Chiều nay (27/3), TAND TP.Hà Nội sẽ tuyên án Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh và con trai Đỗ Hoàng Việt cùng 13 bị cáo khác.
Họ bị Viện kiểm sát xác định sau khi bán 9 lô trái phiếu cho hàng nghìn người đã sử dụng tiền thu được không đúng mục đích, gây thiệt hại hơn 8.643 tỷ đồng. Phía công tố cho rằng hành vi của họ phạm vào tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", nhưng nay đã khắc phục đủ số tiền chiếm đoạt nên đề nghị tòa phạt Đỗ Anh Dũng từ 8 – 9 năm tù; Đỗ Hoàng Việt từ 4 – 5 năm tù, các bị cáo khác từ án treo đến 48 tháng tù.
Về trách nhiệm dân sự trong vụ án, Đỗ Anh Dũng đã "nộp thừa" 8.643 tỷ đồng vào tài khoản tạm giữ, đủ để trả toàn bộ tiền gốc cho khoảng 6.000 bị hại mua trái phiếu của Tân Hoàng Minh. Như vậy, về số tiền gốc, giữa bị hại và các bị cáo đã không còn tranh cãi.
Tuy nhiên, các bị hại lại chia thành 2 nhóm khác nhau nếu tính theo yêu cầu về tiền lãi đến hạn, trả lãi chậm trả.
Nhóm thứ nhất, một số bị hại đề nghị được nhận lại tiền gốc họ bỏ ra mua trái phiếu, không cần tính lãi. Có người còn mong tòa án cho trả ngay khi tuyên án sơ thẩm và sẽ không kháng cáo; cần tách bạch họ với những bị hại khác có yêu cầu tiền lãi trái phiếu. Mục đích của nhóm này là nhận tiền luôn, không cần mất thêm thời gian chờ đợi nếu vụ án có kháng cáo hoặc kháng nghị, phải xử phúc thẩm.
Nhóm thứ hai là các bị hại đề nghị tòa tuyên buộc các bị cáo phải bồi thường ngoài hợp đồng cho các thân chủ, bồi thường tổn thất tinh thần trong thời gian 2 năm qua họ mua trái phiếu nhưng không được hưởng lãi suất.
Một trong các luật sư bảo vệ cho nhóm này nêu quan điểm, do bị hại nhiều hoàn cảnh khác biệt, nên đề xuất tính lãi trái phiếu theo mặt bằng lãi ngân hàng.
Bị hại trong nhóm này trình bày, số tiền Tân Hoàng Minh đã nộp và số tiền cơ quan điều tra tịch thu quá trình điều tra đã được nộp lại và "ở kho bạc suốt thời gian đó cũng sinh lãi, vậy lãi đó để làm gì?". Họ nêu quan điểm, số tiền 100 - 200 triệu đồng có thể không lớn nhưng tính lãi suốt thời gian qua sẽ "là số tiền không nhỏ và có ý nghĩa lớn với nhiều người".
Bị cáo Đỗ Anh Dũng cũng trình bày quan điểm về tiền lãi, đề nghị trả lãi đầy đủ cho các trái phiếu bị hại đã mua trước khi ông bị bắt. Còn các khoản lãi trái phiếu sau thời điểm này, ông xin tuân theo phán quyết của tòa.
Cũng phân tích về trách nhiệm dân sự, đại diện Viện kiểm sát bày tỏ sự chia sẻ với hoàn cảnh của các bị hại. Tuy nhiên, phía công tố cho rằng trong vụ án này, hành vi phạm tội đã hoàn thành khi tài sản thuộc quyền quản lý của bên chiếm đoạt.
Theo quy định, giao dịch trái phiếu giữa Tân Hoàng Minh và các bị hại là giao dịch dân sự, điều kiện có hiệu lực là phải đảm bảo mục đích giao dịch không vi phạm điều cấm pháp luật.
Trường hợp này, Viện kiểm sát khẳng định các hợp đồng trái phiếu vi phạm do đó sẽ được giải quyết theo quy định về giao dịch vô hiệu nên các kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, quyết định.
Bộ luật Dân sự, Điều 131. Hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu:
1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.
2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.
Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.
3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.
4. Bên có lỗi gây thiệt hại thì phải bồi thường.
5. Việc giải quyết hậu quả của giao dịch dân sự vô hiệu liên quan đến quyền nhân thân do Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định.