Làng bột Sa Đéc nằm dọc theo con rạch Ngã Bát thuộc phường 2 và xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp).
Những người có thâm niên ở làng nghề cho biết, nhờ nguồn nước sông có độ PH trung tính kết hợp với hạt gạo ngon dẻo của Đồng bằng sông Cửu Long, đã tạo nên thương hiệu bột Sa Đéc.
Chất lượng bột Sa Đéc nổi tiếng gần xa nhờ thớ bột trắng, mịn, dẻo, thơm, không nơi nào sánh kịp và hương vị đặc trưng không lẫn vào đâu với những điều đặc biệt từ thiên nhiên tạo nên.
Hàng chục năm qua, ông Nguyễn Văn Nương, chủ cơ sở sản xuất bột Tư Nương (phường 2, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) gắn bó với nghề làm bột gạo.
Ông Nương nói: "Đây là nghề truyền thống của gia đình, từ đời ông nội tôi đến nay, tôi nối tiếp gìn giữ và phát triển nghề. Nghề làm bột đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao đời sống của nhiều gia đình và sự thành đạt của nhiều thế hệ".
Và ông cho biết thêm, trước đây, người dân làm bột chủ yếu làm bằng thủ công. Thế nhưng, những năm gần đây, người dân đã đưa cơ giới hóa vào quy trình sản xuất nên vừa giảm được công lao động, hạ giá thành sản phẩm. Đồng thời, nâng cao sản lượng bột, đáp ứng nhu cầu số lượng nhiều của người tiêu dùng.
"Khi các công việc như vo gạo, xay bột bằng tay được thay bằng máy đã giúp năng suất lao động tăng gấp 4 - 5 lần, chất lượng sản phẩm bột nâng cao, hợp vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng ưa chuộng hơn.
Mỗi tháng, cơ sở cung ứng hàng chục tấn bột nguyên liệu cho các doanh nghiệp chế biến thực phẩm trong và ngoài tỉnh Đồng Tháp", ông Nương cho biết thêm.
Quy trình sản xuất bột gạo tại làng nghề bột Sa Đéc ngày càng được nâng cao, tư duy người làm bột dần được đổi mới.
Hiện tại, làng nghề truyền thống này còn trên 160 hộ, cơ sở sản xuất, sản lượng bình quân trên 30.000 tấn bột/năm.
Ông Trương Thanh Hỷ, chủ cơ sở sản xuất bột gạo Thanh Hỷ (xã Tân Phú Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, sản phẩm bột được chia thành hai loại là bột ướt được cung cấp trực tiếp cho các nhà máy, cơ sở chế biến thực phẩm, còn bột khô có thể dùng để dự trữ, chế biến dần.
"Từ bột, các doanh nghiệp địa phương đã chế biến ra hàng trăm mặt hàng như: bánh phở, hủ tiếu, miến, bún, bánh canh... Thị trường tiêu thụ đa số trong nước và xuất khẩu ngoài nước thông qua các công ty, doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn", ông Hỷ cho biết thêm.
Năm 2023, Kỷ lục Guinness Việt Nam đã xác lập kỷ lục 102 món ăn và bánh dân gian được làm từ bột gạo.
Ngày 21/2, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa nghề làm bột gạo Sa Đéc ở xã Tân Phú Đông và phường 2, thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) vào Danh mục di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia: Nghề thủ công truyền thống - Tri thức dân gian.
Tiếp tục phát huy giá trị
Bà Võ Thị Bình - Phó chủ tịch UBND thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp thông tin, để giữ gìn và phát huy nghề làm bột gạo Sa Đéc - di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia, UBND thành phố có nhiều chính sách để vực dậy làng nghề, định hướng theo Đề án phát triển làng nghề bột Sa Đéc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Cụ thể, địa phương sẽ vận động các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất tổ chức, bố trí lại khu sản xuất bột đảm bảo điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất bột, sản xuất sản phẩm sau bột từ chính sách khuyến công và chính sách có liên quan như máy đánh tơi, máy li tâm, máy hút chân không...
Cùng với đó, tạo điều kiện cho cơ sở, doanh nghiệp và làng nghề bột Sa Đéc có sản phẩm bột và chế biến sau bột tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
"Thành phố cũng tăng cường quan tâm công tác truyền dạy nghề trong bối cảnh nghề làm bột gạo đang dần bị mai một.
Tiếp tục hình thành và phát triển kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ, làm tiền đề khi có điều kiện thuận lợi phát triển thành hợp tác xã làng nghề bột Sa Đéc", bà Bình thông tin thêm.
Cũng theo bà Bình, địa phương cũng sẽ xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng và trải nghiệm dựa trên điểm nhấn chính là kết hợp làng nghề truyền thống sản xuất bột và làng hoa Sa Đéc.
Đồng thời, khai thác các tour, tuyến du lịch tham quan làng hoa Sa Đéc kết hợp tham quan, trải nghiệm quy trình sản xuất bột truyền thống cùng các nghệ nhân làng bột.
"Việc kết hợp hai làng nghề truyền thống góp phần thu hút khách du lịch, quảng bá hình ảnh, giới thiệu nét văn hóa độc đáo cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế cho địa phương", bà Bình chia sẻ.
Bột gạo là một loại bột được tạo ra từ việc xay mịn những hạt gạo sau khi ngâm, nó khác với tinh bột gạo (thường được ngâm gạo vào dung dịch kiềm, thay vì nước).
Có thể sử dụng bột gạo thay thế cho bột mì trong một số công thức nấu ăn. Bột gạo được sử dụng phổ biến trong nền ẩm thực của các nước châu Á, như Việt Nam thường dùng bột gạo trong các món bánh canh, bánh bò, bánh đậu xanh, bánh xèo, bún gạo, bánh cuốn hay bánh khoái...