Ngày 26/3, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết, đã chỉ đạo UBND UBND huyện Hải Lăng, Triệu Phong và Gio Linh lấy ý kiến cử tri về phương án sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) đối với xã, thị trấn trên địa bàn. Việc lấy ý kiến cử tri dựa trên phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của tỉnh Quảng Trị.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng nhấn mạnh, lấy ý kiến cử tri là việc rất quan trọng, trong đó có việc đặt tên mới cho các xã sau khi sáp nhập. Tên của xã mới thành lập sau sáp nhập phải có ý nghĩa, phù hợp với nguyện vọng của cử tri.
Trong phương án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 của tỉnh Quảng Trị có việc nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong (có diện tích 17,65km2; dân số 4.625 người) với xã Triệu Lăng, huyện Triệu Phong (diện tích 12,9km2, dân số 5.555 người). Sau khi sáp nhập, 2 xã này có tên mới là xã Triệu Cơ.
Lý do đặt tên xã Triệu Cơ vì ngày 17/8/1950, Uỷ ban kháng chiến hành chính Liên khu IV quyết nghị hợp nhất 14 xã của huyện Triệu Phong thành 10 xã lớn. Theo đó, các thôn Phương Sơn, An Lưu, An Phú, Thượng Trạch, Đồng Bào, Văn Phong, Linh Chiểu (xã Triệu Sơn ngày nay), Gia Đẳng, Nhật Tân, Ba Lăng (xã Triệu Lăng ngày nay), Xuân Dương, Mỹ Khê, Tam Hữu, Ngô Xá Đông, Đạo Đầu, Ngô Xá Tây (xã Triệu Trung ngày nay), Tài Lương, An Trú (xã Triệu Tài ngày nay) được nhập lại và lấy tên gọi là xã Triệu Cơ.
Như vậy, lấy tên xã Triệu Cơ là phù hợp với lịch sử hình thành của các địa phương và phù hợp với quy định của Quốc hội.
Nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong (diện tích 10,66km2 và 3.694 người) với xã Triệu An, huyện Triệu Phong (diện tích 13,9Km2 và 8.382 người). Sau khi sáp nhập, 2 xã này có tên mới là xã Triệu Tân.
2 xã này cùng ở vùng bãi ngang ven biển, có nguồn gốc từ 1 xã trước đây (tháng 9/1981 mới tách ra thành 2 xã) nên phong tục, tập quán và ngành nghề sinh sống cơ bản giống nhau, cùng nằm trên trục đường khu kinh tế Đông Nam và phù hợp với quy hoạch xây dựng đô thị Nam Cửa Việt.
Phương án đặt tên Triệu Tân sau khi sáp nhập 2 xã này là giữ chữ Triệu đầu tiên như một nét riêng của các xã thuộc huyện Triệu Phong, còn Tân nghĩa là mới.
Nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số xã Linh Hải, huyện Gio Linh (diện tích 20,5Km2 với 2.924 người) với xã Gio Sơn, huyện Gio Linh (diện tích 14,05Km2, với 5.361 người). Tên gọi mới của 2 xã này sau khi sáp nhập là xã Gio Sơn.
Lý do đặt tên xã Gio Sơn là vì năm 1992, xã Gio Sơn được chia tách thành 3 xã Gio Sơn, Gio Hoà và Linh Hải. Giai đoạn 2019-2021, đã sáp nhập xã Gio Hoà với Gio Sơn và lấy tên xã là Gio Sơn. Nay sáp nhập thêm xã Linh Hải, và vẫn giữ tên xã Gio Sơn, phù hợp với lịch sử trước khi chưa chia tách.
Nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên, quy mô dân số xã Gio Việt, huyện Gio Linh (diện tích 3,57Km2, dân số 6.558 người) với thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh (diện tích 6,88Km2, dân số 6.211 người). Tên mới sau khi sáp nhập là thị trấn Cửa Việt. Việc lấy tên ĐVHC mới là thị trấn Cửa Việt để phù hợp với định hướng mở rộng đô thị này.
Nhập nguyên trạng diện tích tự nhiên và quy mô dân số xã Hải Quế (15,02Km2 với 4.625 người) với xã Hải Ba (diện tích 22,72Km2, dân số 6.557 người). Sau khi sáp nhập, 2 đơn vị này có tên xã Hải Bình.
Theo lịch sử Đảng bộ huyện Hải Lăng, từ tháng 9/1950, huyện này có 6 xã. Đến năm 1951, do địa bàn xã quá rộng, không đủ điều kiện quản lý, tổ chức cuộc kháng chiến, nên tỉnh chủ trương điều chỉnh lại quy mô thành 10 xã, trong đó có xã Hải Bình. Xã này có 14 thôn gồm Phú Hải, Phương Lang Đông, Phương Lang Tây, Ba Du, Cổ Luỹ, Đa Nghi, Hội Yên, Thi Ông, Thuận Nhơn, Lương Chánh, Thượng An, Thuận Đầu, Tân An và Mỹ Thuỷ. Như vậy, lấy tên xã Hải Bình sau khi sáp nhập phù hợp với lịch sử địa phương.
Sau khi sáp nhập, các ĐVHC mới đều đạt và vượt cả diện tích và quy mô dân số so với tiêu chuẩn.