Chủ tịch Tân Hoàng Minh nộp lại hơn 8.600 tỷ đồng, khi nào bị hại sẽ nhận lại được tiền?
Chủ tịch Tân Hoàng Minh nộp lại hơn 8.600 tỷ đồng, khi nào bị hại sẽ nhận lại được tiền?
Quang Trung
Thứ năm, ngày 21/03/2024 18:15 PM (GMT+7)
Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh đã tự nguyện nộp lại đủ hơn 8.600 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án. Vậy khi nào bị hại sẽ nhận lại được tiền?
Bố con Chủ tịch Tân Hoàng Minh được bị hại xin giảm nhẹ hình phạt
Ngày 20/3, phiên xét xử 15 bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, liên quan tập đoàn Tân Hoàng Minh bước sang ngày thứ hai. Tòa nghỉ sớm vào buổi sáng để các bị hại tiếp tục cập nhật, đăng ký thông tin với cán bộ tòa án.
Trình bày quan điểm của mình, nhiều bị hại ghi nhận việc bị cáo Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh, đã tự nguyện nộp lại đủ hơn 8.600 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án.
Vì vậy, họ xin giảm nhẹ hình phạt cho cha con ông Đỗ Anh Dũng nói riêng và các bị cáo nói chung.
Tại tòa, bị cáo Đỗ Anh Dũng cho hay khi nghe trình bày của bị hại đã "xúc động rơi nước mắt". Bị cáo xin trình bày phương án bồi thường, trong đó tiền gốc sẽ được trả đầy đủ.
Bị hại của Tân Hoàng Minh có được nhận lại tiền ngay?
Sau thông tin này, bạn đọc đặt câu hỏi, khi nào các bị hại trong vụ án sẽ nhận được tiền?
Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật, những tài sản thực hiện hành vi phạm tội, tài sản do phạm tội mà có, công cụ phương tiện phạm tội là các vật chứng của vụ án.
Việc giải quyết vụ án hình sự ngoài việc quyết định tội danh và hình phạt, tòa án sẽ giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự và xử lý vật chứng theo quy định của pháp luật.
Điều 89, Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Việc xử lý vật chứng trong vụ án hình sự được thực hiện theo Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự. Thẩm quyền xử lý vật chứng trong vụ án hình sự thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng.
Theo ông Cường, những vật chứng phải trả lại ngay cho chủ sở hữu, quản lý tài sản bao gồm: Trả lại ngay tài sản đã thu giữ, tạm giữ nhưng không phải là vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản đó.
Trả lại ngay vật chứng cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp nếu xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án. Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản, có thể được bán theo quy định của pháp luật, trường hợp không bán được thì tiêu hủy.
Bởi vậy, những tài sản mà cơ quan tiến hành tố tụng kê biên, niêm phong, phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử được xác định là do phạm tội mà có hoặc những số tiền của bị cáo, doanh nghiệp của bị cáo nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tiến hành tố tụng sẽ không thuộc trường hợp phải trả lại ngay theo quy định của pháp luật.
Hơn nữa, theo quy định, đến khi bản án có hiệu lực pháp luật, kết tội bị cáo, khi đó bị cáo mới được xác định là người phạm tội, đồng thời mới có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật được ghi nhận trong bản án hình sự.
Quá trình giải quyết vụ án hình sự, việc đầu tiên là phải xác định bị cáo có tội hay không, hiến pháp và pháp luật quy định một người chỉ được coi là có tội khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa án theo trình tự thủ tục luật định.
Mặc dù bị cáo nhận tội nhưng khi vụ án chưa kết thúc, bị cáo vẫn được coi là không có tội. Khi bị cáo có tội mới kèm theo các nghĩa vụ phải thực hiện của người bị buộc tội, trong đó có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả.
Như vậy, chỉ khi nào xác định được bị cáo phạm tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật, xác định bị cáo có gây thiệt hại cho người bị hại, xác định rõ phần trách nhiệm của từng bị cáo và xác định mức thiệt hại của từng người bị hại, khi đó mới có căn cứ để thi hành bản án, buộc người phạm tội phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả cho các nạn nhân.
Ngoài ra, theo ông Cường, nếu quá trình giải quyết vụ án mà bị cáo tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả tại phiên tòa, việc nộp tiền khắc phục hậu quả là tự nguyện, số tiền là hợp pháp, việc bồi thường không trái pháp luật đạo đức xã hội, tòa án sẽ ghi nhận vào trong bản án.
Đến khi bản án có hiệu lực pháp luật, người bị hại được quyền căn cứ vào nội dung bản án để yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.