Theo Amu TV, Fadi từng là một đứa trẻ khỏe mạnh và tràn đầy sức sống nhưng khi chiến tranh nổ ra dẫn đến tình trạng thiếu lương thực trầm trọng, hệ thống y tế ở Gaza bị đình trệ, bệnh tình của cậu bé Fadi ngày càng xấu đi đến mức đôi chân cậu không thể chống đỡ được cơ thể nữa. Mẹ của cậu bé, cô Shimaa al-Zant, cho biết Fadi, vốn mắc bệnh xơ nang, đã lâu không thể tiếp cận được thuốc hoặc nhiều loại thực phẩm mà cậu cần do xung đột.
“Tình trạng của con đang xấu đi. Con ngày càng yếu và mất khả năng thực hiện các hoạt động cơ bản”, cô Shimaa nói trong một cuộc phỏng vấn. “Con không còn có thể tự đứng vững được nữa. Tôi vừa đỡ con dậy thì con lại ngã".
Theo các bác sĩ và các tổ chức viện trợ, hơn 5 tháng sau khi Israel tiến hành các chiến dịch trên bộ và trên không nhằm trả đũa cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10 năm ngoái, Gaza đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, thuốc men và nước sạch nghiêm trọng.
Bệnh viện Kamal Adwan, nơi Fadi đang được điều trị, gần đây đã chứng kiến nhiều trẻ em chết do suy dinh dưỡng và mất nước. Bộ Y tế Gaza do Hamas điều hành tuyên bố 27 trẻ em đã chết vì suy dinh dưỡng - hậu quả trực tiếp do xung đột nhưng nói rằng, con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều.
Ngoài bệnh viện Kamal Adwan, các trường hợp tử vong vì suy dinh dưỡng đã xảy ra tại bệnh viện al-Shifa của thành phố Gaza và ở Rafah, một thành phố ở miền nam Gaza, nơi hơn 1 triệu người Palestine đang trú ẩn tránh xung đột.
Trong chuyến thăm trung tâm y tế al-Awda ở Rafah, các phóng viên Reuters đã quan sát thấy 10 trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng nằm thoi thóp trên giường.
Trong khi đó, theo Cơ quan Cứu trợ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF, cứ 1 trong 3 trẻ em dưới hai tuổi ở miền bắc Gaza bị suy dinh dưỡng cấp tính – con số này hiện cao gấp đôi so với tháng 1/2024.
Trong một chuyến thăm tới các trại tị nạn và trung tâm y tế, đại diện UNICEF cho biết 4,5% trẻ em bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng, dạng suy dinh dưỡng đe doạ tới tính mạng.
Giám đốc điều hành UNICEF Catherine Russell trong một tuyên bố chung với Chương trình lương thực thế giới vào hôm 19/3 cho rằng, trừ khi các bên dừng giao tranh và các cơ quan viện trợ có quyền tiếp cận đầy đủ trên khắp lãnh thổ Gaza, nếu không thì hàng trăm, hoặc thậm chí hàng nghìn trẻ em có thể chết đói
Cơ quan Phân loại Giai đoạn An ninh Lương thực Tích hợp (IPC), một cơ quan giám sát nạn đói toàn cầu, đã cảnh báo rằng nạn đói có thể hoành hành tràn lan, đe dọa nhiều cái chết hơn ở miền bắc Gaza - nơi 300.000 người Palestine đang bị bao vây vì xung đột - sớm nhất là vào tháng 5.
IPC dự đoán “mức độ suy dinh dưỡng cấp tính và tử vong cực kỳ nghiêm trọng” sẽ xảy ra đối với một bộ phận đáng kể dân số ở phía bắc Gaza. Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế của Mỹ (USAID) Samantha Power mô tả những dự đoán của IPC là “một cột mốc khủng khiếp” và kêu gọi Israel vận hành đầy đủ các cửa khẩu biên giới, tăng cường viện trợ cho Gaza.
Đáp lại, sau báo cáo của IPC, người phát ngôn của chính phủ Israel Eylon Levy chỉ trích đánh giá này là lỗi thời và lưu ý rằng lượng xe tải chở thực phẩm vào Gaza đã gia tăng trong tháng 3 đồng thời những nỗ lực tăng cường giao viện trợ đến phía bắc Gaza cũng đang được xúc tiến nghiêm túc.
Các cơ quan viện trợ của Liên Hợp Quốc nhấn mạnh rằng, những thách thức đáng kể trong việc cung cấp viện trợ cho miền bắc Gaza chỉ có thể được giải quyết thông qua lệnh ngừng bắn và mở lại các cửa khẩu biên giới đã bị Israel đóng cửa kể từ ngày 7/10 năm ngoái.
Những cảnh báo về nguy cơ xảy ra nạn đói tràn lan ở Gaza được đưa ra trong bối cảnh các chuyên gia y tế phương Tây đến thăm khu vực cho biết, hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Gaza về cơ bản đã sụp đổ và lên án "sự tàn bạo kinh hoàng" của Israel ở trong khu vực, hãng tin TRT World đưa tin ngày 20/3.
4 bác sĩ đến từ Mỹ, Vương quốc Anh và Pháp đã làm việc với các nhóm ở Gaza để hỗ trợ hệ thống chăm sóc sức khỏe trong khu vực, vốn bị ảnh hưởng đáng kể sau khi Israel bắt đầu cuộc tấn công quân sự vào Gaza để trả đũa cuộc tấn công của Hamas ngày 7/10 năm ngoái. Mới đây, các bác sĩ này đã phát biểu trong một sự kiện tại Liên Hợp Quốc về cuộc tấn công đẫm máu mà Israel đang tiến hành ở Gaza.
Cuộc tấn công của Israel đã khiến gần 2,3 triệu người phải di dời, san phẳng phần lớn khu vực bị bao vây, khiến hơn 31.800 người thiệt mạng và gần 74.000 người bị thương, đồng thời gây ra cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng.
Nick Maynard, một bác sĩ phẫu thuật đến Gaza lần cuối vào tháng 1 với tổ chức Viện trợ Y tế dành cho người Palestine của Anh, nhớ lại việc gặp một đứa trẻ bị bỏng nặng đến mức ông có thể nhìn thấy xương mặt của cô bé.
Maynard, một bác sĩ phẫu thuật ung thư, phát biểu trong sự kiện diễn ra tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York rằng: “Chúng tôi biết cô bé ấy không có cơ hội sống sót nhưng không có morphin để tiêm cho em. Cho nên cô bé không những không thể tránh khỏi cái chết mà còn chết trong đau đớn vô cùng".
Một đứa trẻ 7 tuổi khác tên là Hiyam Abu Khdeir, đã được đưa đến Bệnh viện châu Âu-Gaza cấp cứu với vết bỏng cấp độ ba trên cơ thể sau khi Israel không kích trúng vào nhà của em, giết chết cha và anh trai em đồng thời làm bị thương mẹ con em, Zaher Sahloul, chuyên gia chăm sóc của nhóm nhân đạo MedGlobal phát biểu tại sự kiện ở trụ sở Liên Hợp Quốc. Tuy nhiên, em cũng đã không qua khỏi.
Các bác sĩ đã cảnh báo về nguy cơ số người chết sẽ ngày càng lớn hơn nếu Israel tiến hành kế hoạch xâm chiếm thành phố Rafah ở phía nam Gaza. “Nếu có một cuộc tấn công lớn vào Rafah, đó sẽ là ngày tận thế. Sẽ có một số lượng lớn người chết mà chúng ta sẽ chứng kiến”, bác sĩ Nick Maynard tuyên bố.