Trong cuộc phỏng vấn với ArmyInform, Đô đốc Rob Bauer tuyên bố rằng NATO đã nhận thấy có sự thay đổi về tình hình an ninh kể từ năm 2014, sau khi Nga sáp nhập Crimea. Theo đó, tính đến năm 2019, liên minh bắt đầu củng cố an ninh tập thể bằng cách thay đổi chiến lược phòng thủ, kế hoạch tác chiến và chuẩn bị lực lượng cần thiết để thực hiện tất cả các nhiệm vụ này.
"Tất cả chúng ta đều biết rằng thời gian là điều cốt yếu khi thiết lập lại an ninh tập thể. Bởi vì đối thủ sẽ quyết định thời điểm và địa điểm tấn công bạn, cũng như cuộc xung đột sẽ kéo dài bao lâu. Thật không may, Ukraine đã trải qua điều này", ông Bauer nhấn mạnh.
"Chúng tôi (NATO) đã sẵn sàng (cho một cuộc xung đột với Nga) chưa? Câu trả lời là có! Nhiệm vụ của NATO là chuẩn bị. Nếu cuộc xung đột xảy ra hôm nay, bạn phải chiến đấu với những gì mình có. Đó luôn là sự kết hợp giữa việc sẵn sàng cho ngày hôm nay và cải thiện cơ hội cho tương lai", Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO nhấn mạnh thêm.
Khi được hỏi về sự sẵn sàng của NATO ở sườn phía đông, nơi tồn tại những mối đe dọa tiềm tàng nhất, Đô đốc Bauer khẳng định, Liên minh đã tăng cường sự hiện diện ở các nước vùng Baltic kể từ năm 2016, cũng như ở Slovakia, Hungary, Romania và Bulgaria kể từ khi xung đột toàn diện ở Ukraine bùng nổ.
Đô đốc Bauer tiết lộ: "Chúng tôi hiện có 8 nhóm tác chiến như vậy, mỗi nhóm có một tiểu đoàn và họ có thể kết hợp thành lữ đoàn nếu cần thiết. Các nước liên quan đang hợp tác liên quan tới cơ chế này. Chúng tôi sẽ xem xét các yêu cầu bổ sung. Nhưng cho đến nay, nguồn lực này là đủ".
Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO cũng nhấn mạnh rằng chiến tranh hiện đại có những chiến thuật, kiểu tác chiến mới, chẳng hạn như tác chiến không gian mạng hoặc các cuộc tấn công vào không gian, và Nga có thể sử dụng sức mạnh ở Bắc Cực, Tây Đại Tây Dương, Châu Phi, Địa Trung Hải và Biển Đen để thách thức NATO.
“Sẽ là không sáng suốt nếu chỉ tập trung vào sườn phía đông, bởi vì người Nga không chỉ ở đó. Họ có mặt ở khắp mọi nơi. Đó là lý do tại sao NATO liên tục theo dõi hành động của họ và phản ứng thích hợp nếu cần thiết”, ông Bauer nhấn mạnh.
Chủ tịch Ủy ban quân sự NATO cũng tuyên bố rằng ông không lo ngại về viễn cảnh các mối đe dọa gia tăng từ Nga sau khi ông Vladimir Putin "tái đắc cử" vì cuộc chiến ở Ukraine đã làm suy yếu nước Nga và việc bổ sung, hiện đại hóa quân đội của nước này sẽ gặp nhiều khó khăn do các lệnh trừng phạt của phương Tây.
“Chúng ta có thể thấy rằng Nga có khả năng sản xuất số lượng lớn vũ khí nhưng chất lượng của chúng ngày càng giảm sút kể từ khi bắt đầu chiến tranh. Họ có kế hoạch lớn nhưng đang trong tình trạng chiến tranh nên sẽ cần nhiều thời gian. không hề dễ dàng đối với họ", Đô đốc Bauer nói.
Rob Bauer cũng bình luận về khả năng triển khai quân sự của bất kỳ quốc gia NATO nào ở Ukraine , nói rằng những quyết định như vậy ảnh hưởng đến lợi ích của tất cả các đồng minh và do đó cần có sự tham vấn giữa họ.
Ngoài ra, Đô đốc Bauer cảnh báo không nên bi quan quá mức về khả năng giành chiến thắng của Ukraine trong cuộc chiến và kêu gọi thế giới hỗ trợ thêm cho Kiev.