Với kết quả lợi nhuận sau thuế âm 105 tỷ đồng trong năm 2023, Thủy sản Minh Phú có năm kinh doanh kém hiệu quả nhất kể từ khi lên sàn chứng khoán. "Vua tôm" Minh Phú lại vừa tuyên bố Bách Hoá Xanh sẽ trở thành nhà cung cấp chiến lược của mình tại thị trường nội địa sau 30 năm chỉ có xuất khẩu...
Ngày 26/3, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú và Bách Hóa Xanh đã chính thức ký kết hợp tác chiến lược. Theo đó, “Vua tôm” Minh Phú sẽ đưa các dòng tôm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu Nhật, Mỹ, EU được nuôi trong môi trường không kháng sinh, không hóa chất của tập đoàn phân phối trong hệ thống Bách Hóa Xanh. Giá tôm thẻ Minh Phú tại các cửa hàng Bách Hóa Xanh TP.HCM đang là 186.000 đồng/kg (size 30 con/kg).
Ông Lê Văn Quang - Nhà sáng lập, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Minh Phú, xác nhận bên cạnh xuất khẩu, tập đoàn đang muốn mở rộng phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa bằng việc bắt tay với các nhà bán lẻ trong nước.
Tại sự kiện này, ông Lê Văn Quang cho biết: “Minh Phú trước nay chỉ tập trung vào thị trường xuất khẩu. Việc hợp tác với hệ thống rộng khắp như Bách hoá Xanh sẽ giúp Minh Phú gần hơn với thị trường trong nước".
Theo ông Quang, doanh thu tôm của Minh Phú tại thị trường nội địa chưa tới 1% trong cơ cấu doanh thu. Điều này khiến chúng tôi phải nghĩ cách để đẩy sản phẩm của mình lên, có thể là 5-10%. Tuy không được cao nhưng tôi nghĩ con số đó Minh Phú có thể làm được. Trước giờ chúng tôi chỉ tập trung vào xuất khẩu và chưa thật sự hướng vào thị trường nội địa.
Thuỷ sản Minh Phú là doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam với 10 công ty thành viên, bao gồm 4 nhà máy chế biến tôm và 8 công ty trực thuộc trong chuỗi giá trị tôm khép kín.
Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, hay còn được gọi với cái tên là “Vua tôm" Minh Phú, được thành lập năm 1992 dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân chuyên thu mua, chế biến thuỷ sản để cung cấp cho các đơn vị xuất khẩu trong nước.
Sản phẩm kinh doanh chính của Thủy sản Minh Phú bao gồm sản phẩm tươi sống (tôm sú, tôm thẻ chân trắng), sản phẩm hấp và sản phẩm giá trị gia tăng. Các thị trường xuất khẩu chủ lực là Nhật Bản, Úc & New Zealand, Mỹ, EU, Canada.
Thủy sản Minh Phú tuyên bố hợp tác đưa tôm sạch vào hệ thống siêu thị nội địa với giá rẻ là khá bất ngờ trong bối cảnh tập đoàn này báo lỗ nặng trong năm 2023.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 được Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (mã: MPC) công bố cho thấy, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.223 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán của doanh nghiệp tăng mạnh 48%, lên tới 2.933 tỷ đồng đã kéo theo lợi nhuận gộp giảm gần 50% so với quý IV/2022, xuống còn gần 290 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của Thủy sản Minh Phú giảm sâu 82%, chỉ đạt 26,8 tỷ đồng. Trong khi đó, dù giảm 55%, chi phí tài chính vẫn ghi nhận ở mức 68 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần doanh thu hoạt động tài chính. Thêm vào đó, chi phí bán hàng giảm 13% nhưng vẫn ở mức cao là hơn 218 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 1,9 lần, lên tới xấp xỉ 80 tỷ đồng.
Kết quả, Thủy sản Minh Phú lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh gần 50 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi 278 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp còn ghi nhận khoản lỗ khác hơn 15,6 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế quý IV/2023 của Thuỷ sản Minh Phú âm gần 50 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 304 tỷ đồng.
Khấu trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của Thủy sản Minh Phú đạt 9,1 tỷ đồng, giảm 96% so với cùng kỳ năm trước. Theo giải trình của Thuỷ sản Minh Phú, lợi nhuận sau thuế giảm chủ yếu là do kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh các công ty nuôi tôm thương phẩm của tập đoàn trong kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh chưa có hiệu quả.
Tính chung cả năm 2023, doanh thu thuần của Thủy sản Minh Phú ghi nhận đạt gần 10.688 tỷ đồng, giảm 35% so với năm trước. Lợi nhuận gộp ghi nhận ở mức hơn 1.065 tỷ đồng, giảm 61%. Sau cùng, Thủy sản Minh Phú báo lỗ sau thuế 105 tỷ đồng, trong khi năm 2022 đạt hơn 830 tỷ đồng.
Đây là năm thứ 3 Thủy sản Minh Phú ghi nhận lỗ và năm có mức lợi nhuận thấp kỷ lục kể từ năm 2008. Với kết quả trên, Thủy sản Minh Phú không thể hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2023 là thu về gần 12.790 tỷ đồng doanh thu và 639 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Trở lại câu chuyện bắt tay hợp tác giữa Minh Phú và Bách Hóa Xanh, một thông tin đáng chú ý tại sự kiện hôm 26/3 là ông Nông Văn Dũng, Giám đốc ngành hàng tươi sống của Bách Hoá Xanh cho báo chí biết, trong nửa năm hợp tác với Minh Phú, đơn vị này đã bán 1.300 tấn tôm ra thị trường, doanh thu đạt hơn 220 tỷ đồng. Mục tiêu trong năm nay của Bách Hoá Xanh đối với sản phẩm tôm Minh Phú là 3.000 tấn và doanh thu đạt 500 tỷ đồng.
Dư luận đang đặt câu hỏi, Minh Phú làm thế nào để có thể đáp ứng được lượng tôm sạch, với giá rẻ cho Bách Hóa Xanh bán ra thị trường nội địa như vậy?
Ông Nguyễn Hữu Dũng-Chủ tịch Hiệp hội nuôi biển Việt Nam phân tích: Trong năm 2023, sức tiêu thụ yếu trong bối cảnh lạm phát neo cao tại các thị trường tiêu thụ trọng điểm, cùng với đó là sự cạnh tranh gay gắt từ tôm giá rẻ của Ecuador và Ấn Độ, kết quả kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam, trong đó có Minh Phú đã giảm sâu.
Việc các doanh nghiệp thúy sản quay lại chú trọng vào thị trường nội địa là điều tốt. Bởi kinh tế thế giới vẫn đang đi xuống, xuất khẩu thủy sản rất khó khăn, hậu Covid-19 còn nặng nề hơn. Tôm nuôi có giá thành cao như của Việt Nam không thể "đọ" được với tôm nuôi có giá thành thấp của các nước nêu trên. Cạnh tranh xuất khẩu thủy sản đang rất gay gắt.
Tuy nhiên, chính ông Dũng cũng băn khoăn, có chắc tôm và các sản phẩm tôm bán tại các hệ thống bán lẻ của Việt Nam là tôm nuôi sạch trong nước (?), bởi tôm Ấn Độ, tôm Thái Lan, tôm Ecuador có giá thành rẻ hơn nhiều Việt Nam, nếu được đưa về bán thì chúng ta cũng không thể phân biệt được đâu là tôm thẻ nuôi trong nước và đâu là tôm thẻ giá rẻ nhập về.
Trước đó, Minh Phú cũng giải trình, kết quả kinh doanh của Thủy sản Minh Phú suy yếu do doanh thu bán hàng giảm. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty nuôi tôm thương phẩm như: Công ty TNHH Nuôi trồng Thủy sản Minh Phú Lộc An, Công ty TNHH Thủy hải sản Minh Phú Kiên Giang và Công ty TNHH Sản xuất giống Thủy sản Minh Phú Ninh Thuận chưa có hiệu quả.
Trao đổi với PV Dân Việt sáng 28/3, ông Lê Văn Quang nói: "Đúng là 2 cách nuôi tôm của ta và Ecuador đang trái ngược nhau, nên giá thành nuôi tôm của Ecuador chỉ bằng gần 1/2 của Việt Nam. Chúng ta quản lý môi trường yếu, thả nuôi mật độ cao cốt để tăng năng suất, sản lượng, hy vọng có lợi nhuận cao nhưng rút cuộc rủi ro lại lớn. Nuôi theo cách của chúng ta giá thành tôm nuôi cao hơn gấp đôi so với Ecuador".
Theo ông Quang, chúng ta đang quen với nuôi tôm theo quy trình công nghệ 3 sạch. Tôm giống phải sạch, phải kiểm soát liên tục. Nước cũng đòi hỏi phải thay liên tục mới diệt hết mầm bệnh, do đó chi phí xử lý nước rất nặng, thay 30-50% thậm chí là 100% nước mỗi ngày, do đó tiền điện, chi phí đội lên rất lớn, nếu quản lý tốt thì cũng nuôi thành công. Nhưng giá thành nuôi theo công nghệ 3 sạch chỉ hiệu quả khi xuất khẩu được sản phẩm với giá cao. Còn hiện kinh tế suy thoái. Mỹ lạm phát, lãi suất cao như thế, chúng ta không thể sản xuất và xuất khẩu hiệu quả được.
Cả thế giới theo lãi suất cao của Mỹ. Người dân tiêu tiền vay là chủ yếu, nên lãi suất phải trả cao họ không chịu nổi, buộc phải tiết kiệm chi tiêu, kéo theo nhu cầu tiêu dùng giảm.
Nhu cầu thị trường giảm nhưng sản lượng tôm lại tăng mạnh. Năm vừa qua, sản lượng tôm của Ecuador tăng thêm từ 700.000-1,4 triệu tấn tôm. Ấn Độ và Việt Nam cũng tăng sản lượng tôm. Điều này dẫn tới cung vượt cầu, giá tôm giảm kinh khủng.
Chúng ta nuôi tôm 3 sạch vẫn lỗ nặng dù năng suất cao vì giá thành cao còn giá tôm bán đi thấp quá. Năm 2019-2020, tôm size 30 con/kg có giá 280.000 đồng/kg thì hiện nay chỉ còn 80.000 đồng/kg, bởi cung vượt cầu. Trong khi giá thành con tôm size 30 con/kg ít nhất đã từ 100.000-120.000 đồng/kg, với Minh Phú giá thành còn lên tới 150.000 đồng/kg, mà ai cũng muốn bán tôm, lỗ cũng phải bán. Vì vậy Minh Phú mới lỗ nặng trong năm 2023.
Bán tôm lỗ như vậy dẫn tới vùng nuôi cũng lỗ nặng, dịch bệnh lại xảy ra liên tục. Chúng tôi đã phải suy nghĩ rất nhiều, nếu cứ nuôi tôm lỗ như thế thì làm như thế nào? Cuối cùng Minh Phú đã cho ra đời một quy trình công nghệ sinh học mang tên "Minh Phú BiO", gồm sự kết hợp của 9 công nghệ nuôi tôm khác nhau mà Minh Phú thu thập được.
Theo đó, nuôi tôm sẽ không cần phải xử lý nước như công nghệ 3 sạch nữa mà sử dụng vi sinh vật đối kháng mà Minh Phú sản xuất ra được. Minh Phú đã nuôi thử 7 ha cho kết quả thành công. Năm 2023-2024 Minh Phú mở rộng nuôi theo công nghệ BiO lên 300 ha đã và đang có triển vọng rất tốt, nuôi được tôm với giá thành phù hợp, bán có lãi.
Hồi giữa năm 2023, ông Lê Văn Quang - Tổng giám đốc Thủy sản Minh Phú cho biết, giá thành tôm nuôi ở Ấn Độ rất thấp chỉ 3,4 - 3,8 USD/kg, tại Ecuador còn thấp hơn chỉ 2,2 - 2,4 USD/kg, còn giá tôm nuôi ở Việt Nam từ 4,8 - 5 USD/kg. Điều này khiến cho mặt hàng tôm của Việt Nam nói chung và của Thuỷ sản Minh Phú nói riêng không bán được hàng.
Ông Lê Văn Quang nhấn mạnh, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh cho Thuỷ sản Minh Phú cũng như ngành tôm Việt Nam thì không còn con đường nào khác ngoài việc phải giảm được giá thành tôm nuôi xuống bằng Ấn Độ, tiến tới là ngang bằng Ecuador.
Minh Phú tự tin cung cấp công nghệ nuôi này cho Việt Nam với giá thành phù hợp, thấp hơn cả Ecuador nhưng hiện mới đang dừng ở Minh Phú Lộc An, chưa mở rộng ra. Bởi chuyển giao cho dân, họ lại thực hiện không đúng quy trình, quay lại công nghệ 3 sạch, làm chết cả vi sinh đối kháng do đưa kháng sinh, hóa chất xuống. Chúng tôi khẳng định nếu nuôi đúng theo MPBiO sẽ thành công, giá thành lại rất rẻ.
Với Bách Hóa Xanh, ông Quang nói: "Hợp tác đưa tôm vào Bách Hóa Xanh chưa thể đem lại lợi nhuận lớn cho Minh Phú ngay đâu nhưng chúng tôi vẫn phải làm. Tôi cũng nói với lãnh đạo Bách Hóa Xanh là không nên chạy theo số lượng, mà phải làm tốt tiếp thị, bán sản phẩm tốt cho người tiêu dùng...".
Ông Quang cho rằng, tôm Việt Nam vẫn chủ yếu là để xuất khẩu, tôm sạch các doanh nghiệp đã thu mua để xuất khẩu. Minh Phú ngoài thị trường nội địa vẫn phải chú trọng xuất khẩu. Minh Phú đã thành công với công nghệ nuôi tôm sinh học BiO và đang quảng bá công nghệ này ở Mỹ và các nước. "Chúng tôi đã phải sang Mỹ giới thiệu. Thị trường Mỹ rất quan tâm tới tôm của Việt Nam, giá tôm hiện cũng đã tốt hơn, xuất khẩu cũng đang từng bước phục hồi tốt hơn"-ông Quang cho biết.
Minh Phú hiện cũng ký được khá nhiều hợp đồng xuất khẩu tôm sang Mỹ và các nước, dự tính năm nay, doanh thu của Minh Phú có thể sẽ tăng 50-70% so với năm ngoái, kéo theo lợi nhuận của năm nay sẽ rất tốt. Năm ngoái sản xuất thấp, giá thành cao nên DN lỗ nặng. Cũng vì DN lỗ nên buộc phải điều tiết vào giá tôm nguyên liệu, các vùng nguyên liệu cũng phải gánh chịu thua lỗ.
Ông Quang cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là chuyển giao công nghệ và hướng dẫn cho người nuôi tôm. Minh Phú chỉ nuôi đạt 20% còn 80% vẫn phải phụ thuộc vào dân nuôi. Dân nuôi theo công nghệ BiO này hiện cũng mới chỉ chiếm 20%, Minh Phú hy vọng 5 năm nữa dân nuôi tôm theo công nghệ BiO sẽ đạt 100%.
"Chúng tôi khẳng định công nghệ chế biến của Việt Nam hiện đã đứng đầu thế giới, do vậy chỉ cần chúng ta có công nghệ nuôi tốt, giá thành thấp, tôm sạch ngon thì không lo không thể cạnh tranh với các nước. Với 30 năm làm tôm của mình, tôi rất kỳ vọng người dân Việt Nam được ăn tôm với giá phải rẻ hơn ăn thịt gà"-ông Quang nói.
Được biết, trong bối cảnh xuất khẩu tôm suy yếu và kinh doanh thua lỗ, tại đại hội đồng cổ đông bất thường cuối tháng 12/2023, “vua tôm” Minh Phú đã bổ sung ngành nghề “kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê” vào danh sách các ngành nghề kinh doanh của mình.
Bởi trước đó, vào ngày 23/11/2023, HĐQT Thủy sản Minh Phú đã phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội tại xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.
Lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định việc bổ sung ngành nghề mới chỉ nhằm mục đích đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân tại khu công nghiệp Khánh An, không có ý định lấn sang lĩnh vực bất động sản.