Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ngày 27/2/2023 là một trong những mốc son trong lịch sử bóng đá Việt Nam khi VFF ký hợp đồng có thời hạn "kỷ lục" gần 3,5 năm (từ 1/3/2023 đến 31/7/2026) đối với HLV người Pháp Philippe Troussier.
HLV Troussier được cho là nhận mức lương khoảng 60 nghìn USD/tháng (gần 1,5 tỷ đồng) với nhiệm vụ quan trọng nhất là giúp ĐT Việt Nam hiện thực hoá giấc mơ dự World Cup 2026, hoặc chí ít là lọt tới vòng loại cuối World Cup 2026 như cách HLV tiền nhiệm Park Hang-seo từng làm được tại vòng loại World Cup 2022, tạo đà cho bước tiến giành vé dự VCK World Cup 2030.
Ngay khi nhận "ấn kiếm", HLV Troussier đã tuyên bố: "Trong sự nghiệp của mình, tôi từng dẫn dắt 8 ĐTQG trên thế giới, tham dự các giải đấu quốc tế như vô địch châu Âu, châu Á, châu Phi…World Cup, trải qua 200 trận.
Vị trí HLV trưởng đội tuyển Việt Nam là thử thách lớn nhưng tôi sẽ dùng kinh nghiệm của mình để đưa ĐT Việt Nam lên tầm cao mới. Con đường phía trước chắc chắn không bằng phẳng, nhưng khi số đội dự World Cup 2026 mở thêm (48 đội thay vì 32 như trước đây và châu Á có 8,5 suất – PV) thì đó là cơ hội của bóng đá Việt Nam".
Thời điểm cách đây một năm, có những cơ sở để VFF, Hội đồng HLV QG, giới truyền thông, người hâm mộ đặt niềm tin, hy vọng vào HLV Troussier.
Về danh tiếng, HLV Troussier với mệnh danh "phù thủy trắng" từng dẫn dắt Nam Phi dự World Cup 1998, cùng U20 Nhật Bản giành ngôi á quân U20 World Cup 1999, giúp ĐT Nhật Bản vô địch Asian Cup 2000 và đặt mốc son lọt tới vòng 1/8 World Cup 2002.
Một điểm nhấn nữa trong "lý lịch" của HLV Troussier là ông rất hiểu bóng đá Việt Nam khi làm Giám đốc Kỹ thuật Trung tâm đào tạo bóng đá PVF từ tháng 3/2018.
Trong giai đoạn 2019-2021, ông dẫn dắt U19 Việt Nam giành vé dự VCK U19 châu Á 2020. Nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, giải đấu này bị hủy. Ông Troussier sau đó vẫn đi xem các giải V.League, hạng Nhất, hạng Nhì, U21, U19 quốc gia... để xây dựng lực lượng trẻ kế cận cho bóng đá Việt Nam.
Chi tiết bên lề khẳng định ông Troussier rất yêu đất nước, con người và thích môi trường làm việc tại Việt Nam khi ông từng từ chối lời mời dẫn dắt một đội bóng châu Phi với mức lương 300 nghìn USD/tháng (khoảng 7,5 tỷ đồng).
Nhưng kỳ vọng bao nhiêu, sự thất vọng lại lớn bấy nhiêu và nỗi buồn cứ tăng dần lên theo thời gian HLV Troussier dẫn dắt U22 Việt Nam và ĐT Việt Nam.
Giải đấu chính thức đầu tiên của HLV Troussier là SEA Games 32 và ông lập tức không hoàn thành mục tiêu vào chung kết khi U22 Việt Nam thua đau U22 Indonesia 2-3 ở bán kết. Cần nhớ, trước đó, U22 Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo đã hai lần liên tiếp vô địch SEA Games 30, SEA Games 31 và U22 Indonesia không "có cửa" khi gặp Việt Nam.
Tới VCK Asian Cup 2024, HLV Troussier cùng các học trò một lần nữa không thể hoàn thành mục tiêu có mặt tại vòng knock-out khi bị loại ngay sau vòng bảng với 3 trận toàn thua (thua Nhật Bản 2-4, thua Indonesia 0-1 và thua Iraq 2-3). Cần nhớ, kỳ Asian Cup 2019 trước đó, ĐT Việt Nam dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo đã vào tới tứ kết, tái lập thành tích mà cố HLV Alfred Riedl từng làm được cùng ĐT Việt Nam tại Asian Cup 2007.
Điều khiến người hâm mộ buồn nhất là kết quả thua Indonesia 0-1 là trận thua đầu tiên của ĐT Việt Nam sau hơn 7 năm (trận thua gần nhất trước đó của ĐT Việt Nam trước Indonesia là với tỷ số 1-2 ở trận bán kết lượt đi AFF Cup 2016).
Những người lạc quan tiếp tục bày tỏ sự kiên nhẫn với HLV Troussier và hy vọng ĐT Việt Nam sẽ có màn "trả nợ" khi làm khách của Indonesia ở trận lượt đi bảng F vòng loại thứ hai World Cup 2026 tối 21/3. Nhưng một lần nữa, ĐT Việt Nam lại thua sát nút 0-1 trong 90 phút không có nổi một cú dứt điểm trúng khung thành đối phương!
Công bằng mà nói, các cầu thủ Indonesia chơi hay hơn. Họ tuân thủ đấu pháp, cầu thủ khỏe và có kỹ thuật.
Và tối 26/3 vừa qua, "giọt nước tràn ly" đã xuất hiện khi HLV Troussier cùng ĐT Việt Nam thua trắng Indonesia 0-3 ngay trên sân Mỹ Đình, khiến tấm vé dự vòng loại thứ ba World Cup trở nên rất xa vời, chứ đừng nói tới chuyện hiện thực hoá giấc mơ dự VCK World Cup 2026.
Theo số liệu thống kê, trong hơn một năm dẫn dắt ĐT Việt Nam, HLV Troussier đã trải qua 14 trận đấu, thua 10, thắng 4.
3/4 trận thắng là các trận giao hữu khi ông mới tới Việt Nam (thắng Hong Kong-Trung Quốc, Syria cùng tỷ số 1-0, thắng Palestine 2-0). Trận thắng còn lại là vượt qua chủ nhà Philippines 2-0 ở trận ra quân bảng F vòng loại thứ hai World Cup 2026.
Kể từ sau trận thắng chủ nhà Philippines 2-0 ở trận ra quân bảng F vòng loại thứ hai World Cup 2026, ĐT Việt Nam dưới sự "chèo lái" của HLV Troussier đã trải qua 7 trận liên tiếp toàn thua, trong đó 6 trận ở các giải đấu chính thức!
Lần gần nhất ĐT Việt Nam nằm ngoài tốp 100 thế giới là tháng 10/2018, khi đó ĐT Việt Nam xếp thứ 102.
Nhưng sau đó, với chu kỳ 5 năm thành công dưới thời HLV Park Hang-seo, ĐT Việt Nam luôn có mặt trong tốp 100 thế giới và số 1 Đông Nam Á. Nhưng sau thất bại Asian Cup 2024, ĐT Việt Nam đã tụt 11 bậc, từ 94 xuống 105 thế giới. Sau hai trận thua liên tiếp trước Indonesia tại vòng loại thứ hai World Cup, ĐT Việt Nam tiếp tục rớt hạng xuống 115 thế giới – Đây là vị trí thấp nhất của bóng đá Việt Nam kể từ tháng 11/2017 – thời điểm HLV Park Hang-seo mới tới Việt Nam và chưa có trận ra mắt.
Ngay từ những bước đi đầu tiên xây dựng đội U22 và ĐT Việt Nam, HLV Troussier đã muốn khẳng định cho tất cả thấy ông có triết lý bóng đá hoàn toàn khác so với người tiền nhiệm đã rất thành công cùng bóng đá Việt Nam là HLV Park Hang-seo.
Nếu như HLV Park Hang-seo xây dựng đội bóng dựa trên nền tảng từ hàng thủ: "Nếu hàng thủ giữ sạch lưới thì chúng ta chỉ cần ghi 1 bàn là chiến thắng. Còn nếu để thủng lưới thì dù hàng công ghi 2-3 bàn cũng chưa chắc thắng!"; thì HLV Troussier quan niệm ngược lại, đề cao hàng công: "Khi chúng tôi lên bóng tấn công, đội hình được mở rộng và đương nhiên xuất hiện những khoảng trống. Chúng tôi có thể để thua 1 bàn nhưng sẽ ghi 2 bàn. Các bạn thấy các trận đấu ở giải Ngoại hạng Anh vẫn thường có tỷ số cao 3-2, 4-3…", HLV Troussier tự tin đáp khi phóng viên hỏi về việc U22 Việt Nam thường xuyên bị "xé lưới" ở SEA Games 32, ngay cả khi giành trọn 3 điểm trước các đối thủ "cửa dưới" như U22 Singapore.
ĐT Việt Nam của HLV Troussier đã thất bại 3 trận liên tiếp...
Thực tế, dấu ấn lớn nhất của HLV Troussier trong hơn một năm dẫn dắt ĐT Việt Nam chính là ở trận đấu ĐT Việt Nam ghi được 2 bàn thắng trong trận thua ĐT Nhật Bản 2-4. Đó là trận đấu hàng công ĐT Việt Nam hoạt động tương đối hiệu quả với hai bàn thắng của Đình Bắc và Tuấn Hải, còn hàng thủ không đáp ứng được kỳ vọng.
Dưới thời HLV Troussier, có thể nhận thấy rõ hàng công thì chưa "sắc", còn hàng thủ vốn là điểm mạnh dưới thời HLV Park Hang-seo bỗng trở nên chệch choạc, lộ ra rất nhiều hạn chế để đối phương khai thác.
Trước khi HLV Troussier tới, HLV Shin Tae-yong chỉ toàn hoà và thua khi dẫn dắt U22 Indonesia, ĐTQG Indonesia đối đầu Việt Nam do HLV Park Hang-seo cầm quân.
Nhưng lúc này, HLV Shin Tae-yong đã có 4 trận thắng liên tiếp trước U22 Việt Nam (bán kết SEA Games) và ĐT Việt Nam (1 trận tại vòng bảng Asian Cup 2024 và hai trận tại vòng loại thứ hai World Cup 2024).
Indonesia có thể ghi bàn vào lưới ĐT Việt Nam từ mọi tình huống: ném biên, đá phạt góc, đột phá "như chỗ không người" xâm nhập vòng cấm ghi bàn… Có cảm giác chưa bao giờ hàng thủ ĐT Việt Nam lại mong manh đến vậy!
Dưới thời HLV Troussier, các chuyên gia cùng có chung nhận định ông gặp vấn đề về cách sử dụng con người và khả năng thay người khi đối mặt với những tình huống khó trên sân.
Cựu HLV ĐT Việt Nam Hoàng Văn Phúc nhìn nhận thẳng khi trao đổi với Dân Việt đêm 26/3: "HLV có triết lý gì đi nữa thì cũng phải biết phát huy hết thế mạnh sở trường của cầu thủ. Tôi ví dụ Hoàng Đức giành Quả bóng vàng Việt Nam 2023 khi chơi tiền vệ trung tâm, thiên về "làm bóng", kiến tạo; hoặc có thể đá hộ công ngay sau tiền đạo mũi nhọn khi khoác áo Thể Công Viettel.
Nhưng khi đá với Indonesia, HLV Troussier lại dùng Hoàng Đức ở vị trí tiền đạo cánh, thậm chí đẩy lên đá trung phong khi Tiến Linh rời sân, vậy thì làm sao Hoàng Đức phát huy được?!".
Ở một góc khác, chia sẻ với ý kiến của HLV Hoàng Văn Phúc, cựu danh thủ, HLV Phạm Minh Đức khi bình luận trên VTV5 cũng cảm thấy khó hiểu khi HLV Troussier không đưa Quang Hải vào sân khi ĐT Việt Nam đang thua 0-2, mà lại dùng Minh Trọng cho sự thay đổi người cuối cùng thế chỗ Văn Khang bị đau (?!).
Gạt sang bên tất cả, HLV Troussier khẳng định ông là HLV và ông có lý do khi sắp xếp đội hình xuất phát và đưa ra những quyết định thay người.
Con số mà HLV Trousssier đưa ra tại cuộc họp báo sau trận thua Indonesia 0-3 khiến không ít người ngỡ ngàng: "Đội tuyển có 25 cầu thủ (thực tế ông chốt danh sách 28 cầu thủ thi đấu hai trận gặp Indonesia, mỗi trận sẽ loại 5 cầu thủ để đăng ký danh sách thi đấu gồm 23 người – PV) có 10 người không thể lựa chọn (Vì sao vậy?! – PV)".
Cũng liên quan tới những con số, trong cuộc họp báo trước trận lượt về với Indonesia, HLV Troussier đã nói tới tỷ lệ 60-40: "Với kinh nghiệm huấn luyện một đời của tôi, tôi đã truyền đạt hết cho các cầu thủ.
Nhưng sự chuẩn bị kỹ lưỡng chỉ chiếm 60% thôi. 40% còn lại phụ thuộc vào những gì các cầu thủ thể hiện trên sân. Những quyết định thực sự chính xác mới mang tới kết quả. Các cầu thủ phải hiểu điều đó, tôi không thể vào sân đá thay họ được".
Xa hơn một chút, trước trận lượt đi làm khách của Indonesia trên sân Bung Karno tối 21/3, HLV Troussier phát biểu gây "sốc":
"Tôi nghĩ ở Việt Nam có nhiều người hâm mộ, có lẽ rơi vào khoảng 80% trông chờ kết quả và nghĩ khi nào VFF sẽ sa thải tôi. Họ mong chờ khi nào tôi sẽ là người bị thay thế. Nhiều người ngồi ở đây (chỉ các phóng viên – PV) cũng nghĩ như thế".
Phát biểu này của HLV Troussier đã trở thành chủ đề bàn tán trên mạng xã hội và một lãnh đạo VFF còn nói vui là sau này khi ký hợp đồng với HLV ĐT Việt Nam phải đưa vào hợp đồng điều khoản: "Không được dùng mạng xã hội!".
Về triết lý kiểm soát bóng hiện đại mà HLV Troussier xây dựng ở ĐT Việt Nam với hy vọng đưa ĐT Việt Nam vươn tầm châu lục, tiệm cận trình độ thế giới, ông đã nhiều lần thừa nhận: "Các cầu thủ chỉ có thể chơi bóng với cường độ cao trong khoảng 60-70 phút thi đấu trước những đội tốp đầu châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc, Iraq… Những sự thay đổi người của tôi không vì mục đích chiến thuật mà do các cầu thủ đã quá mệt mỏi, bị đau, không thể tiếp tục trận đấu".
Câu hỏi đặt ra là tại sao HLV Troussier vẫn không chịu thay đổi, điều chỉnh lối chơi khi biết rõ thể chất của các học trò chỉ có thể chơi được 2/3 thời gian thi đấu (?!).
Và khi HLV Troussier kiên quyết không thay đổi về triết lý, lối chơi, thì ở bước cuối cùng, ông đã thể hiện thiện chí khi tìm được sự đồng thuận với VFF về việc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn ngay trong đêm 26/3.
Trong quyết định cuối cùng của HLV Troussier, không có con số nào được đưa ra. VFF đã khẳng định không mất chi phí đền bù hợp đồng cho HLV Troussier mà chỉ hỗ trợ 3 tháng lương do hai bên đã có điều khoản thoả thuận chấm dứt hợp đồng ở những trường hợp cụ thể trong bản hợp đồng đã ký hồi cuối tháng 2/2023.
Với HLV Troussier, ĐT Việt Nam đã có cơ hội trải nghiệm lối chơi kiểm soát bóng hiện đại và đã cho ra đáp án: ĐT Việt Nam vẫn chưa hội đủ các yếu tố để thực hiện triết lý này.
Với thất bại của HLV Troussier, trong tương lai, bóng đá Việt Nam còn rất nhiều việc phải hoàn thiện nếu muốn hiện thực hoá giấc mơ World Cup vào năm 2030. HLV Troussier chỉ rõ ba cách để nâng tầm một nền bóng đá. Thứ 1 là tập trung vào cơ sở vật chất, sân bãi, đào tạo trẻ, nâng chất các giải bóng đá trong nước mà cụ thể ở đây là V.League. Thứ 2, bóng đá Việt Nam cần có nhiều cầu thủ xuất ngoại chơi bóng ở nước ngoài. Thứ 3, việc nhập tịch những cầu thủ có mang dòng máu Việt Nam như thủ môn Nguyễn Filip, Đặng Văn Lâm cũng là phương án phải tính tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.