Đường Vành đai 4 TP.HCM đi qua 5 tỉnh, thành phố: Bà Rịa - Vũng Tàu; Đồng Nai; Bình Dương; TP.HCM và Long An. UBND TP.HCM là đơn vị được phân công tổng hợp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của các địa phương về quy mô dự án.
Theo đó, tổng chiều dài tuyến Vành đai 4 TP.HCM khoảng 206,82km. Bà rịa - Vũng Tàu: 18,7km; Đồng Nai: 45,6km; Bình Dương: 47,45km; TP.HCM: 17,3km; Long An: 78,3km.
Sơ bộ tổng mức đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 112.452 tỷ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là 66.026 tỷ đồng; chi phí giải phóng mặt bằng là 46.425 tỷ đồng; các chi phí khác 25.611 tỷ đồng.
5 tỉnh, thành đã tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án của đường Vành đai 4 TP.HCM.
Các địa phương sẽ làm cơ quan có thẩm quyền triển khai các dự án của đường Vành đai 4 thay cho đề xuất gộp toàn bộ tuyến đường Vành đai 4 thành 1 dự án chung. Bởi vì phương án này có nhiều ưu điểm và đẩy nhanh tiến độ triển khai.
Tuy nhiên, theo ý kiến của các địa phương, quá trình nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đang gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Tại Hội nghị vùng Đông Nam bộ lần 4 quý I/2024 mới đây, ông Trần Quang Lâm – Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết khó khăn hiện nay là chưa có cơ chế cho địa phương được sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương để thực hiện đầu tư các dự án đường Vành đai 4.
Cơ chế được sử dụng ngân sách địa phương này hỗ trợ địa phương khác thực hiện hoạt động đầu tư công của dự án cũng chưa có. Nguồn vốn nhà nước tham gia các dự án lớn, trong khi nguồn vốn ngân sách địa phương đang khó khăn, khó cân đối, bố trí để tham gia dự án.
Vì thế, các địa phương cần một số cơ chế, chính sách đặc thù trong quá trình triển khai để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án Vành đai 4.
Trên cơ sở thống nhất quan điểm, các địa phương có đường Vành đai 4 TP.HCM đi qua kiến nghị Bộ Giao thông vận tải thống nhất chủ trương thuê 1 đơn vị tư vấn tổng thể.
Đơn vị này sẽ nghiên cứu, rà soát, lập báo cáo đánh giá chung cho toàn bộ tuyến Vành đai 4 TP.HCM; và UBND TP.HCM tổ chức lựa chọn đơn vị Tư vấn tổng thể (thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách TP.HCM).
Các tỉnh thành kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương việc trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù cho các dự án xây dựng đường Vành đai 4. Đây sẽ giải pháp tháo gỡ các vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án.
Theo đó, Trung ương cân đối, bố trí nguồn vốn từ ngân sách hỗ trợ cho các địa phương thực hiện đầu tư các dự án.
Cụ thể, TP.HCM và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu là 50% tổng mức vốn ngân sách tham gia dự án. Riêng tỉnh Long An, ngân sách Trung ương hỗ trợ 90% tổng mức vốn ngân sách tham gia dự án.
Tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 42.456 tỷ đồng. Trong đó: Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 2.060 tỷ đồng; Đồng Nai khoảng 5.390 tỷ đồng; Bình Dương khoảng 4.398 tỷ đồng; TP.HCM khoảng 3.798 tỷ đồng và Long An khoảng 26.810 tỷ đồng.
Các tỉnh cũng kiến nghị cho phép giá trị tổng mức đầu tư các dự án Vành đai 4 của từng địa phương chuyển tiếp vào kỳ trung hạn 2026-2030; không tính cộng vào tổng mức đầu tư của các chương trình, dự án phải thực hiện trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau của từng địa phương.
Đối với đoạn Vành đai 4 thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội (đoạn do UBND tỉnh Long An là cơ quan có thẩm quyền) sẽ giao Chính phủ là cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án.