Theo The Herald, một cuộc khảo sát được thực hiện bởi các công ty mai mối địa phương tại Hàn Quốc đã chỉ ra rằng, đàn ông và phụ nữ đã từng trải qua ly hôn có những cách hiểu khác nhau về việc "đụng chạm cơ thể" trong các mối quan hệ mới.
Hai công ty Only U và Bien-Alle đã khảo sát 516 đối tượng mong muốn tái hôn về quan điểm của họ với sự "đụng chạm cơ thể" mang ý nghĩa lãng mạn ra sao trong giai đoạn đầu của mối quan hệ mới. Nói chung, kết quả khảo sát cho thấy phụ nữ có xu hướng xem trọng ý nghĩa của sự thân mật về thể xác hơn nam giới.
Khi được hỏi về ý nghĩa của việc có sự thân mật trong giai đoạn đầu của mối quan hệ, tỷ lệ nam giới trả lời cao nhất (29.1%) cho rằng điều đó “khiến các cặp đôi trở nên gần gũi hơn”. Trong khi đó, 29.8% phụ nữ lại cho rằng đây là “một cách biểu lộ tình cảm".
Về câu hỏi thời điểm phù hợp để bắt đầu thể hiện sự thân mật thông qua tiếp xúc cơ thể, 34.1% nam giới chọn “khi giao tiếp không còn giữ các nghi thức xã giao”, tiếp đó 33.3% chọn “khi cảm thấy sự kết nối tinh thần”. Với phụ nữ, 38% chọn “khi cảm thấy sự kết nối tinh thần”, 28.3% lại cho rằng sự giao tiếp bình thường đã là điều kiện phù hợp.
Khảo sát cũng chỉ ra rằng cả hai giới đều có những lo ngại khác nhau về sự thân mật cơ thể. Đối với nam giới, tỷ lệ cao nhất (33.7%) trong câu trả lời “nỗi sợ lớn nhất liên quan đến việc thân mật” là việc “bị từ chối”. Phụ nữ thì khác, 34.1% lo ngại rằng họ “có thể bị đánh giá dễ dãi”.
“Việc vội vàng trong việc đụng chạm mà thiếu cân nhắc đến cảm nhận của đối phương có thể dẫn đến những hiểu lầm không mong muốn. Cách tiếp cận thận trọng sẽ tốt hơn", ông Son Dong-gyu, Giám đốc công ty Only You, nhận định.
Trong một nghiên cứu khác, cho thấy phụ nữ có xu hướng gặp phải nhiều khó khăn về sức khỏe tâm thần hơn nam giới khi trải qua ly hôn hoặc chia tay sau độ tuổi 50.
Nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dịch tễ học & Sức khỏe Cộng đồng (Journal of Epidemiology & Community Health) đã so sánh việc sử dụng thuốc chống trầm cảm ở nam và nữ trong và sau các giai đoạn chia ly khác nhau, bao gồm tử vong của bạn đời, ly hôn hoặc chia tay khi chưa kết hôn.
Các nhà nghiên cứu đặc biệt nhận thấy rằng phụ nữ có mức tăng sử dụng thuốc chống trầm cảm cao hơn nam giới trước khi ly hôn hoặc chia tay và họ cũng giảm mức sử dụng thuốc ít hơn sau khi bắt đầu một mối quan hệ mới.
"Kết quả của chúng tôi cho thấy tác động tiêu cực của ly hôn đến sức khỏe tâm thần nặng nề hơn ở phụ nữ, trong khi tác động tích cực của việc tìm được nửa kia mới lại ít rõ rệt hơn", theo Niina Metsa-Simola, giảng viên tại Đại học Helsinki và đồng tác giả đầu tiên của nghiên cứu.
Cô lưu ý rằng có thể phụ nữ chủ động tìm kiếm sự trợ giúp cho các vấn đề sức khỏe tâm thần của bản thân nhiều hơn nam giới, với việc phụ nữ sử dụng thuốc chống trầm cảm thường xuyên hơn nam giới.
Các nhà nghiên cứu đã xem xét dữ liệu về tất cả cư dân thường trú ở Phần Lan từ năm 1996 đến năm 2018 và theo dõi những cá nhân đã trải qua kết thúc mối quan hệ do mất đi người bạn đời, ly hôn hoặc chia tay trong khoảng thời gian từ 2000 đến 2014 ở độ tuổi từ 50 đến 70. Tổng cộng có hơn 220.000 người được đưa vào nghiên cứu.
Những người chia tay bạn đời sống chung mà chưa kết hôn có nhiều khả năng tìm được nửa kia mới hơn. Trong khi những người ly hôn thường bắt đầu các mối quan hệ mới hơn những người phải chịu cảnh góa bụa.
Một chi tiết khác cần chú ý là người già sau khi ly hôn chủ động trong việc tìm kiếm một mối quan hệ mới đang trở nên phổ biến hơn khi dân số già đi trên toàn cầu.
Nhìn chung, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trong 4 năm trước khi kết thúc mối quan hệ, việc sử dụng thuốc chống trầm cảm tăng ở cả hai giới và tăng nhanh hơn sau khi đối mặt với sự qua đời của bạn đời, ly hôn hoặc chia tay.
Những cuộc chia ly sau tuổi 50 này có liên quan đến mức tăng 3 đến 7% trong việc sử dụng thuốc chống trầm cảm. Mức tăng này cao hơn ở phụ nữ trước khi ly hôn hoặc chia tay, và họ cũng ít giảm sử dụng thuốc hơn ngay cả khi xây dựng mối quan hệ mới.
Người ta cho rằng ly hôn có "tác động kinh tế lớn hơn đến phụ nữ so với nam giới, và mặc dù chúng tôi đã tính đến những thay đổi về thu nhập và quyền sở hữu nhà, điều này có thể không phản ánh đầy đủ những thay đổi về điều kiện sống hoặc khó khăn kinh tế sau chia tay", Metsä- Simola giải thích.
"Hơn nữa, việc sử dụng thuốc chống trầm cảm nói chung phổ biến ở phụ nữ hơn nam giới, và do đó, phụ nữ có thể có nhiều khả năng tiếp tục sử dụng thuốc chống trầm cảm ngay cả khi cú sốc ban đầu của việc chia tay đã qua đi", cô nói thêm.
Một hạn chế của nghiên cứu là họ không xem xét số lượng hoặc khoảng thời gian các các mối quan hệ trong quá khứ của người tham gia.
Một nghiên cứu năm 2018 phân tích 18.000 người ở Đức cho thấy có sự tương đồng giữa phụ nữ và nam giới về các hậu quả xã hội sau ly hôn, nhưng một lĩnh vực chính có sự khác biệt là "sự mất mát không cân xứng về thu nhập hộ gia đình của phụ nữ và rủi ro đói nghèo cũng như làm cha/mẹ đơn thân tăng cao".