Cùng với vẻ đẹp của hồ Dầu Tiếng, Núi Cậu, chùa Thái Sơn, vẻ hoang sơ của suối Trúc sẽ tạo cho mọi người cảm giác thân thiện, gần gũi, hòa mình vào thiên nhiên khi đặt chân đến đây.
Khi nhắc đến du lịch Dầu Tiếng không thể thiếu quần thể danh thắng hồ Dầu Tiếng - Núi Cậu.
Theo lời giới thiệu của cán bộ Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Dầu Tiếng, chúng tôi đã có dịp “mục sở thị” khu danh thắng này và đặc biệt ấn tượng khi đến với suối Trúc.
Núi Cậu cách trung tâm huyện Dầu Tiếng khoảng 5km. Đến đây, mọi người sẽ có cảm giác thoải mái bởi trước mắt mình là một khung cảnh rừng núi bao la, cây cối xanh tươi, trong đó có nhiều cây trúc mọc thành bụi lớn, nhất là ven suối.
Đường lên núi bây giờ khá thuận lợi, 2 bên đường cây cối mát mẻ, trong đó có khá nhiều cây trúc.
Dù không còn nhiều nước như xưa nhưng suối Trúc (xã Định Thành, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương) vẫn còn những dòng nước, trũng nước trong xanh bên rừng trúc với những rặng trúc xanh tươi.
Khi vừa đặt chân lên Núi Cậu tầm vài chục mét, ở bên phía tay phải chúng ta có thể nhìn thấy những lối mòn len lỏi giữa những bụi trúc và đá.
Men theo những lối mòn nhỏ ấy chúng ta có thể đi bộ vào suối Trúc.
Đoạn đường này không xa lắm và dù có hơi gồ ghề nhưng cũng không phải quá khó khăn. Với những người thích không gian thiên nhiên, gần gũi, hoang sơ thì suối Trúc là một điểm dừng chân khá thú vị.
Nằm gần dưới chân Núi Cậu, suối Trúc từ lâu đã được nhiều người biết đến và thường chọn là một trong những điểm du lịch dã ngoại thú vị trong hành trình khám phá du lịch của mình.
Thời gian qua, suối Trúc vẫn chưa được đầu tư đẩy mạnh khai thác nên còn khá hoang sơ, tự nhiên. Đường vào và dọc 2 bên dòng suối này có rất nhiều rặng trúc mọc lên, xanh tốt quanh năm. Có lẽ ở đây có rất nhiều trúc nên con suối này mới có tên gọi là suối Trúc.
Ông Đặng Minh Phước, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Dầu Tiếng, cho biết suối Trúc bắt nguồn từ ngọn cao nhất của Núi Cậu.
Trước đây, vào mùa nước nhiều, dòng suối Trúc chảy từ trên cao xuống trông rất đẹp, như một bức tranh sơn thủy hữu tình.
Sau này, do việc cải tạo làm đường nên dòng chảy của suối bị chặn lại, suối Trúc cũng trở nên ít nước hơn xưa.
Thế nhưng, suối Trúc vẫn là một lựa chọn thú vị trong hành trình khám phá du lịch của nhiều người. Đặc biệt, vào những ngày nghỉ cuối tuần, suối Trúc trở thành điểm dã ngoại được nhiều gia đình, nhóm bạn bè ở trong và ngoài địa phương lựa chọn.
Đến với suối Trúc, mọi người sẽ được hòa mình với thiên nhiên trong khung cảnh êm ái chốn núi rừng. Giữa khung cảnh rừng núi, khu rừng trúc mát mẻ, tiếng nước chảy róc rách hòa quyện vào nhau làm cho tinh thần con người cũng trở nên nhẹ nhàng, khoan khoái hơn.
Thời gian gần đây, suối Trúc không còn nhiều nước như xưa, nhưng khung cảnh êm đềm ấy vẫn còn đó; vẫn là hững rặng trúc xanh mướt, đẹp mắt, những dòng suối nhỏ uốn mình quanh co chảy, rồi hòa mình vào một trũng nước lớn hơn.
Thêm một điều đặc biệt nữa là ở suối Trúc có rất nhiều đá.
Những hòn đá lớn, nhỏ xếp sát vào nhau nối dài tạo thành từng bãi đá, lúc gồ ghề, lúc bằng phẳng trông rất đẹp mắt.
Những bãi đá này cũng là nơi để du khách lưu lại những kiểu hình kỷ niệm đáng nhớ bên người thân, bạn bè.
Hai bên dòng suối Trúc có rất nhiều phiến đá bằng phẳng để mọi người có thể ngồi chơi, nghỉ ngơi thoải mái và bày biện đồ ra nấu nướng, ăn uống giữa không gian mát mẻ.
Đây là xu hướng du lịch dã ngoại đang được rất nhiều người ưa chuộng.
Sau khi ăn uống, nghỉ ngơi du khách có thể hòa mình vào dòng nước mát mẻ và trải nghiệm cảm giác vô vùng thích thú khi được tắm suối.
Để suối Trúc giữ được vẻ đẹp tự nhiên vốn có, trở thành điểm du lịch dã ngoại thú vị của du khách gần xa, thiết nghĩ, khi suối Trúc chưa được đầu tư khai thác bài bản thì mỗi người khi đến đây vui chơi, ăn uống xong cần giữ gìn vệ sinh chung để bảo vệ môi trường.
Được biết, dự án khai thác suối Trúc để đưa vào phục vụ du khách một cách bài bản đã được địa phương giao cho một công ty tư nhân thực hiện.
Hy vọng thời gian tới, sau khi được đầu tư khai thác bài bản, suối Trúc sẽ trở nên sạch và đẹp hơn, thu hút thêm nhiều khách du lịch đến với Dầu Tiếng nói riêng, tỉnh Bình Dương nói chung.