Ngôi nhà cổ số 6 Đinh Liệt (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là một trong số ít căn biệt thự vẫn còn giữ được nguyên nét kiến trúc cổ kính xưa, với không gian yên bình.
Căn biệt thự sân vườn rộng 700m2 của vợ chồng cụ ông Phạm Văn Thanh và cụ bà Phạm Thị Tề. Họ đều là những thợ kim hoàn nức tiếng Hà Nội đầu thế kỷ 20.
Trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Ngọc Giao, con trai cả của cụ Phạm Thị Tề cho hay: Trước năm 1944, công trình thuộc về một nữ đại gia phố Hàng Bồ. Sau đó, căn nhà được cụ ông Phạm Văn Thanh (bố ông Giao) và cụ Bà Phạm Thị Tề (mẹ ông Giao) mua lại với giá 50.000 đồng Đông Dương. Năm 1950, gia đình ông Giao đã xây lại ngôi nhà và phải mất 3 năm gia đình mới hoàn thành xong công trình.
Với cấu trúc 3 tầng, ngôi nhà là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách Pháp với nhà truyền thống của người Việt. Các cột, kèo bên trong nhà đều được làm bằng gỗ đinh. Nằm sát bên cạnh giếng cổ có một bể nước đặt tiểu cảnh nhỏ. Bên trong ngôi nhà, kê bộ bàn ghế cổ gần 100 tuổi được nhập khẩu từ Pháp về.
Hiện nay cổng trước của ngôi nhà nằm ở số 115 Hàng Bạc được sử dụng làm cửa hàng kinh doanh, cổng sau nằm ở số 6 Đinh Liệt. Theo chủ nhân của ngôi nhà, điểm nổi bật nhất chính là bộ bàn ghế, được chính các thợ mộc người Pháp làm thủ công từ đầu thế kỷ 20.
Ông Giao kể rằng, để mua được mảnh đất rộng gần 700m2 xuyên qua hai mặt phố cổ, bố mẹ ông đã phải bán 3 ngôi nhà ở phố cổ Hàng Bạc, Hàng Bè, Hàng Vôi… Và rồi dưới bàn tay tài hoa của kiến trúc sư Phạm Hoàng, ngôi biệt thự đã được xây dựng và tồn tại đến ngày nay.
Mảnh vườn của ngôi nhà rộng 180m2, còn lại là lối ngõ, đường đi. Bố mẹ ông Giao sinh được 8 người con. Ông Giao là con trai trưởng nhưng là con thứ 4 trong gia đình.
"Đến phố cổ Hà Nội, du khách cảm nhận được bầu không khí nhộn nhịp và ồn ào. Tuy nhiên, khi bước chân vào căn biệt thự cổ này chúng tôi lại cảm nhận được không khí trong lành, với những gốc cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, tỏa bóng xanh mát", du khách Ngọc Hà chia sẻ.
Làng Châu Khê, xã Thúc Kháng, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương trước đây nổi tiếng về nghề lọc đãi vàng. Cũng chính vì thế người dân nơi đây bôn ba khắp nhiều nơi với nghề làm vàng bạc rồi nổi danh.
Cụ Phạm Văn Thanh (chủ nhân của ngôi nhà) xuất thân từ làng Châu Khê, xã Thúc Kháng. Sau khi lập gia đình, vợ chồng cụ Thanh lập nghiệp với nghề làm bánh kẹo gia truyền của gia đình cụ Tề nhưng sau đó vẫn gặp khó khăn.
Nghe lời khuyên của hàng xóm, vợ chồng cụ Thanh đã bàn nhau tìm hướng phát triển với nghề làm vàng bạc truyền thống. Vốn có tài trí lại thêm tay nghề làm vàng, cụ Thanh bàn với vợ vay vốn làm nhãn hiệu mang tên hiệu vàng ‘Sư tử’.
Hiệu vàng Sư tử với ý nghĩa "oai nghiêm". Qua nhiều năm, gia đình cụ Thanh làm vàng lá đẹp mắt độc đáo nên được nhiều người đón nhận.
Cứ như vậy, công việc buôn bán của gia đình cụ rất đắt hàng. Mỗi năm, hàng trăm lạng vàng được bán ra thị trường và giao hàng cho các nhà buôn trong thành phố.
Theo lời kể của cụ Giao, thời kỳ đỉnh cao nhất của hiệu vàng đó là vào năm 1953, khi đó hiệu vàng này sánh ngang với hiệu vàng Kim Thành trong miền Nam. Lúc này, ngày nào cũng có 10 gia nhân làm vàng tại cửa hiệu. Cụ Thanh và cụ Tề cũng nhận những người lang thang cơ nhỡ về hướng dẫn nghề nghiệp.