Như Dân Việt đã thông tin, sau thất bại 0-3 trước đội khách Indonesia tối 26/3 vừa qua trên sân Mỹ Đình, HLV Philippe Troussier cùng VFF đã đạt thoả thuận chấm dứt hợp đồng trước thời hạn hơn hai năm.
VFF không mất tiền đền bù hợp đồng cho HLV Troussier mà chỉ hỗ trợ ông ba tháng lương (khoảng 180 nghìn USD tương đương khoảng 4,5 tỷ đồng).
Sau 1 năm, 1 tháng dẫn dắt đội U22 Việt Nam và ĐT Việt Nam, HLV Troussier theo đuổi triết lý kiểm soát bóng, đề cao khả năng pressing, tấn công, thay vì gia cố hàng thủ chắc chắn, chơi phòng ngự phản công chủ động với những "miếng đánh" sắc sảo như thời HLV Park Hang-seo.
Kết quả là U22 Việt Nam dừng bước tại bán kết SEA Games 32 khi để thua U22 Indonesia 2-3 ở những phút bù giờ cuối cùng. ĐT Việt Nam dừng bước ngay sau vòng bảng Asian Cup 2024 với ba trận toàn thua (thua Nhật Bản 2-4, thua Indonesia 0-1, thua Iraq 2-3). Tại vòng loại thứ hai World Cup 2026, ĐT Việt Nam được vỏn vẹn 3 điểm/4 trận, mất quyền tự quyết và rất khó "qua khe cửa hẹp" lọt vào vòng loại thứ ba World Cup 2026.
Thất bại trên mọi mặt trận của HLV Troussier khiến người hâm mộ đặt câu hỏi: Kiểm soát bóng có phù hợp với trình độ, tố chất cầu thủ Việt Nam? Kiểm soát bóng tốt hơn hay phòng ngự phản công thì tốt hơn cho bóng đá Việt Nam... (?!).
Về vấn đề này, trao đổi với Dân Việt, cựu HLV ĐT Việt Nam Hoàng Văn Phúc bày tỏ quan điểm: "Mỗi HLV đều có ý tưởng, triết lý riêng. Tôi cho rằng với thể trạng của người Việt Nam, chúng ta có thể chơi kiểm soát bóng, đó là xu thế bóng đá hiện đại.
Nhưng để làm được điều đó, bóng đá Việt Nam cần thêm nhiều thời gian, nhiều yếu tố phát triển đồng bộ như xây dựng cơ sở vật chất, đào tạo trẻ, bóng đá học đường...
V.League cần phải được cải thiện về chất, cầu thủ nhập tịch như cách Indonesia sử dụng cũng là xu thế thế giới và bóng đá Việt Nam cần dành sự quan tâm đặc biệt. Cầu thủ Việt Nam cũng cần xuất ngoại nhiều hơn để có thể khẳng định mình ở những nền bóng đá phát triển".
Lấy ví dụ về nền bóng đá Nhật Bản, HLV Hoàng Văn Phúc nói: "ĐT Nhật Bản có thể chơi kiểm soát bóng được như bây giờ là họ đã trải qua hơn 30 năm phát triển.
Trong quá khứ, rất nhiều ngôi sao bóng đá thế giới khi bước sang bên kia sườn dốc của sự nghiệp đã chọn J.League làm bến đỗ như huyền thoại bóng đá Brazil Zico, Gary Lineker, Dunga, Hristo StoichkovMichael Laudrup, Leonardo, Fredrik Ljungberg, Diego Forlan, Lukas Podolski, Iniesta...
Chất lượng giải vô địch quốc gia đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng một ĐTQG mạnh. Thời điểm này, nhiều cầu thủ ĐT Nhật Bản đã khẳng định được tên tuổi ở nhứng đội bóng lớn trên thế giới như Wataru Endo (Liverpool), Takumi Minamino (Monaco), Ayase Ueda (Feyenoord), Takefusa Kubo (Real Sociedad)...
Nhưng ngay cả khi ĐT Nhật Bản đá với những đội bóng lớn như Tây Ban Nha cũng không thể kiểm soát bóng được, vì mặt bằng trình độ cầu thủ Tây Ban Nha vẫn tốt hơn".
Từ phân tích ở trên, HLV Hoàng Văn Phúc nhìn nhận: "Bóng đá Việt Nam còn ở rất xa Nhật Bản. Vậy nên, chúng ta có thể chơi kiểm soát bóng nhưng cũng phải uyển chuyển, tuỳ thuộc đối thủ là ai. Có một điều chắc chắn nếu cứ phòng ngự thụ động, phá bóng thì không thể ghi bàn được, không thể thắng được.
Trong 5 năm được dẫn dắt bởi HLV Parrk Hang-seo, ĐT Việt Nam cũng có nhiều thời điểm chơi tấn công, kiểm soát bóng, phối hợp đẹp mắt dẫn tới các bàn thắng. ĐT Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo cũng lựa chọn thời điểm đá pressing tầm cao hoặc tầm trung (giữa sân), và tranh chấp quyết liệt, bọc lót kín kẽ khi bóng ở 1/3 sân nhà trước các đối thủ mạnh hơn", HLV Hoàng Văn Phúc gợi mở.
Cùng chung suy nghĩ của HLV Hoàng Văn Phúc, bình luận viên (BLV) Vũ Quang Huy chia sẻ: "HLV Troussier tới Việt Nam và mong muốn xây dựng được lối chơi kiểm soát bóng hiện đại nhưng chất lượng cầu thủ Việt Nam lúc này lại chưa tới. HLV Troussier mất nhiều công sức, thời gian để "uốn nắn" nhưng cũng chưa thể đáp ứng yêu cầu, đạt được kỳ vọng".
BLV Vũ Quang Huy cho rằng việc HLV Trousiser bám đuổi triết lý của mình một cách quá cứng nhắc, dành quá nhiều thời gian cho những thứ không thuận, khiến ông không làm được những mảng miếng quan trọng, thiết yếu khác ở cách tổ chức hệ thống phòng ngự cũng như tấn công.
"Tôi ví dụ một học sinh giỏi văn bây giờ lại bắt giỏi toán thì có khó và mất thời gian không? Nếu đúng sở trường, năng khiếu, học sinh học 1 biết 10, còn ngược lại thì rất nhọc nhằn cho cả thầy và trò.
Theo tôi, thất bại của HLV Troussier là một bài học quý cho bóng đá Việt Nam. Sau những thành công dưới thời HLV Park Hang-seo, có cảm giác chúng ta bay bổng, lãng mạn quá, nghĩ rằng cầu thủ của mình đã giỏi, muốn làm gì cũng được và nghĩ tới mục tiêu World Cup.
Sau đây, ĐT Việt Nam đã trở lại mặt đất, biết rõ mình đang đứng ở đâu. Thời gian tới, tôi nghĩ vai trò của Hội đồng HLV Quốc gia sẽ rất quan trọng khi tuyển chọn tân HLV cho ĐT Việt Nam. Chúng ta phải cho họ biết bóng đá Việt Nam đang phát triển ở mức độ nào, từ đó có định hướng mục tiêu một cách thiết thực chứ không mông lung.
Con người của bóng đá Việt Nam lúc này chỉ có thế thôi. Triết lý, chiến thuật gì thì cũng phải phụ thuộc vào yếu tố con người.
HLV phải biết sử dụng con người sao cho phát huy hết điểm mạnh của họ", BLV Quang Huy nhấn mạnh.
Về phần mình, cựu tuyển thủ Lê Quốc Vượng - người hiện đang là trợ lý HLV đội bóng Hồng Lĩnh Hà Tĩnh tại V.League thể hiện quan điểm:
"Tôi nghĩ ngay cả HLV Pep Guardiola lúc này tới dẫn dắt ĐT Việt Nam cũng không thể xây dựng lối chơi kiểm soát bóng, đá áp đặt đối thủ như Barca và Man City được.
Ai cũng có lòng tự hào, tự tôn dân tộc nhưng phải thừa nhận trình độ bóng đá Việt Nam vẫn còn ở mức thấp so với các nền bóng đá hàng đầu châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc...
HLV Troussier đã muốn thay đổi tư duy chơi bóng của bóng đá Việt Nam nghĩa là cầu thủ ra sân di chuyển nhiều, phối hợp để "chơi bóng" chứ không phải "phá bóng". Tôi nghĩ điều đó là đúng, là xu thế bóng đá hiện đại".
Nhìn nhận rõ mặt tích cực mà HLV Troussier đã mang tới, cựu tuyển thủ Quốc Vượng cũng thẳng thắn bộc bạch: "Kiểm soát bóng cũng phải tuỳ từng đối thủ, từng thời điểm. Trong hơn 20 năm qua, tôi thấy trên thế giới chỉ có Brazil (vô địch World Cup 2002), Tây Ban Nha (2010), Đức (2014) là chơi kiểm soát bóng lấn lướt đối thủ (tỷ lệ khoảng 60% - 40%) vì họ quá mạnh.
Vậy thì khi đá với đội mạnh hơn, trình độ cầu thủ cao hơn thì bóng phải ở trong chân họ, chúng ta kiểm soát bóng thế nào được?
Cho nên phải tuỳ thuộc vào con người mà mình hiện có để đưa ra đấu pháp, lối chơi phù hợp với mỗi đối thủ. Muốn chơi được như cách HLV Troussier mong muốn, tôi nghĩ ĐT Việt Nam cần một thời gian dài, ngay cả 5-7 năm nữa cũng khó chơi được như vậy.
Khi ấy, chất lượng cầu thủ phải cao, đồng đều. Chất lượng V.League quyết định rất nhiều chất lượng ĐT Việt Nam".