Hoan Nguyễn
Thứ ba, ngày 25/04/2023 07:59 AM (GMT+7)
Trải nghiệm khám phá di sản văn hóa hát Xoan được UNESCO ghi danh là một trong những mục tiêu khách du lịch đến với tỉnh Phú Thọ, qua đó hát Xoan đã trở tài nguyên, nguồn lực trong chiến lược phát triển du lịch bền vững của vùng Đất Tổ linh thiêng.
Trình diễn Di sản Hát Xoan Phú Thọ tại Chương trình Khai mạc Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023, Liên hoan toàn quốc Di sản Văn hóa phi vật thể được UNESCO ghi danh và Kỷ niệm 20 năm thực hiện Công ước 2003 của UNESCO tối ngày 21/4 tại Quảng trường Hùng Vương (TP. Việt Trì, Phú Thọ). Video: Trường Quân.
Trẩy hội Đền Hùng 2023 hòa mình vào di sản hát Xoan
Về Phú Thọ vào những ngày Lễ hội Đền Hùng và Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023 này, khắp làng trên xóm dưới, khắp nơi gần nơi xa đều tưng bừng trống giục, phấp phới cờ bay, rộn ràng người trẩy hội.
Tại trung tâm TP. Việt Trì - thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, du khách được hòa mình vui cùng không khí sôi động, hấp dẫn, độc đáo của Liên hoan trình diễn các Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại của Việt Nam được UNESCO ghi danh lần đầu tiên tổ chức như: Xòe Thái, Ví Giặm Nghệ Tĩnh, nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, ca trù, dân ca quan họ Bắc Ninh, hát Xoan, đờn ca tài tử…
Trong đó, ấn tượng nhất phải kể đến hát Xoan - một trong hai di sản văn hóa phi vật thể thế giới được công nhận ở Phú Thọ. Từ các tiết học trong trường học đến mỗi tối ở các đình làng, nhà văn hóa thôn tiếng xoan vang lên qua giọng của mọi lứa tuổi. Họ múa, hát để đi dự hội, để tham gia hội diễn liên hoan, để diễn xướng khi khách tới chơi nhà, đón khách du lịch…
Tại phường Xoan An Thái (xã Phượng Lâu, TP.Việt Trì), nghệ nhân nhân Nguyễn Thị Lịch - Trùm phường Xoan An Thái cùng nhóm chị em hát Xoan vận áo váy thật đẹp, diễn xướng hát Xoan đón chào những đoàn khách du lịch. Sân đình An Thái cũng vì thế mà đông khách, vui nhộn hơn những ngày cận kề ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
Mở màn diễn xướng hát Xoan là tiết mục "Nhập tịch mời Vua" với muôn phách nhịp vang lên đua cùng những điệu tay uốn, cứ đung điêng huyền diệu theo trống gõ.
Nối liền là làn "Hát ru-Mời rượu" - lúc này những đào Xoan khéo léo cầm bầu rượu trên tay rót vào từng "chén hạt mít" cùng đó là lời nghệ nhân Nguyễn Thị Lịch cất lên, ngân nga "ai được chén rượu này trường sinh bất lão..." làm du khách phấn khởi mừng rỡ ra mặt và nâng chén rượu uống cảm tạ mà không ngại ngần.
Tiếp đến là những giai điệu của bài "Mó cá" được xướng lên làm cả đoàn khách bị mê hoặc rồi cuốn cả vào trong vòng tròn cùng vui múa Xoan tự lúc nào không hay...
Chị Nguyễn Thị Mai (Hưng Yên) hồ hởi nói: "Thật là tuyệt vời. Đây là một loại hình biểu diễn rất thú vị. Được xem trực tiếp các nghệ nhân múa hát Xoan cảm thấy rất mới mẻ, thích thú. Tôi nghĩ sẽ có nhiều người đến Phú Thọ để thưởng thức loại hình nghệ thuật này, và tôi cũng sẽ quay trở lại đây nhiều lần nữa để thưởng thức hát Xoan".
Sự độc đáo của "Hát Xoan làng cổ"
Cùng với di sản Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, hát Xoan đang được trình diễn chuyên nghiệp hơn và được trao truyền khá hiệu quả ở Phú Thọ. Đất Tổ thực sự đang có giải pháp khéo léo khi đưa Xoan làm một sản phẩm "đối ngoại", lan tỏa Xoan đến với bạn bè quốc tế.
Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tỉnh Phú Thọ cho biết, hát Xoan khi xưa vốn chỉ vang vọng nơi sân đình trong dịp lễ hội, nay đã vang vọng khắp miền Đất Tổ, lan rộng đến nhiều địa phương trong cả nước.
Đặc biệt, hát Xoan còn lan tỏa, được biểu diễn thuần thục bởi cả người dân đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều du khách bày tỏ sự ngạc nhiên khi đến thăm các câu lạc bộ Xoan và dân ca ở huyện Thanh Sơn, Yên Lập, Tân Sơn - nơi có đa số đồng bào Mường, Dao cư trú.
Ông Thủy khẳng định, những năm gần đây, các chương trình biểu diễn hát Xoan luôn được khách du lịch đặc biệt quan tâm khi về Phú Thọ. Trong đó sản phẩm "Hát Xoan làng cổ" do Sở VHTTDL tỉnh xây dựng, đã thực sự trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Phú Thọ.
Sự độc đáo, ý nghĩa của "Hát Xoan làng cổ" là gắn chương trình với các điểm du lịch di sản văn hóa, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của người dân Đất Tổ nói riêng, cộng đồng người Việt và bạn bè quốc tế nói chung, nhất là vào mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng.
Khách quốc tế đến từ các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Pháp, Mỹ, Australia, Thụy Điển…, được tham gia hát Xoan tại các đình làng cổ, cảm nhận lòng mến khách, không chỉ bày tỏ sự ngạc nhiên, thích thú mà còn thể hiện những tình cảm nồng nhiệt, vượt qua rào cản khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, trao những ánh mắt trìu mến, cái bắt tay thân thiện, cái ôm ấm áp dành cho các đào, kép, nghệ nhân của phường Xoan.
"Điều này càng khẳng định rõ, hát Xoan như sợi dây vô hình, gắn kết tình cảm của du khách bốn phương đối với Phú Thọ, vùng đất linh thiêng, cội nguồn dân tộc Việt Nam", ông Thuỷ chia sẻ.
Được biết tới đây, trong tour du lịch tại Phú Thọ, du khách ngoài việc được thưởng thức các tiết mục Xoan cổ, còn được trực tiếp "mắt thấy, tai nghe, tay sờ" tìm hiểu về các di tích lịch sử văn hóa từ thời đại Hùng Vương, được tham quan, trải nghiệm các làng nghề truyền thống tại địa phương và hơn hết là được các nghệ nhân và đào, kép Xoan hướng dẫn múa, hát biểu diễn cùng phường Xoan để du khách có thể cảm nhận thêm những giá trị văn hóa gắn kết cộng đồng của hát Xoan.
Lãnh đạo Sở VHTTDL Phú Thọ cho biết thêm, chương trình "Hát Xoan làng cổ" không chỉ khích lệ các nghệ nhân tại các phường Xoan gốc gìn giữ, bảo vệ, truyền dạy hát Xoan, mà còn đem lại thu nhập cho người dân địa phương nhờ mô hình tham quan các làng nghề truyền thống và kết hợp bán sản phẩm ẩm thực, mỹ nghệ thủ công… làm quà tặng cho du khách.
Đây chính là tiền đề để xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn trong hành trình về với cội nguồn dân tộc, góp phần tuyên truyền, quảng bá hát Xoan - di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tới khách du lịch từ mọi miền của Tổ quốc và bạn bè quốc tế.
Hát Xoan Phú Thọ là hiện tượng di sản được thế giới quan tâm
Ông Nguyễn Đắc Thủy - Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh, Việt Nam được coi là điển hình mẫu mực trong thực hiện bảo tồn các không gian văn hóa phi vật thể, gắn với phát triển du lịch, xã hội.
Càng đặc biệt, vinh dự hơn khi trường hợp hát Xoan Phú Thọ thuyết phục được UNESCO ra một quyết định đặc cách và chưa có tiền lệ, chuyển đổi đặc biệt từ danh sách Di sản văn hóa Phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp sang danh sách Di sản văn hóa Phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2011.
"Đây cũng là sự kiện thể hiện rõ nét nhất kinh nghiệm của Việt Nam trong việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Từ một di sản có nguy cơ mai một, cần được bảo vệ khẩn cấp, di sản đã được thực hành tốt, tạo được sự lan tỏa, thể hiện sức sống mạnh mẽ trong cộng đồng...hát Xoan Phú Thọ đã trở thành một hiện tượng Di sản được cả thế giới quan tâm. Cho đến nay, đã thu hút được đông đảo du khách trong nước, quốc tế tham gia trải nghiệm", ông Thủy nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.