Dân Việt

Việt Nam tham vọng xuất khẩu sản phẩm nuôi biển đạt 2 tỷ USD

P.V 25/03/2024 19:19 GMT+7
Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), tiềm năng nuôi biển của nước ta rất lớn, nếu địa phương nào cũng quyết tâm, có cách làm sáng tạo như Quảng Ninh, Hải Phòng thì chắc chắn tiềm năng này sẽ được khai thác hiệu quả.

Quảng Ninh, điểm sáng trong phát triển nuôi biển

Chia sẻ tại Họp báo Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh do Bộ NNPTNT và UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức từ ngày 31/3 - 1/4/2024, ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Ninh khẳng định, Quảng Ninh là một trong những địa phương sở hữu nhiều thế mạnh sẵn có để phát triển kinh tế biển và thủy sản với hơn 2.000 đảo lớn nhỏ, bờ biển dài 250km chạy dài từ Móng Cái đến Quảng Yên, 40.000ha bãi triều, trên 20.000ha eo, vịnh…

Năm 2023, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt gần 42.300ha; trong đó: nuôi nội địa đạt gần 32.100ha, nuôi biển đạt 10.200ha. Tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 175.000 tấn, trong đó khai thác thủy sản đạt hơn 81.600 tấn, nuôi trồng thủy sản đạt hơn 93.700 tấn. Giá trị sản xuất đạt hơn 6.900 triệu đồng, giá trị tăng thêm đạt hơn 3.900 triệu đồng chiếm gần 50% giá trị ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Việt Nam tham vọng xuất khẩu sản phẩm nuôi biển đạt 2 tỷ USD- Ảnh 1.

Toàn cảnh Họp báo Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh do Bộ NNPTNT và UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức từ ngày 31/3 - 1/4/2024. Ảnh: P.V

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh nuôi biển, tỉnh Quảng Ninh tập trung sẽ tập trung Ban hành Đề án phát triển bền vững nuôi biển; Hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn về nuôi biển; đầu tư, đồng bộ hạ tầng nuôi biển; Chính sách khuyến khích, vận động, hỗ trợ các hộ dân để chuyển đổi sang nuôi biển quy mô lớn và áp dụng khoa học kỹ thuật cao.

Ngoài ra, tổ chức giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân có khả năng để khai thác nguồn lợi từ biển; Tăng cường năng lực cho công tác quản lý và đào tạo nhân lực có tay nghề; Phát triển nuôi biển gắn với các ngành kinh tế khác như du lịch để phát huy và khai thác đa giá trị; Thu hút các nhà đầu tư lớn dẫn dắt chuỗi giá trị của ngành hàng thủy sản.

Đánh giá về cách thức triển khai hoạt động nuôi biển của Quảng Ninh, ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản cho rằng, Quảng Ninh là địa phương có quy hoạch nghề nuôi biển theo hướng mang lại đời sống tốt hơn cho người nông dân và bảo vệ vùng biển xanh, phát triển nghề cá. 

"Nhiều địa phương hay kêu còn gặp nhiều khó khăn trong phát triển nuôi biển thì có thể học tập Quảng Ninh, Hải Phòng, dù quá trình họ tái cơ cấu lại nghề nuôi biển, phân định mặt nước, thay thế các vật liệu nuôi biển thân thiện với môi trường cũng vấp phải cực nhiều rào cản và gian nan", ông Luân nói.

Nói về quy hoạch vùng nuôi biển, ông Luân cho rằng, không gian phát triển nuôi nuôi trồng thủy sản không nên bị bó hẹp bởi những quy hoạch “đã tô đậm” mà cần vượt ra ranh giới, tích hợp cùng với các ngành kinh tế khác như du lịch. Bên cạnh đó, nghề nuôi biển cũng hướng tới các hoạt động giảm phát thải, tăng trưởng xanh, theo cam kết của Việt Nam trên trường quốc tế.

Việt Nam tham vọng xuất khẩu sản phẩm nuôi biển đạt 2 tỷ USD- Ảnh 2.

Theo ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), các địa phương có thể tham khảo, học tập cách làm của Quảng Ninh trong phát triển nuôi biển. Ảnh: P.V

Trong khi đó, ông Nguyễn Minh Sơn cho rằng việc quy hoạch phải đảm bảo ngành nuôi biển không có sự vướng mắc vào các khu vực dành cho du lịch hay tại khu vực. Ông Sơn cũng cho biết tỉnh quy hoạch nuôi trồng thủy sản đến từng thôn, tất cả các hộ nuôi biển đều được rà soát. Từ đó, những hộ dự kiến chuyển đổi nghề có thể được giao khu vực biển để chuyển từ khai thác sang nuôi trồng.

Kết nối, thu hút đầu tư vào lĩnh vực nuôi biển

Chia sẻ thông tin về Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh", ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, đơn vị bảo trợ truyền thông cho hội nghị cho biết, đây là một trong những hội nghị quy mô và tầm cỡ nhất về nuôi biển từ trước tới nay tại Việt Nam.

Hội nghị do Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chủ trì, dự kiến thu hút khoảng 300 - 350 đại biểu trong nước và quốc tế tham dự, trong đó có đại diện tham tán, đại sứ quán và chuyên gia đến từ các quốc gia có thể mạnh về nuôi biển hàng đầu thế giới hiện nay như: Astralia, Na Uy, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, EU, Hà Lan, UNDP, FAO, IUCN, FFW, SNV,... Hội nghị được tổ chức phát trực tiếp (livestream) trên các nền tảng đa phương tiện của Báo Nông nghiệp Việt Nam.

Được biết, trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Bộ NNPTNT đã ban hành một số chính sách, chương trình khuyến khích, thúc đẩy nuôi biển. Nhờ vậy, ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành ở Việt Nam như: Hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung, công nghiệp phụ trợ (thức ăn, thiết bị nuôi, lồng bè, vật liệu mới), công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ…

Việt Nam tham vọng xuất khẩu sản phẩm nuôi biển đạt 2 tỷ USD- Ảnh 3.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại họp báo.

Hiện nay, nuôi biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển, nhằm đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển trong thế kỷ của biển và đại dương.

Để cụ thể hóa chiến lược này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1664/QĐ-TTg phê duyệt Đề án nuôi biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000ha, sản lượng 850.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 0,8 - 1 tỷ USD. Đến 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, sản lượng 1,45 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2 tỷ USD.

Định hướng phát triển ngành nuôi biển của nước ta thời gian tới là phát triển nuôi biển công nghiệp với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, phương thức quản lý hiện đại. Phát triển nuôi biển cả trong vùng ven bờ, trên vùng biển xa bờ, ngoài khơi xa và cả trên bờ, phát huy đa dạng sinh học của vùng nhiệt đới. Tích hợp nguồn lực kinh tế kỹ thuật các ngành dầu khí, đóng tàu, vận tải biển, cơ khí hệ sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững...

Tiềm năng, lợi thế cho việc phát triển nuôi biển của nước ta là có. Nhưng muốn bay xa, muốn tạo nên một hệ sinh thái phát triển mạnh mẽ, chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn cần phải được tháo gỡ, đặc biệt là về công nghệ và cơ chế chính sách trong cấp phép giao mặt biển.

Do đó, "Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh" được tổ chức với mục đích thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án 1664 về nuôi biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; Nhận diện tình hình nuôi biển trên thế giới và trong nước hiện nay; Triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch nuôi biển và các thủ tục đánh giá tác động môi trường, tháo gỡ khó khăn trong cấp phép, giao khu vực biển nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới.

Hội nghị cũng sẽ giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư phát triển nuôi biển theo hướng công nghiệp, hiện đại, đa giá trị, đồng thời tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để tổ chức phát triển bền vững nuôi biển tỉnh Quảng Ninh trong những năm tới. 

Một số hoạt động chính tại Hội nghị:

Sáng 31/3: Khảo sát khu bảo tồn biển Cô Tô - Đảo Trần, Trung tâm sản xuất giống nhuyễn thể Vân Đồn.

Chiều 31/3: Tham quan, chia sẻ kinh nghiệm mô hình nuôi biển và Lễ thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Ngày 1/4: Từ 7:15 - 11:30: "Hội nghị phát triển bền vững nuôi biển - Nhìn từ Quảng Ninh", tại Trung tâm Tổ chức Hội nghị tỉnh Quảng Ninh, đường Nguyễn Văn Cừ, phường Hồng Hà, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.