Những ngày này, các làng cổ quanh quần thể di tích đền Hùng (Phú Thọ) đang tất bật tập luyện và chuẩn bị cho lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương. Với những người dân đất Tổ, giỗ Tổ Hùng Vương không chỉ là một lễ hội lớn mà còn là dịp để quảng bá tới du khách gần xa những loại hình di sản văn hóa vật thể - phi vật thể, những nét văn hóa độc đáo, những đặc sản riêng có… cùng vùng đất Phú Thọ. Với những nghệ nhân hát Xoan – loại hình di văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại năm 2011 lại càng náo nức và chộn rộn hơn bởi họ sẽ là "linh hồn" của những ngày hội.
Theo chân nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long về Phường Xoan Thét (thuộc xã Kim Đức, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ), PV Dân Việt được cảm nhận rõ hơn không khí tập luyện của các nghệ nhân hát Xoan. Hiện ở Phú Thọ có 4 phường xoan cổ là An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét nằm ở hai xã Kim Đức và Phương Lâu. Không gian diễn xướng và sinh hoạt của các phương Xoan thường là đình, miếu. Cụ thể như Miếu Lãi Lèn (Phường Xoan Phù Đức), đình Thét (Phường Xoan Thét), đình Kim Đới (Phường Xoan Kim Đới), đình An Thái (Phường Xoan An Thái). Cả 4 di tích đều nằm trong địa bàn thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ ngày nay.
Toàn tỉnh Phú Thọ có khoảng 150 nghệ nhân hát Xoan, nhưng chỉ khoảng 10 người có khả năng truyền dạy. Tỉnh cũng có khoảng 37 CLB hát Xoan, với gần 1.567 người tham gia thực hành hát Xoan. Hát Xoan còn được duy trình thực hành ở 64 CLB cấp huyện, 42 CLB cấp xã.
Ở phường Xoan Thét có 1 Nghệ nhân Nhân dân, 9 Nghệ nhân Ưu tú. Nhiều nghệ nhân hát chính như: Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thị Kiều Nga - Trùm phường, Nghệ nhân Ưu tú Lê Thị Nhàn, Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Ngà, Nghệ nhân Nguyễn Văn Thuyết, Kép Xoan - Nguyễn Minh Trí… Đặc biệt, có tới 30 "truyền nhân" dưới 18 tuổi vẫn đang học hỏi để tiếp nối và lưu truyền di sản hát Xoan của ông cha.
Hát Xoan có 3 chặng hát chính là Hát Thờ, Hát Quả cách và Hát Hội. Trong đó, Hát Quả cách được coi là chặng hát trung tâm. Có tất cả 13 Quả cách (cách gọi riêng của nghệ thuật này, tương ứng với 13 bài).
Hình thức và nội dung hát Xoan gắn với thiên nhiên, con người, đời sống nhân dân địa phương và phong tục thờ cúng Tổ tiên của người Việt. Qua lời hát và điệu bộ, người dân bày tỏ lòng biết ơn đến Tổ tiên, các vị vua Hùng và cầu mong hạnh phúc, thịnh vượng, thời tiết thuận lợi, vạn vật tốt tươi và mùa màng bội thu.
Phường Xoan hoạt động theo lịch thường niên mỗi tuần 2 buổi. Mỗi năm tổ chức hát Xoan đều đặn vào dịp hội làng và hội Đền Hùng. Theo các nghệ nhân, trước khi được UNESCO ghi danh vào danh mục các Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại, các phường Xoan đã tích cực cùng địa phương bảo vệ di sản cả về hình thức diễn xướng, các bài bản hát Xoan, không gian văn hoá và các yếu tố khác. Riêng cứ dịp giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm, các phường Xoan đều nỗ lực tập luyện và truyền dạy cho lớp trẻ.
Nghệ nhân chật vật để nuôi dưỡng đam mê
Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thị Kiều Nga - Trùm phường Xoan Thét chia sẻ với Dân Việt, gốc của hát Xoan là ở Phú Thọ nhưng sau lan tỏa đến các làng quê đôi bờ sông Lô, sông Hồng. Bốn phường xoan cổ là An Thái, Phù Đức, Kim Đới và Thét từ xưa được cộng đồng của 30 làng, 18 xã của tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc (Vĩnh Phú xưa) mời đến biểu diễn trong các ngày hội làng, hội tổng. Vì thế hát Xoan mới ghi dấu tại nhiều làng quê. Ngày nay, hát Xoan vẫn thể hiện sức sống mãnh liệt của một loại hình di sản văn hóa phi vật thể khi xuất hiện trong rất nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh, đặc biệt là giỗ Tổ Hùng Vương.
Đặc biệt, hát Xoan được tích cực truyền dạy và đưa vào giảng dạy trong các nhà trường, cơ quan, đơn vị… để loại hình di sản của đất Tổ gần gũi hơn với đời sống nhân dân. Các không gian văn hoá liên quan đến hát Xoan cũng được chú trọng bảo tồn, tu bổ, tôn tạo… để tạo không gian diễn xướng, cũng là nơi để các nghệ nhân trình diễn cho hát Xoan.
Tuy vậy, điều đáng tiếc là nghệ nhân gắn bó với hát Xoan lâu nhất nay người đã quy tiên, người đã quá già. Thế hệ kế cận dù rất yêu hát Xoan và hết mình trong việc bảo tồn – gìn giữ - lưu truyền hát Xoan nhưng đời sống cũng gặp rất nhiều khó khăn.
"Anh chị em chúng tôi mỗi người một nghề. Người thì làm ruộng, người lái xe, người làm spa… Tuy nhiên, cứ hễ ở đâu mời đến hoặc làng có việc là chúng tôi sẵn sàng gác lại mọi việc để biểu diễn hát Xoan, phục vụ mọi người. Việc biểu diễn này thuần túy là đam mê chứ không vì bất kỳ một lí do nào. Mỗi buổi biểu diễn ở các sự kiện, người ta chỉ trả cho chúng tôi có 100.000 đồng/người, trẻ con không được trả mức đó. Với số tiền đó thì rõ ràng là không đủ chi phí để làm bất cứ điều gì.
Mỗi năm, tỉnh cấp cho chúng tôi 30 triệu, thành phố cấp cho 25 triệu để duy trì hoạt động của phường Xoan nhưng cũng rất eo hẹp và khó khăn vì rất nhiều thứ phải chi. Đôi khi chúng tôi còn phải bỏ tiền túi ra để đóng góp nhằm duy trì các hoạt động của phường Xoan. Vì tình yêu đối với Xoan, vì trách nhiệm của nghệ nhân hát Xoan mà chúng tôi chấp nhận thiệt thòi và sẵn sàng làm mọi việc, miễn sao hát Xoan được "sống" và được lan tỏa đến mọi người", nghệ nhân Bùi Thị Kiều Nga bày tỏ.
Kép xoan Nguyễn Văn Tuấn làm nghề lái xe taxi nhưng đã có thâm niên tham gia phường Xoan Thét hơn 15 năm. Bình thường phải làm nghề mưu sinh nhưng cứ hễ được gọi điện báo có chương trình biểu diễn là anh lại thu xếp công việc để về tham gia. Anh đến với hát Xoan bằng tình yêu của một người con đất Tổ. Bản thân anh cũng luôn xác định tinh thần phải lan tỏa hát Xoan và lưu truyền hát Xoan – loại hình di sản mà cha ông đã kiến tạo nên từ bao đời.
"Tôi rất tự hào khi được là một kép Xoan và biết đến hát Xoan từ rất sớm. Năm nay tôi 39 tuổi, cái tuổi vẫn chưa phải quá già nhưng luôn dành cho di sản hát Xoan một tình yêu rất đặc biệt. Không chỉ tôi mà nhiều chị em trong phường cũng đều yêu hát Xoan với một tình yêu như vậy. Chúng tôi hy sinh nhiều thứ để gìn giữ hát Xoan. Tuy nhiên, vẫn rất mong hát Xoan được quan tâm hơn nữa và các nghệ nhân tham gia thực hình trình diễn hát Xoan được quan tâm hơn nữa. Hiện đời sống của chúng tôi vẫn đang gặp nhiều khó khăn và nếu có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ phía tỉnh, thành phố thì chúng tôi sẽ toàn tâm toàn ý cho hát Xoan hơn", kép Xoan Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ.
Đưa di sản hát Xoan vươn ra thế giới
Để di sản hát Xoan được lan tỏa rộng rãi hơn, vượt ra khỏi lãnh thổ nước Việt đến gần hơn với những người Việt xa xứ và người nước ngoài yêu văn hóa Việt Nam, mới đây, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long đã bắt tay thực hiện dự án "Giới thiệu di sản âm nhạc hát Xoan". Dự án được nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long lên kế hoạch từ năm 2022, thực hiện trong năm 2023 và ra mắt dịp Xuân Giáp Thìn trên kênh YouTube Dân ca & nhạc cổ truyền do chính anh sáng lập. Đây được nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long xem như một hoạt động hướng tới ngày giỗ Tổ Vua Hùng.
Dự án mang đặc trưng của thời đại số, với mục đích giới thiệu và lan tỏa hát Xoan trên không gian mạng. Xác định rõ mục tiêu nên ngay từ thời điểm đầu "Giới thiệu di sản âm nhạc hát Xoan" đã được thực hiện với những tiêu chí phù hợp với đặc điểm này. Dự án đã tập trung vào giá trị thực nhất có thể, cả trong âm nhạc cũng như phần hình ảnh.
Bên cạnh việc giới thiệu phần chính là âm nhạc với 16 bài Xoan, bao gồm 3 bài thuộc Chặng Hát Thờ và 13 bài thuộc Chặng Quả cách thì phần nội dung còn có thêm một clip được gọi tên là "Về đất Tổ nghe Xoan" ghi lại cuộc trò chuyện giữa MC - BTV Hoàng Chung, nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long với các nghệ nhân Phường Xoan Thét - đối tượng chính của dự án. Việc có thêm một clip ghi lại cuộc trò chuyện gần gũi và dân dã góp phần hé mở cách cửa cho những ai yêu hát Xoan có thể tiếp cận dễ dàng hơn với Xoan, hiểu thêm hơn về Xoan.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Long, ở dự án này, anh sẽ giới thiệu toàn bộ 13 Quả cách của hát Xoan cùng với 3 bài Hát Thờ gồm: Nhập tịch mời vua, Thơ nhang và Đóng đám. Toàn bộ những bài này được nhạc sĩ, ca sĩ Phan Thanh Cường thực hiện phần thu âm theo cách dân dã nhất, gần gũi nhất. Anh đã chuẩn bị toàn bộ trang thiết bị thu âm từ Hà Nội di chuyển về Phú Thọ và triển khai phù thu dã chiến ngay tại… nhà riêng của nhà bà trùm Phường Xoan Thét.
Nghệ nhân Ưu tú Lê Thị Nhàn chia sẻ với Dân Việt rằng, không chỉ cá nhân bà mà cả các nghệ sĩ và người yêu hát Xoan đều mong muốn loại hình di sản này được lan tỏa rộng rãi. Từ năm 2017, khi hát Xoan được đưa ra khỏi danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì mong mỏi di sản này đến gần hơn với bạn bè quốc tế, người Việt xa xứ. Bà không biết nhiều về công nghệ nhưng rất vui khi hát Xoan được đưa lên mạng và thông qua công nghệ để "xuất khẩu" ra thế giới.