Nhờ đó trong vấn đề này, tỉnh Bình Định đạt được nhiều kết quả tích cực, nhận thức của người dân trong vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học được nâng cao.
Trong giai đoạn từ năm 2020 - 2022, Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT) tiếp nhận 13 cá thể động vật rừng hoang dã, quý, hiếm do người dân tự nguyện giao nộp để cứu hộ, thả về rừng.
Ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm, cho biết: “Khi tiếp nhận các cá thể động vật này do người dân giao nộp, chúng tôi phối hợp với cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học đang có trên địa bàn tỉnh là Công viên động vật hoang dã FLC (thuộc Công ty CP Đầu tư và phát triển vườn thú Faros) để cứu hộ, chăm sóc, sau đó thả trở lại rừng tự nhiên tại Khu bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) An Toàn, huyện An Lão. Trường hợp cá thể động vật bị chết, chúng tôi mời các cơ quan liên quan đến lập thủ tục tiêu hủy theo quy định”.
Trong nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học, Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn cũng có một số công trình nghiên cứu về động, thực vật và tính đa dạng sinh học ở địa phương.
Qua đó ghi nhận được 72 loài động vật quý hiếm và 14 loài đặc hữu nằm trong Sách Đỏ Việt Nam và quốc tế, như: Gấu ngựa, voọc chà vá chân xám, vượn má hung, mang Trường Sơn…; các loài cây gỗ quý như: Cà te, giáng hương, trầm hương, lim, trắc mật…
Ngành chức năng của tỉnh Bình Định thả động vật rừng quý, động vật hoang dã hiếm là 2 con cu li về môi trường tự nhiên tại Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn. Ảnh: NGỌC NHUẬN.
Theo ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn, KBTTN An Toàn được UBND tỉnh quy hoạch bảo tồn và phát triển khá tốt.
Nhờ được bảo vệ nghiêm ngặt, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, nên nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đã chuyển biến tích cực, chung tay bảo vệ rừng đặc dụng.
Từ năm 2016 đến nay, trên một vùng sinh thái khác, Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) tiếp nhận, thả về biển 26 con rùa, phối hợp bảo vệ 5 ổ trứng rùa biển nở được 380 rùa con và đưa về biển an toàn.
Ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản, chia sẻ: “Công tác bảo vệ rùa biển ở tỉnh Bình Định đã lan tỏa rộng trong cộng đồng. Ngư dân khi đánh cá có rùa biển mắc lưới đã tự giao nộp cho Chi cục thả về biển; nhiều người dân tự bỏ tiền ra mua để giải cứu rùa biển và bàn giao cho chúng tôi thả về biển; nhiều địa phương ven biển như Nhơn Hải, Nhơn Lý, Ghềnh Ráng (TP Quy Nhơn), cả cộng đồng chung tay bảo vệ rùa biển. Những điển hình ấy, Chi cục kịp thời biểu dương để tác động đến nhận thức của cộng đồng trong công tác bảo vệ động vật biển quý, hiếm”.
Mặc dù còn nhiều chồng chéo về chức năng quản lý đa dạng sinh học, nhưng công tác bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm cũng đã mang lại những hiệu quả đáng ghi nhận.
Ông Nguyễn Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), nhìn nhận: Bảo vệ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm trên hết là trách nhiệm, vai trò của cộng đồng trong việc ngăn chặn hoạt động săn bắt, kinh doanh và tiêu thụ trái phép động vật hoang dã.
Tuy chưa có hệ thống pháp luật quy định thống nhất đầu mối quản lý nhà nước về đa dạng sinh học, nhưng tại Bình Định, những biện pháp bảo tồn đa dạng sinh học được chúng tôi phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương triển khai cũng đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng.
Bên cạnh hoạt động truyền thông, ngành TN&MT và ngành NN&PTNT tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án về đa dạng sinh học; kiểm tra, giám sát hoạt động gây nuôi động vật hoang dã; xử lý hoạt động săn bắt, mua bán động vật rừng trái pháp luật…
Ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Kiểm lâm, cho biết: “Mặc dù có nhiều chuyển biến, song chưa thể xử lý triệt để tình trạng săn bắt, buôn bán động vật rừng hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm.
Chúng tôi sẽ tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các hành vi săn bắt, buôn bán, nuôi nhốt động vật rừng trái pháp luật. Với các cơ sở gây nuôi động vật rừng, các cơ sở treo bảng kinh doanh đặc sản động vật rừng, chúng tôi cũng tuyên truyền, cho họ ký cam kết buôn bán các loài động vật gây nuôi theo quy định…”.
Ngành Thủy sản tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền Luật Thủy sản, các hoạt động về bảo vệ hệ sinh thái biển, bảo vệ rạn san hô, rùa biển, các loài động vật quý, hiếm, đặc hữu trong đầm Thị Nại, Đề Gi, Châu Trúc.
Theo ông Nguyễn Công Bình, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thủy sản, ngành Thủy sản sẽ phối hợp với các địa phương ven biển của tỉnh củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức cộng đồng bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ ở địa phương để nâng cao hiệu quả trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ động vật biển quý, hiếm…
Với ngành TN&MT, ngoài việc xây dựng cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh; theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030..., Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Thị Thanh Hương cho biết: Ngành TN&MT sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh đề xuất Trung ương nâng cấp KBTTN An Toàn thành Vườn quốc gia An Toàn để nâng tầm bảo tồn đa dạng sinh học tại đây.
Từ nay đến năm 2025, chúng tôi cũng sẽ đề xuất UBND tỉnh Bình Định thành lập Trạm cứu hộ động vật hoang dã, nguy cấp, quý, hiếm ở KBTTN An Toàn; thành lập Khu dự trữ thiên nhiên đầm Thị Nại; Khu bảo tồn rùa Trung bộ tại Trung tâm quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành Quy Nhơn (ICISE)… theo định hướng công tác bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh giai đoạn 2021 - 2030.