Luật sư Hoàng Anh Sơn cho biết, thời gian qua, tình hình các đối tượng xấu lợi dụng thuê bao di động để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có nhiều diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, gây thiệt hại về tài sản và ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.
Hình thức chủ yếu là giả mạo các cơ quan chức năng gọi điện, nhắn tin lừa đảo, các cuộc gọi và tin nhắn rác về vay vốn, giới thiệu các dự án bất động sản, làm bằng cấp giả, lừa đảo trúng thưởng… rồi lợi dụng sự mất cảnh giác của người dân để chiếm đoạt tiền, tài sản.
Do đó, Sở TTTT TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất UBND TP Hồ Chí Minh kiến nghị Bộ TTTT phối hợp với Bộ Công an xem xét ban hành Quy trình phối hợp quy định cách thức, thời gian thực hiện việc xác minh, cung cấp thông tin thuê bao giữa các doanh nghiệp viễn thông với cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan cảnh sát điều tra tại Trung ương và địa phương.
Theo ông Hoàng Anh Sơn, Hiến pháp, Bộ Luật Dân sự, … và nhiều văn bản pháp luật chuyên ngành như các luật về viễn thông, công nghệ thông tin đều đã có quy định về quyền cơ bản của công dân và bảo vệ thông tin cá nhân.
Chẳng hạn, Điều 21 Hiến pháp năm 2013 quy định: "Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cả nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cả nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn; 2. Mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác".
Tại khoản 1, khoản 2, Điều 38, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng nêu rõ:"1. Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ; 2. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý, việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến bí mật gia đình phải được các thành viên gia đình đồng ý, trừ trường hợp luật có quy định khác; 3. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật".
Luật Viễn thông 2023 cũng có quy định: "Doanh nghiệp viễn thông không được tiết lộ thông tin riêng liên quan đến người sử dụng dịch vụ viễn thông, bao gồm thông tin thuê bao viễn thông (tên, địa chỉ, số thuê bao viễn thông và thông tin riêng khác mà người sử dụng cung cấp khi giao kết hợp đồng với doanh nghiệp) và thông tin về việc sử dụng dịch vụ viễn thông (số thuê bao viễn thông gửi, số thuê bao viễn thông nhận, vị trí thiết bị đầu cuối gửi, vị trí thiết bị đầu cuối nhận, thời điểm gửi, nhận, thời lượng liên lạc, địa chỉ Internet),…".
Đây cũng là quy định nêu tại Điều 12, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015: "Không ai được xâm phạm trái pháp luật chỗ ở, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân".
Từ quy định trên, thì đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ, việc thu thập thông tin của người khác thì phải được sự đồng ý của người đó hoặc trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Theo đó, tại Điều 6 của Luật Viễn thông có quy định việc bảo vệ thông tin cá nhân của các nhà mạng phải thực hiện nghiêm túc. Cụ thể, doanh nghiệp viễn thông không được tiết lộ thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ viễn thông trừ khi được họ đồng ý cung cấp hoặc nhận được yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền...
Tại điểm c, khoản 1, Điều 17 Luật an toàn thông tin mạng 2015 cũng quy định: "Không được cung cấp, chia sẻ, phát tán thông tin cá nhân mà mình đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba, trừ trường hợp có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân đó hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền."
LS. Hoàng Anh Sơn cho rằng, thông tin cá nhân, bí mật đời tư được pháp luật bảo vệ tuy nhiên trong trường hợp xảy ra vi phạm, nếu xét thấy cần thiết, cơ quan điều tra có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp thu thập thông tin tư liệu về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và gia đình, hoặc kiểm soát, thu giữ điện thoại, điện tín, thư tín để phục vụ cho hoạt động điều tra.
Việc áp dụng các biện pháp này là cần thiết, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý vi phạm. Tuy nhiên phải đảm bảo tuân theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo không xâm phạm về đời sống riêng tư, quyền bí mật đời tư, quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác.