.

Từ xa xưa, T’rưng nước được người Gia Rai làm nên nhờ suối, thác và sức gió. Không chỉ dùng đuổi chim, giữ mùa lúa chín, đây còn là nhạc cụ độc đáo, ẩn chứa trong hình hài giản dị và giai điệu mộc mạc sự tinh tế, khéo léo, nét tài hoa của người đàn ông say mê tiếng đàn bằng tre nứa của núi rừng.

May mắn được sinh ra trong một gia đình có truyền thống văn nghệ và được đắm mình trong không gian văn hóa dân tộc của làng từ rất sớm, nên thấm đẫm trong tâm hồn A Huynh - chàng trai chân chất, hiền lành không gì khác ngoài những giai điệu mãi ngân nga không dứt.

Một kiểu đàn của người dân tộc ở Kon Tum làm từ cây tre, lồ ô, hễ đổ nước vào là "chạy" được- Ảnh 1.

Nước đầu nguồn để làm T’rưng nước. Ảnh: T.N

Sau bao ấp ủ tâm huyết, mấy năm trước, A Huynh lặng lẽ tìm cách dựng lại giàn T’rưng nước trên vùng rẫy dưới chân núi Chư Tan Kra, cách nhà cả chục cây số. Người cha thân yêu qua đời đã lâu, song tất cả những điều được quan sát, học hỏi, nắm bắt từ ông đã giúp cậu con trai tự hào “nối nghiệp” thêm tự tin mày mò vận dụng. Ngay từ lần đầu tiên thử sức, giàn T’rưng nước của A Huynh đã thành công. Sau thời gian dài vắng bóng ở cộng đồng, tiếng T’rưng nước đã vang vọng trong niềm vui mừng khó tả của dân làng.

Sau lần ấy, tiếng lành khiến A Huynh không quản công sức, sang tỉnh bạn Đăk Lăk phục dựng lại theo nguyên mẫu. Lần thứ ba để lại cảm xúc đặc biệt hơn, khi anh nỗ lực làm sống lại tiếng T’rưng nước trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh, vào đúng dịp diễn ra Hội Báo Xuân Giáp Thìn 2024.

Với cách cấu tạo theo lối truyền thống, T’rưng nước gồm đầu mối dẫn nước từ phía nguồn, giàn ống phát ra âm thanh và bộ phận sức nặng có tác dụng cân bằng trọng lực cho toàn bộ hệ thống. Theo đó, dòng nước từ trên cao dẫn vào lòng máng. Khi máng nước di chuyển lên xuống, tác động vào sợi dây chính của giàn ống nứa, khiến các ống nứa rung lắc, đu đưa, tạo thành âm thanh.

Một kiểu đàn của người dân tộc ở Kon Tum làm từ cây tre, lồ ô, hễ đổ nước vào là "chạy" được- Ảnh 2.

Độc đáo trống nhỏ và giàn ống linh hồn của T’rưng nước. Ảnh: TN

Qua tìm hiểu từ A Huynh, có thể nhận thấy, “linh hồn” của T’rưng nước chính là giàn tre nứa được làm từ các cây tre, le, lồ ô và dây rừng. Giàn được dựng trên mặt đất hình chữ nhật, rộng 1,5m, dài 7m. Trên đó, có 8 đường ống theo chiều ngang, mỗi đường gồm 4 ống lồ ô với độ dài, ngắn khác nhau, treo lên khung giàn.

Có nhiều điều độc đáo và thú vị liên quan đến T’rưng nước của người Gia Rai. Theo A Huynh, trước hết là các ống lồ ô được cắt gọt không phải tùy thích, mà đều theo chủ ý trên cơ sở lấy “nốt” từ thang âm của bộ chiêng truyền thống làm chuẩn. Và mỗi ống đều được cắt gọt cẩn thận theo hình nửa vòng ống hoặc dọc theo nửa chiều dài ống để tạo khoảng dẫn - thoát hơi. Khi được tác động bởi hệ thống dây phía trên, các ống này không va vào nhau, mà chạm vào một thanh cây ngang được đặt chắc chắn phía dưới, phát ra âm thanh và tạo thành giai điệu.

Bên cạnh đó, sợi dây dẫn chính từ nguồn nước đến giàn tre nứa, phần trọng lực cũng như toàn bộ dây dùng để buộc trong giàn, đều được lấy từ một loại dây rừng rất đặc biệt, tên là répo. Répo thuộc loại dây leo, chỉ có ở những vùng rừng già và thường bám vào những thân cây gỗ lớn. Sợi nó dai và rất bền chắc nên từ xa xưa luôn được dân làng lấy làm chòi rẫy.

Một nét độc đáo rất riêng được để ý, là âm thanh T’rưng nước trầm bổng của người Gia Rai không chỉ có tiếng nứa tre, mà còn được hòa quyện cả tiếng trống đệm ấm đằm, khoan nhặt. Trống hình trụ nằm ngang được đẽo từ thân cây gỗ, dài khoảng 1m, đường kính 2,5cm. Khi giàn tre nứa hoạt động, hai chiếc dùi  nhỏ lần lượt gõ vào thân trống thành tiếng.

Dù không còn phổ biến trong đời sống sinh hoạt của người Gia Rai do thay đổi tập quán sản xuất, thói quen sinh hoạt, song T’rưng nước vẫn sống trong ký ức người Gia Rai ở Sa Thầy như những kỷ niệm đẹp và ấn tượng về sự tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân luôn dào dạt tình yêu cuộc sống. Vậy nên, nhiệt huyết của nghệ nhân trẻ A Huynh giúp mang lại cho mọi người cảm giác thú vị khi được “mắt thấy tai nghe” tiếng của ngàn xưa, thật đáng trân trọng.

Điều anh mong mỏi là với nỗ lực bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc, sẽ còn nhiều cơ hội để các nghệ nhân được đóng góp khả năng, tâm huyết của mình, cùng chung tay làm thức dậy những nét đẹp truyền thống đang đứng trước nguy cơ dần bị che phủ bởi thời gian.