Người cao tuổi gặp khó khi sử dụng xe đạp công cộng ở Hà Nội
Người cao tuổi gặp khó khi sử dụng xe đạp công cộng ở Hà Nội
Ngọc Huyền
Thứ tư, ngày 20/03/2024 14:22 PM (GMT+7)
Hơn nửa năm kể từ khi ra mắt, xe đạp công cộng được nhiều người dân Thủ đô quan tâm và sử dụng. Việc thuê xe đạp công cộng dần trở thành thói quen của người trẻ, song, dịch vụ này vẫn còn nhiều khó khăn với những người cao tuổi.
Xe đạp công cộng được nhiều người dân ưa thích do đáp ứng hai yêu cầu là tiện lợi và tiết kiệm. Dọc các con phố lớn tại Hà Nội, không khó để bắt gặp những trạm xe đạp công nghệ hai bên đường. Tính đến nay, đã có gần 80 trạm xe phân bổ khắp thành phố với hơn 1.000 xe đạp, xe điện cho thuê.
Thay đổi thói quen từ xe đạp công cộng
Các trạm xe gắn kết với các điểm dừng xe buýt, công viên, các điểm du lịch. Giá thuê xe đạp trợ lực điện là 10.000 đồng cho 30 phút, xe đạp cơ là 5.000 đồng. Chính vì sự tiện lợi này nên ngay từ khi ra mắt, nhu cầu sử dụng xe đạp công cộng tăng đáng kể.
Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt vào sáng cùng ngày, tại các trạm xe đạp trên phố Phan Đình Phùng, Láng..., gần một nửa số xe đã rời trạm. Các địa điểm cho thuê xe đạp công cộng tại nhiều tuyến phố khác cũng đều có xe đang được sử dụng. Có thể thấy, sau nửa năm, tuy không đông đúc như khi mới ra mắt nhưng dịch vụ này vẫn nhận được sự ủng hộ từ người dân.
Tại một trạm xe trên đường Láng, khoảng thời gian từ 6 – 7 giờ sáng và từ 17 giờ chiều là lúc khách thuê nhộn nhịp nhất. Cứ 10 phút lại có vài người dân đến thuê xe để tập thể dục, đi dạo trên làn dành riêng cho xe đạp.
Bà Hà Thị Dung (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, bà thường xuyên sử dụng dịch vụ xe đạp điện - xe đạp công cộng tại đây bởi nó được đặt ở các điểm xe buýt đi qua.
"Tôi chỉ cần lên xe buýt đi từ nhà đến đây. Sau đó thuê xe tại đây để đạp xe loanh quanh, vừa hóng gió, vừa tập thể dục. Trước đó, tôi thường tập tại nhà hoặc đi bộ trong ngõ rất nhàm chán", bà Dung chia sẻ.
Giống như bà Dung, chị Mai Linh (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng đã quen dùng xe đạp công cộng để đi lại trong nội thành. Chị Linh cho biết, việc có thể sử dụng xe ở trạm này và trả ở trạm khác giúp người dùng di chuyển tiện lợi hơn.
"Mô hình này rất hợp với những người hay sử dụng các phương tiện di chuyển công cộng. Nếu bắt buộc trả xe ở đúng nơi thuê thì rất khó cho người dân, điều đó sẽ hạn chế phạm vi di chuyển. May sao dịch vụ xe đạp công cộng này lại không yêu cầu như vậy. Tôi thường đi bộ từ nhà đến trạm xe ở Hoàng Hoa Thám rồi trả xe ở Phan Đình Phùng. Mỗi ngày, tôi tiết kiệm được khá nhiều tiền xăng xe", chị Linh nói thêm.
Người cao tuổi gặp khó, ngần ngại khi thuê xe
Đối với người trẻ, việc tải ứng dụng để thuê xe và thanh toán tiền chỉ diễn ra vỏn vẹn vài phút. Tuy nhiên, với người cao tuổi, đây lại là lý do chính khiến họ ngần ngại, thậm chí chưa từng sử dụng dịch vụ này.
Bà Nguyễn Bích Ngà (Hoàn Kiếm, Hà Nội) bày tỏ: "Tôi hay đi bộ tập thể dục qua đoạn vườn hoa Hàng Đậu. Tôi thấy ở đây có trạm cho thuê xe đạp công cộng. Tôi cũng muốn thuê để đi chợ hay đi đâu đó gần nhà cho tiện. Cũng tò mò đấy, nhưng đọc thấy họ bảo phải tải ứng dụng rồi nạp tiền gì đó, mà tôi già cả rồi, không thạo công nghệ nên thôi".
Theo đó, để sử dụng phương tiện này, người dân cần có thiết bị thông minh như điện thoại, máy tính bảng,... để cài đặt ứng TNGo - đây là ứng dụng chính thức của dịch vụ xe đạp công cộng tại 6 tỉnh, thành phố. Chỉ khi đăng ký tài khoản và nạp tiền hoàn tất, người dân mới có thể mở khóa cho chiếc xe đạp mình muốn thuê.
Ông Nguyễn Văn Hoàn (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng chỉ mới thuê xe đạp công cộng duy nhất một lần vì không quen dùng điện thoại thông minh. Ông Hoàn chia sẻ: "Tôi có điện thoại thông minh đấy chứ, cũng bảo con cái là chỉ cho bố cách thuê thử xe đạp xem có khó không. Khổ nỗi nó chỉ rồi tôi lại quên. Tôi đi thử một lần là khi đi tập thể dục chung với cháu. Còn nếu đi một mình thì tôi cũng chỉ đi bộ với các ông bà khu này thôi".
Được biết, dịch vụ xe đạp công cộng có áp dụng bán vé lượt, vé ngày, vé tháng, vé trả trước cho khách hàng cần thiết. Tuy nhiên vẫn cần có điện thoại thông minh để quét mã và mở khóa xe.
Chị Nguyễn Bích Lộc (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, đối với người cao tuổi, con hoặc cháu có thể giúp ông bà đăng ký tài khoản và hướng dẫn các bước. Chị Lộc cho rằng, ứng dụng thuê xe không quá khó thao tác, tuy nhiên với những người cao tuổi không có điện thoại thông minh vẫn sẽ thiệt thòi vì không thể sử dụng dịch vụ này.
Nhiều người dân cho rằng, ngoài các tính năng tiện lợi cũng như ý nghĩa bảo vệ môi trường, dịch vụ này còn một số hạn chế như xe chỉ đi được một người, xe đạp điện có thể hết pin trong lúc di chuyển, cần có điện thoại thông minh. Ngoài ra, trạm xe cũng không có mái khiến phương tiện luôn trong tình trạng phơi mưa phơi nắng, khó đảm bảo điều kiện hoạt động tốt nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.