Ngày 21/3, tại buổi họp báo tại Tổng cục Khí tượng thuỷ văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Trung tâm Khí tưởng Thuỷ văn dự báo năm 2024, El Nino sẽ gia tăng, nắng nóng sẽ đến sớm hơn, mưa ít xuất hiện vào đầu mùa. Mùa khô năm nay được dự báo xảy ra khô hạn cục bộ ở các tỉnh miền Trung, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Theo chuyên gia của Trung tâm Khí tượng thuỷ văn, hiện tượng El Nino xảy ra không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người dân mà còn tác động trực tiếp đến nhiều ngành, lĩnh vực. Đáng ngại, El Nino khiến tình hình cung ứng điện miền Bắc sẽ khó khăn do hệ thống điện miền Bắc đang phụ thuộc lớn vào thuỷ điện.
Trung tâm Khí tượng Thuỷ văn cảnh báo, năm 2024 lũ ít có khả năng xảy ra sớm ở các dòng sông lớn, dòng sông chính ở miền Bắc. Trong khi đó, mực nước nhiều hồ chứa thuỷ điện lớn khu vực Bắc bộ cuối tháng 5/2023 đã xuống dưới mức thấp nhất trong 5 năm gần đây. Khu vực Bắc Bộ sông lớn ít xuất hiện lũ, chủ yếu lũ xuất hiện ở các sông nhỏ. Đặc biệt, nguồn nước ở các sông ở khu vực Bắc Bộ ở mức thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.
Trước đó, vào tháng 10/2023, trong báo cáo gửi Thủ tướng về kế hoạch cung ứng điện cuối năm 2023 và năm 2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết, năm 2024 trong trường hợp lưu lượng nước về các hồ thuỷ điện cực đoan, việc đảm bảo cung cấp điện đặc biệt đối với khu vực miền Bắc sẽ gặp khó khăn.
"Có thể xuất hiện tình trạng thiếu công suất (khoảng 420÷1.770MW) trong một số giờ cao điểm các tháng 6 và tháng 7", Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Tháng 8/2023, Tập đoàn Điện lực quốc gia Việt Nam (EVN) cũng phát đi cảnh báo tương tự về công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc xuống thấp, trong khi nhu cầu điện cho miền Bắc tăng trưởng 10%/năm. Điều này có thể khiến khu vực này thiếu điện công suất đỉnh ở một số thời điểm nắng nóng tháng 6, 7/2024 (thiếu từ 420 MW – 1.770MW).
Hiện, điện miền Bắc được cung cấp bởi 60-70% từ các nhà máy thuỷ điện, trong đó có Thác Bà, Hoà Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Lai Châu, Huội Quảng… Năm 2023, tình trạng thiếu điện cục bộ đã diễn ra toàn miền Bắc, nhiều địa phương phải cắt điện luân phiên, gây ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân và doanh nghiệp. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (WB), tình trạng thiếu điện, cắt điện luôn phiên tại nhiều địa phương phía Bắc khiến nền kinh tế Việt Nam thiệt hại khoảng 1,3 tỷ USD. Hơn nữa, điều này gây lo ngại cho cộng đồng doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt ảnh hưởng đến quyết định bỏ vốn đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, lũy kế cả năm 2023, tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống ước đạt 281,9-283,6 tỷ kWh, tăng từ 5,1-5,7% so với cùng kỳ năm 2022, đạt từ 99,1-99,6% so với Kế hoạch năm 2023 được duyệt.
Ông Trần Đình Long, Hội Điện lực cho biết, nguy cơ thiếu điện hiện hữu đối với miền Bắc khi các hồ thuỷ điện thiếu nước, phụ tải miền Bắc tăng cao trong mùa hè, trong khi không xây dựng mới được dự án nhiệt điện nào? Đặc biệt, lo ngại việc đường dây 500kV mạch 3 từ Quảng Bình - Hưng Yên chậm tiến độ…., miền Bắc có thể đối diện với nguy cơ thếu 1.200 MW - đến 2.200MW từ tháng 5-7/2024.
Theo báo cáo của EVN, nhu cầu sử dụng điện tiếp tục tăng cao, dự báo tăng bình quân 9%/năm, tương ứng công suất tăng 4.000-4.500 MW/năm. Trong khi đó, nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành năm 2024 là 2.595MW và năm 2025 là 3.770MW lại tập trung chủ yếu tại khu vực miền Trung và miền Nam.
Công suất dự phòng của hệ thống điện miền Bắc thấp, trong khi nhu cầu điện cho miền Bắc tăng trưởng tới 10%/năm. Do vậy, miền Bắc có khả năng đối diện thiếu công suất đỉnh ở một số thời điểm nắng nóng tháng 6-7/2024 (thiếu từ 420-1.770MW).
Trong khi đó, đường dây truyền tải điện 500kV mạch 3 từ Quảng Bình - Hưng Yên để truyền tải điện từ miền Nam cho miền Bắc vẫn đang trong quá trình triển khai xây dựng. Nếu không kịp hoàn thành đúng yêu cầu mà Thủ tướng đặt ra là cuối tháng 6/2024 vận hành, đưa vào khai thác, tình hình cung ứng điện tại miền Bắc sẽ càng khó khăn hơn.
Về tổng nguồn điện, theo kế hoạch cung ứng điện của Bộ Công Thương tại Quyết định số 3110/QĐ-BCT được ban hành cuối năm 2023, tổng điện năng sản xuất của các nhà máy điện và nhập khẩu là 306,259 tỷ kWh, mức tăng trưởng điện từ 6-9%. Theo tính toán với kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, việc cân đối cung-cầu điện năm 2024 có thể phải tăng trưởng phụ tải điện từ 6% đến 8,96%.
Vì vậy, ngành điện phải xây dựng kịch bản điều hành điện trong điều kiện cả nước có tối thiểu 50.000 MW và tối đa là 52.000 MW điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng. Do đó, ngành điện cần đảm bảo đủ nguồn nguyên nhiên liệu cho sản xuất điện bao gồm nước, than, khí… bên cạnh thuỷ điện, điện mặt trời.
Đối với tình hình cung ứng điện ở miền Bắc, thực tế việc bổ sung nguồn điện mới cho miền Bắc năm 2024 rất khó khăn. Dù công suất các nguồn điện mới đưa vào vận hành trong năm 2024 của Việt Nam vào khoảng 2.595 MW, nhưng các nguồn điện mới này chủ yếu có tiến độ vận hành vào cuối năm 2024 hoặc hầu hết được tập trung ở khu vực miền Trung, miền Nam. Chính vì vậy, không hỗ trợ nhiều cho cấp điện miền Bắc trong mùa khô.
Đơn cử như Nhà máy Điện LNG Nhơn Trạch 3, công suất 812 MW, sẽ vận hành tháng 12/2024, Thủy điện Ialy mở rộng, 180 MW, vận hành khoảng tháng 11/2024.
Tăng tốc nhập than cho phát điện
Theo Quyết định số 3111/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ban hành ngày 30/11/2023 phê duyệt biểu đồ cấp than cho sản xuất điện năm 2024, các chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than chịu trách nhiệm thu xếp 74,3 triệu tấn than để cấp cho sản xuất điện năm 2024; trong đó, các nhà máy thiết kế sử dụng than nhập khẩu khoảng 26 triệu tấn.
Các loại than cấp cho từng nhà máy thực hiện theo hợp đồng mua bán than năm 2024, hợp đồng cung cấp than dài hạn (đối với dự án nhà máy nhiệt điện BOT) ký giữa chủ đầu tư nhà máy với đơn vị cung cấp than.
Để đủ than cho sản xuất điện năm sau, Bộ Công Thương giao các chủ đầu tư đa dạng nguồn than nhập khẩu, mua bù đắp lượng than mà TKV, Tổng công ty than Đông Bắc không thể đáp ứng, trừ các nhà máy điện BOT dùng than trong nước được Chính phủ bảo lãnh hợp đồng cấp than. Hàng tháng, doanh nghiệp báo cáo cơ quan quản lý việc cung ứng, dự trữ than cho điện.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, năm 2023, cả nước nhập hơn 51,1 triệu tấn than các loại, tăng hơn 61,4% về lượng (tăng hơn 19 triệu tấn) so với cùng kỳ năm 2022 (chỉ nhập 31,7 triệu tấn), kim ngạch hơn 7,1 tỷ USD; tăng gần 15 triệu tấn so với cùng kỳ năm 2021.
Riêng tính đến hết này 15 tháng 3 năm nay, cả nước ghi nhận nhập khẩu hơn 11,7 triệu tấn than, kim ngạch hơn 1,6 tỷ USD. Mức tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023, tương đương tăng 5,5 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước.