Thống kê gần đây nhất của Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho thấy, Việt Nam có tổng số khoảng hơn 145 triệu thẻ vật lý đang lưu hành, gồm 113,07 triệu thẻ nội địa và 32,81 thẻ quốc tế.
Tuy nhiên, có thực tế là không ít người dù mở thẻ, thậm chí là mở nhiều thẻ nhưng lại không sử dụng. Đặc biệt, sau vụ nợ thẻ tín dụng Eximbank, "làn sóng" hủy thẻ, đóng tài khoản trở thành vấn đề được nhiều người quan tâm.
Chị L.T.Thúy (Nhân viên văn phòng tại Hà Nội) cho biết, số lần làm hồ sơ mở tài khoản thẻ ngân hàng đúng bằng số lần "nhảy việc" kể từ khi ra trường đến nay. Theo chị Thúy, việc mở thẻ vô cùng đơn giản và không hề mất đồng phí nào. Vì vậy, khi cơ quan yêu cầu hay đồng nghiệp "nhờ mở thẻ chạy doanh số" chị đều gật đầu đồng ý.
"Đến nay số thẻ ngân hàng của tôi lên tới gần 10 cái, trong đó có những thẻ hơn 10 năm nay không dùng đến. Nếu không có vụ nợ thẻ tín dụng Eximbank những ngày gần đây, tôi cũng không còn để ý đến nữa", chị Thúy cho hay.
Điều đáng nói, sau khi liên hệ hotline các ngân hàng chị đã mở thẻ, chị Thúy mới "tá hỏa" phát hiện, số tiền nợ treo tại DongABank lên tới hơn 600.000 đồng. Theo giải thích của nhân viên, tài khoản mở tại DongABank của chị Thúy là "vô thời hạn", do đó dù chị không dùng hơn 10 năm nay, nhưng mỗi năm ngân hàng vẫn "auto" trừ phí quản lý 50.000 đồng.
Trường hợp của chị Thúy không phải là cá biệt, anh P.Kiên (Hà Nội) ngày hôm qua cũng đã đến 2 ngân hàng quốc doanh để thực hiện hủy thẻ vì "lâu không dùng". Tuy nhiên, để hoàn thành các giao dịch hủy thẻ này, anh Kiên đã phải đóng phí 570 nghìn đồng nợ treo từ phí quản lý tài khoản, phí SMS,…
Tương tự, chị N.T.Hoa sau khi kiểm tra tình trạng 6 tài khoản thẻ đã lâu không sử dụng, chị Hoa "ngỡ ngàng" với khoản nợ ngân hàng hơn 2 triệu đồng.
Một người dùng thẻ khác cũng cho hay, tự dưng có khoản nợ tại ngân hàng. Theo vị khách hàng này, vấn đề nằm ở chỗ, ngân hàng "âm thầm" thu phí và không hề nhận được bất kỳ cuộc gọi hay tin nhắn nào thông báo về việc thu phí dù không sử dụng sản phẩm, dịch vụ. Người này đề nghị, ngân hàng cần phải gửi thông báo bằng thư hoặc gọi điện xác minh những tài khoản không có giao dịch, thay vì im lặng để tính phí.
Tình trạng này cũng diễn ra tại Eximbank. Mới đây, trên các diễn đàn, hàng loạt chủ thẻ của Eximbank, đã phản ứng mạnh khi những tài khoản đã lâu khách hàng không sử dụng vẫn bị ngân hàng âm thầm trừ phí. Đáng nói là không chỉ trừ hết số tiền khách hàng có trong tài khoản mà ngân hàng còn trừ âm phí. Điều này khiến khách hàng bức xúc.
Theo tìm hiểu của Dân Việt, không có quy định "cứng" nào về việc xử lý, thu phí đối với tài khoản ngân hàng không sử dụng lâu ngày.
Thông tư 23 của Ngân hàng Nhà nước có quy định, ngân hàng sẽ thực hiện đóng tài khoản thanh toán của khách hàng khi có văn bản yêu cầu từ chủ tài khoản. Đồng thời, chủ tài khoản đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ liên quan đến tài khoản này.
Như với các trường hợp kể trên, DongABank hay Eximbank vẫn thực hiện thu phí (quản lý tài khoản thông thường 50.000 đồng/năm; phí SMS,...).
Trong khi đó, tại một ngân hàng quốc doanh, số dư tối thiểu cần duy trì trong tài khoản thanh toán đối với khách hàng cá nhân là 50.000 đồng và khách hàng tổ chức là 1 triệu đồng. Nếu không hoạt động trong vòng 12 tháng sẽ được ngân hàng đưa vào chế độ tài khoản "ngủ", không hạch toán thu phí.
"Nếu 36 tháng tiếp theo, tài khoản vẫn không hoạt động thì ngân hàng này thực hiện đóng tài khoản. Nếu khách hàng có nhu cầu sử dụng lại tài khoản trong 48 tháng thì đề nghị ngân hàng khôi phục lại tài khoản và nộp thêm tiền để đủ số dư tối thiểu", đại diện ngân hàng này cho hay.
Ngược lại, một ngân hàng có yếu tố nước ngoài lại có chính sách "lạ".
Theo đó, sau 6 tháng không sử dụng, tài khoản này sẽ được dịch chuyển từ trạng thái hoạt động sang "đóng băng" và khách hàng không phải "gánh" bất cứ chi phí nào. Theo vị này, nếu tài khoản còn số dư, ngân hàng vẫn thông báo tin nhắn quá SMS cho khách hàng. Tuy nhiên, khi số dư về 0 thì dịch vụ tin nhắn cũng tự động cắt, do đó khách hàng lúc này không còn nhận được tin nhắc thông báo nào của ngân hàng.
"Không chỉ không thu phí, với tài khoản lâu không sử dụng, nếu khách hàng kích hoạt sử dụng trở lại ngân hàng này còn chính sách tặng thêm 50.000 đồng vào tài khoản, để khuyến khích người khách hàng", đại diện ngân hàng này cho hay.
Để tránh tình trạng như nêu trên, một số ý kiến cho rằng, có hay không nên quy định việc đóng tài khoản khi khách hàng không phát sinh giao dịch. Việc này nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Về bản chất, chủ tài khoản không sử dụng dịch vụ mà vẫn phát sinh chi phí là không hợp lý. "Tốt nhất với những tài khoản mà nằm im từ 2 năm trở lên, không có giao dịch gì cần có chính sách tự hủy như sim điện thoại, để hạn chế rủi ro, phiền toái cho khách hàng", một chuyên gia khuyến nghị.
Về phía khách hàng, trước khi đặt bút ký hồ sơ mở thẻ, mở tài khoản, khách hàng cần đọc kỹ các thông tin, đặc biệt là các thông tin về các loại phí, lãi suất,… Trong trường hợp, không còn nhu cầu, khách hàng bằng cách chủ động đóng tài khoản khi không còn nhu cầu sử dụng, để tránh những phiền toái phát sinh. Ngoài ra, khách hàng cũng cần lưu ý không nên mở quá nhiều thẻ cùng một lúc.
Eximbank vừa có thông báo mới triển khai xuống hệ thống các chi nhánh, phòng giao dịch liên quan đến các khoản phí dịch vụ. Theo đó, những tài khoản thanh toán của khách hàng lâu không sử dụng, không phát sinh giao dịch và có số dư về 0 đồng, ngân hàng sẽ không ghi nợ phí SMS Banking, phí quản lý tài khoản.
Đồng thời, với những khách hàng muốn đóng tài khoản, cũng không phải thanh toán các khoản phí đã được ghi nợ trong thời gian qua mà sẽ được chi nhánh, phòng giao dịch chủ động xem xét xử lý, miễn phí.