Những lý do nào khiến 70% vụ ly hôn ở Việt Nam là do phụ nữ đệ đơn?

Gia Khiêm Thứ năm, ngày 11/01/2024 06:38 AM (GMT+7)
Chia sẻ với PV Dân Việt, bác sĩ Mai Xuân Phương, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng Cục Dân số (nay là Cục Dân số, Bộ Y tế) đã chỉ rõ, tỉ lệ ly hôn ngày càng tăng, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ, cho thấy sự mất ổn định, thiếu bền vững của các gia đình Việt Nam hiện nay.
Bình luận 0

Nguyên nhân nào khiến các cặp vợ chồng tan vỡ trong hôn nhân dẫn đến ly hôn?

Năm 2022, góp ý vào dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), đại biểu Hà Thị Nga - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nhận thấy, bạo lực gia đình là nguyên nhân chính của trên 76% số vụ ly hôn trong 10 năm qua, đặc biệt trong hơn 2 năm dịch bệnh Covid-19.

Số vụ việc bạo lực gia đình có xu hướng tăng lên với mức độ nghiêm trọng hơn và là nguyên nhân sâu xa dẫn đến một số vụ án mạng xảy ra trong thời gian gần đây. Theo báo cáo của tòa án, trung bình hàng năm Việt Nam có 600.000 vụ ly hôn, có tới 70% vụ ly hôn do người phụ nữ đệ đơn.

Những lý do nào khiến 70% vụ ly hôn ở Việt Nam là do phụ nữ đệ đơn?- Ảnh 1.

Theo báo cáo của tòa án, trung bình hàng năm Việt Nam có 600.000 vụ ly hôn, có tới 70% vụ ly hôn do người phụ nữ đệ đơn. Ảnh minh họa: Londonmumsmagazine

Trong số các cặp đôi ly hôn, 70% số vụ thuộc về các gia đình trẻ trong độ tuổi từ 18-30, 60% ly hôn sau từ 1-5 năm chung sống, nhiều trường hợp chỉ kết hôn được vài tháng hoặc vài ngày. Vậy vì sao tỉ lệ ly hôn lại ngày một gia tăng, năm sau cao hơn năm trước?

Chia sẻ với PV Dân Việt, bác sĩ Mai Xuân Phương, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng Cục Dân số (nay là Cục Dân số, Bộ Y tế) cho biết, những năm gần đây tỷ lệ các cặp vợ chồng ly hôn ngày càng gia tăng, năm sau nhiều hơn năm trước. Nguyên nhân cội nguồn sâu xa nhất hiện nay chính là bạo lực gia đình mà phụ nữ là người phải chịu hậu quả nhiều nhất.

Ông Phương chỉ rõ, bạo lực gia đình hiện có 4 nhóm gồm: bạo lực tinh thần, thể xác, kinh tế và tình dục. Một số nguyên nhân khác đó là cặp vợ chồng trẻ thiếu kỹ năng sống, văn hoá ứng xử, kỹ năng giao tiếp của lớp trẻ hiện nay đang có rất nhiều vấn đề bất cập. Họ bước vào cuộc sống hôn nhân khi tuổi còn quá trẻ nên cả về tâm lý, kinh tế, sức khoẻ như họ không chịu tìm hiểu hoặc không hiểu biết cuộc sống này, đề cao cái tôi quá lớn…

Những lý do nào khiến 70% vụ ly hôn ở Việt Nam là do phụ nữ đệ đơn?- Ảnh 2.

Bác sĩ Mai Xuân Phương, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục, Tổng Cục Dân số (nay là Cục Dân số, Bộ Y tế cho biết, cặp vợ chồng ly hôn ngày càng gia tăng, năm sau nhiều hơn năm trước. Ảnh: NVCC

"Gia đình hiện nay xu thế hướng ngoại nhiều hơn hướng nội khiến phần lớn các cặp vợ chồng trẻ hay nảy sinh mâu thuẫn ngay thời gian đầu mới sống bên nhau. Có thể nói trong bối cảnh hiện nay khi tình hình thiên tai, dịch bệnh, kinh tế đang bước giai đoạn hết sức khó khăn, nghề nghiệp của các bạn trẻ không ổn định, thu nhập bấp bênh… 

Chính vì thế khi sinh con, vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn cũng bắt đầu từ đây nên không tập trung đồng thuận xây dựng kinh tế để có cách nhìn tích cực nuôi dạy con cái. Rất nhiều cặp vợ chồng đã đồng thuận ly hôn khi không có tài sản chung", ông Phương nói.

Lý giải về việc 70% vụ ly hôn là do phụ nữ đệ đơn, ông Phương chỉ ra, có lẽ do người phụ nữ phải chịu hậu hoạ nhiều nhất đó là bạo lực cả thể xác lẫn tinh thần, tiếp đó mới là kinh tế và đời sống tình dục.

Những lý do nào khiến 70% vụ ly hôn ở Việt Nam là do phụ nữ đệ đơn?- Ảnh 3.

Nhiều cặp vợ chồng nhanh chóng tan vỡ sau thời gian ngắn kết hôn. Ảnh minh hoạ: AF

"Có thể nói, các bạn trẻ đang rất đơn giản hoá việc hôn nhân, đơn giản hoá cả việc kết hôn dẫn đến đơn giản cả việc ly hôn. Các bạn trẻ ngày nay có điều kỳ lạ là trong một buổi đi chơi họ cảm mến nhau rất nhanh, 'cảm nắng' rất nhanh và họ chia tay cũng rất nhanh. Hiện nay trên truyền hình cũng chiếu hàng loạt bộ phim gắn liền với đời sống thực tế. Cái mà tôi muốn đề cập rất lớn đó là vấn đề ngoại tình khá phổ biến 'ông ăn chả, bà ăn nem', không chỉ cả nam giới mà nữ giới nữa", ông Phương chia sẻ.

Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục chỉ rõ, ngoại tình có rất nhiều lý do như sự thuỷ chung của hai vợ chồng lung lay do cãi vã, lạnh nhạt, bất ổn. Khi phát hiện người bạn đời của mình có mối quan hệ mờ ám lập tức người kia buồn chán, thấp thỏm kèm theo ghen tuông, thiếu xây dựng, thiếu tỉnh táo, thuê mượn thám tử, đánh ghen… rất nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra, thậm chí có thể xảy ra án mạng.

Làm sao giữ được hạnh phúc gia đình?

Ông Phương cũng nêu, Luật Bình đẳng giới đã vào cuộc sống đến nay hơn 16 năm, thể hiện ngày càng rõ nét. Hiện vẫn có nhiều tư tưởng bắt chị em phải "giỏi việc nước, đảm việc nhà". Ông cho rằng, làm sao có được điều này nếu không có sự san sẻ, sẻ chia của người đàn ông. Tư tưởng như vậy không đánh giá được vai trò người chồng, người cha trong gia đình. Vì vậy việc bất bình đẳng trong đời sống vợ chồng hiện nay thể hiện khá rõ, bạo lực trên cơ sở giới cũng rất rõ, nhạy cảm giới.

Những lý do nào khiến 70% vụ ly hôn ở Việt Nam là do phụ nữ đệ đơn?- Ảnh 4.

Ông Phương cho rằng, cuộc sống hôn nhân các cặp vợ chồng hiện nay phải nhận rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng gia đình, phải biết yêu thương, tôn trọng nhau, lắng nghe, chia sẻ, bảo vệ, nhường nhịn nhau. Ảnh: NVCC

"Điều tôi cũng muốn đề cập đó là nghệ thuật chăn gối trong các cặp vợ chồng hiện nay chưa được coi trọng… Thế hệ trẻ hiện nay kết hôn sớm, tuổi còn quá trẻ chưa được trang bị đầy đủ cả về tinh thần lẫn thể chất. Chính vì vậy khi bước vào hôn nhân họ chưa đủ khả năng để phân biệt đâu là cuộc sống sau khi kết hôn nên đa số bạn trẻ đề cao quá bản thân, yêu bản thân thái quá nhưng không động viên, không thấu hiểu người bạn đời của mình. Chính từ lẽ đó hôn nhân được xây dựng không dựa trên cơ sở tình yêu sẽ dẫn tới rạn vỡ. Hôn nhân phải từ tình yêu và hơn thế nữa là sự đồng cảm, thấu hiểu, chia sẻ, quan tâm, chăm sóc, bảo vệ, tôn trọng, yêu thương lẫn nhau", ông Phương nhấn mạnh.

Ngoài ra, sau 3 năm đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế, cuộc sông của nhiều người. Có thời điểm kinh tế gặp nhiều khó khăn, hàng hoá ứ đọng. Mọi người trải qua những ngày dừng tất cả các hoạt động trừ hoạt động thiết yếu…

Những lý do nào khiến 70% vụ ly hôn ở Việt Nam là do phụ nữ đệ đơn?- Ảnh 5.

Cha mẹ ly hôn con cái là người chịu nhiều tổn thương nhất. Ảnh: A.F

"Thời điểm đó nhiều người vẫn hay nói vui 'ra đường thì dính dịch mà ở nhà thì dính bầu'. Tỉ lệ sinh con thứ 3 trong và sau đại dịch gia tăng, tâm lý về mặt thể chất trong giải đoạn này là điều rất bất ổn. Nghiêm trọng hơn, giai đoạn hậu Covid-19 trầm cảm, không thu nhập, doanh nghiệp khó khăn dẫn đến gánh nặng về mâu thuẫn, tiền bạc đã đi đến cao trào. Gia đình không còn là chỗ dựa duy nhất, vợ chồng còn phải chia sẻ gánh nặng cho con, tâm sự, quan tâm nhau… Nếu không có sự sẻ chia đương nhiên sẽ đổ vỡ", ông Phương nói.

Từ những nguyên nhân trên, ông Phương cho rằng, cần nâng chất lượng giáo dục gia đình cũng như nhà trường, xã hội và đặc biệt là thế hệ trẻ hiện nay. Trong thế thệ trẻ không thể xem nhẹ vai trò của ông bố, bà mẹ đối với con trẻ, giáo dục về đạo đức, lối sống, nhân cách để họ nâng cao nhận thức. Các cặp vợ chồng trẻ cần phải tăng cường học hỏi, tham vấn về kiến thức, trước khi kết hôn phải có kiến thức về việc này. Đặc biệt hơn nữa đó là vấn đề giao tiếp, đối nhân xử thế trong gia đình.

"Có thể nói đây là vấn đề tôi rất coi trọng. Bên cạnh đó, trước khi kết hôn cần trang bị kiến thức, kỹ năng tổ chức gia đình, nghề nghiệp, thu nhập… Cuộc sống hôn nhân các cặp vợ chồng hiện nay phải nhận rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc xây dựng gia đình, phải biết yêu thương, tôn trọng nhau, lắng nghe, chia sẻ, bảo vệ, nhường nhịn nhau. 

Mỗi cặp vợ chồng trẻ phải biết đội chữ nhẫn trên đầu, bỏ cái tôi và sống có trách nhiệm với gia đình, xã hội. Đặc biệt khi có mâu thuẫn gia đình xảy ra phải hết sức bình tĩnh, khéo léo giải quyết các vấn đề, nói không với tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè và đặc biệt phải thuỷ chung. Điều quan trọng nhất đó là nghĩ có tội với các con nếu mồ côi cha, mẹ, tôn trọng truyền thống người Việt", ông Phương nói.

Cùng với đó, ông cho rằng cần thực hiện xây dựng phong trào gia đình văn hoá, tìm mô hình điểm vợ chồng sống hạnh phúc để nhân rộng, đưa ra những hội nghị để chia sẻ bí quyết giữ gìn hạnh phúc gia đình... Ngoài ra nghiêm túc thực hiện văn bản quy phạm như Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới, Phòng chống bạo lực gia đình… đây là hành lang pháp lý để ngăn chặn các tệ nạn xâm nhập gia đình.

"Phải biểu dương những tấm gương sáng, nhân rộng tấm gương sáng về gia đình hạnh phúc, những điển hình vượt qua khó khăn trong vấn đề gia đình và vẫn hoà thuận, giữ vững hạnh phúc, thành đạt, nuôi dạy con cái hiếu thảo, phụng dưỡng cha mẹ, kính trên nhường dưới... 

Ngoài ra, để khắc phục được thì vai trò của các cơ quan Đảng, chính quyền, ngành, đoàn thể tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng hoàn thiện hương ước, quy ước làng xóm, bản làng, khu dân cư… ghi nhận, phát huy gia trị văn minh, tiến bộ đặc biệt kế thừa phong tục tập quán tốt đẹp trong hôn nhân và gia đình", ông Phương nói thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem