Đền Trần ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình là nơi thờ các vị vua triều Trần, một triều đại hưng thịnh bậc nhất 700 năm trước.
Sử sách ghi lại, tổ tiên nhà Trần vốn làm nghề đánh cá từ đất Đông Triều. Đến đời Trần Kinh thì chuyển về Tức Mặc (Nam Định) và qua đời ở đó.
Con trai Trần Kinh là Trần Hấp, nhờ tìm được thế đất thiêng đã dời mộ bố về táng tại Mả Sao, hương Thái Đường, phủ Long Hưng, nay thuộc xã Tiến Đức (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) và cư trú tại đây.
Từ nghề đánh cá, Trần Hấp cùng con cháu sau chuyển dần lên bờ làm ruộng và trở nên giàu có, ngày càng có thế lực mạnh để bước vào vũ đài chính trị. Đến đời thứ tư thì Trần Cảnh được trao ngôi báu từ nhà Lý.
Nhà Trần đã chọn Thái Đường - Long Hưng làm nơi đặt tôn miếu để xây dựng lăng tẩm an táng các vị vua và hoàng hậu đầu triều cùng nhiều trọng thần trong hoàng tộc. Thái tổ Trần Thừa được táng tại Thọ lăng. Thái Tông táng tại Chiêu lăng. Thánh Tông táng tại Dụ lăng, Nhân Tông táng tại Đức lăng, đều thuộc đất Thái Đường.
Khi giặc Mông - Nguyên tràn vào bờ cõi Đại Việt, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn có bài hịch khuyên nhủ các tướng sĩ, ông đã cảnh báo nếu để non sông rơi vào tay giặc thì: “Không những xã tắc, tôn miếu của ta bị người khác dày xéo, mà mồ mả cha mẹ các ngươi cũng bị bới đào”. Lời cảnh báo của Hưng Đạo Đại Vương đã đúng.
Sách Đại Việt sử ký toàn thư (Toàn thư) đã chép sự kiện khi quân Mông - Nguyên chiếm đóng Long Hưng đã phá hủy toàn bộ hành cung và các lăng tẩm.
Ghi chép về sự kiện ngày 17 tháng 3 năm Mậu Tý (1288), Thượng hoàng Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông đem các tướng giặc bị bắt về làm lễ dâng thắng trận ở Long Hưng, sách Toàn thư cho biết: “Trước đó, quân Nguyên đã khai quật Chiêu lăng (lăng Trần Thái Tông) muốn phá đi, nhưng không phạm được tới quan tài...”.
Mặt tiền đền Trần Thái Bình, tọa lạc tại thôn Tam Đường, xã Tiến Đức (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).
Được tôn tạo kể từ năm 2004, 3 ngôi mộ cổ ở khu lăng mộ tựa như 3 quả đồi rộng lớn với các tên gọi khác nhau là Phần Bụt, Phần Trung và Phần Đa.
Nhiều người già của làng Tam Đường cho biết, phần đế rộng nhất của những quả đồi có diện tích lớn gần cả héc - ta.
Đường kính của mộ lên đến 65m và cao 1,2m so với sân tế. Ngôi mộ ở giữa đặc biệt hơn với đường kính 55m chiều cao từ sân tế đến đỉnh mộ 7m, giữa mộ đặt chữ Trần bằng Hán tự trong một khung sắt hình chữ nhật.
Bao đời nay, các cụ bô lão luôn truyền tai nhau về việc những ngôi mộ cổ này đang thật sự ngày càng “phát”, to lên dần dần sau mỗi năm. Tuy chưa biết thực hư nhưng nhưng người dân đều tỏ lòng thành kính, chẳng ai dám bông đùa, thiếu lễ độ khi bước chân vào khuôn viên di tích.
Một trong ba gò mộ cổ to như quả đồi tại khu di tích đền Trần tại thôn Tam Đường, xã Tiến Đức (huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình).
Tương truyền, mộ Phần Bụt đã từng bị Ô Mã Nhi cho lính đào xới khai quật. Khi đào đến phần quách đá, đột nhiên gió trở chiều thổi mạnh, trời kéo mây đen vần vũ, sấm nổ, sét đánh giáng xuống sáng chói cả vùng. Giặc khiếp hãi cho rằng, thần thánh phương Nam hiển linh trách phạt nên bỏ luôn đồ nghề, không dám xúc phạm đến mộ nhà Trần.
Bởi lẽ ấy, khi đem bọn giặc phương Bắc về tế mộ tổ nơi Thái Đường lăng, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã bồi hồi tức cảnh làm nên hai câu thơ nổi tiếng: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu” (Đất nước hai phen chồn ngựa đá/ Non sông ngàn thủa vững âu vàng).
Trên ba ngôi mộ, cỏ cây phát triển tốt tươi xanh rì. Nếu các gia đình thường tảo mộ tổ tiên vào theo tiết Thanh minh hàng năm thì tại đây, Đội vệ sinh phải dọn dẹp, chăm sóc phần mộ quanh năm.
Theo hướng từ Đông sang Tây của khu di tích, gò đất ngoài cùng phía Tây là Chiêu Lăng, dân gian gọi là Phần Đa, tương truyền là nơi an táng vua Trần Thái Tông.
Chị Lê Thị Thủy – Thành viên của đội vệ sinh - cho biết: “Không hiểu sao cỏ cây trên mộ tốt bời bời. Đội vệ sinh chúng tôi có 5 nhân công thì phải cắt cỏ liên tục trong một tuần mới xong một ngôi mộ. Chúng tôi cắt cỏ theo đường xoáy trôn ốc từ chân mộ lên tới đỉnh, nhiều khi cắt xong được đỉnh mộ thì cỏ dưới chân mộ đã mọc cao đến thắt lưng. Vậy nên chị em chúng tôi cứ miệt mài, xong hết được ngôi mộ cuối cùng thì lại quay lại dọn cỏ ngôi mộ đầu tiên. Tuy công việc có nhiều và mất sức, nhưng được chăm sóc, vun đắp cho cảnh quan mộ các vị Vua Trần thật sự là một “phúc phận” hiếm ai có được, bởi vậy nên tôi rất trân trọng công việc này và luôn cố gắng hết sức có thể”.
Nhiều người thắc mắc tại sao không xử lý triệt để cỏ trên mộ cổ bằng thuốc diệt cỏ, nhưng các anh, chị trong đội dọn dẹp vệ sinh lại cười mà nói rằng: “Chẳng ai lại dám đem thuốc độc mà rải lên mộ Vua cả”.
Trong quá trình tìm hiểu về những gò mộ khổng lồ ở làng Tam Đường, tôi được nghe nhiều câu chuyện ly kỳ về “quả núi” có tên Phần Cựu. Đây là ngôi mộ lớn nhất ở làng, lớn gấp đôi những phần mộ còn lại. Tuy nhiên, người dân trong làng Tam Đường lại ít gọi bằng cái tên này, mà họ gọi là Phần Lợn. Chẳng lẽ người dân lại… xúc phạm vua bằng cách gọi như thế?
Một phần trong nghi thức rước lễ trong dịp lễ hội đền Trần ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình hàng năm.
Ngôi mộ cổ nhỏ hơn nằm về hướng Bắc của làng Tam Đường mang tên Phần Cựu. Nhưng trải qua câu chuyện ly kỳ của một người làng, dân làng Tam Đường còn gọi dân dã nơi đây là Phần Lợn.
Ông Vũ Xuân Thắng, người trông coi đền Trần kể lại, ông vẫn nghe các cụ cao niên làng Tam Đường nói, những năm 50 của thế kỷ trước, trong làng có người đàn ông tên Tuyên, chuyên làm nghề đánh giậm cá, bắt rắn lúc nửa đêm rạng sáng để mưu sinh. Một ngày đi làm về lúc trời còn tối như bưng, ông Tuyên bỗng trông thấy một đàn lợn con béo núc, trắng hồng đang thong thả sục sạo tìm kiếm thức ăn trong bãi cỏ.
Chắc mẩm vớ được “món hời”, ông Tuyên hí hửng cầm nơm lao theo và nhanh tay úp được một con. Đàn lợn sợ hãi chạy tán loạn nhưng đều đổ dồn về khu vực Phần Cựu, đến sát khu mộ thì tự nhiên hàng chục con lợn con đột nhiên biến mất tăm vào những bãi cỏ xanh rờn, không để lại một âm thanh hay dấu chân.
Về phần chú lợn bị ông Tuyên bắt được, ông mang về nhốt trong nhà rồi lên phản ngủ một giấc. Nhưng chỉ đến sáng hôm sau, ông như bị “bịt miệng” không thốt ra được nổi một lời, thân thể đau nhức tê dại như bị ai đánh, nằm ốm liệt giường suốt một thời gian dài.
Gia đình ông chạy chữa thuốc thang mãi không khỏi bèn đi xem bói. Các thầy khi xét đến chuyện ông Tuyên đều tái mặt và hốt hoảng giục gia đình về nhà đem trả lại con lợn nhỏ và tạ lỗi với các vị Tiên đế ngay lập tức. Các thầy đều cho biết, đó là lợn thần do "Bề trên" biến hóa ra để thử lòng người, việc ông Tuyên đuổi bắt chúng đã phạm cấm kỵ, phải sám hối với Vua Trần để xin các Ngài tha cho.
Gò Hỏa Tinh là nơi linh thiêng an táng vị vua đầu tiên của triều đại nhà Trần
Người nhà ông Tuyên lật đật chạy về sửa soạn biện một mâm lễ và đem một cục vàng tới khu mộ Phần Cựu. Kỳ lạ là, sau khi cúng bái, chôn vàng tại nơi bí mật trên mộ thì ông Tuyên hồi tỉnh, dần trở lại bình thường chỉ sau một thời gian ngắn. Ông Tuyên mất năm 2005, trước đó, ông luôn kể lại câu chuyện của mình cho mọi người nghe với thái độ vô cùng cung kính, nghiêm trang. Cho đến tận ngày nay, người dân làng Tam Đường và các khu vực lân cận đều biết đến chuyện ông Tuyên năm nào như một lời răn dạy về sự thiện lương của các vị Tiên đế đối với các con dân.
Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần thuộc địa phận xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2408/QĐ-TTg ngày 31/12/2014. Đây là sự ghi nhận, đánh giá cao công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng địa phương đối với lễ hội đền Trần Thái Bình trong nhiều năm qua và cũng là niềm tự hào, nguồn động viên, cổ vũ nhân dân Thái Bình tiếp tục lưu giữ và trao truyền hào khí Đông A, giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ sau.
Hàng năm, đền Trần ở huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình thu hút hàng nghìn du khách đến chiêm bái, tham quan.
Đền Trần Thái Bình không chỉ đơn thuần là một điểm du lịch tâm linh thông thường, mà còn là một biểu tượng lịch sử và giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống. Đây là một quần thể đáng ngưỡng mộ, gợi nhớ về quá khứ và là một nguồn cảm hứng cho sự bảo tồn và phát triển văn hóa trong tương lai.
Mỗi năm, từ ngày 13 đến ngày 18 của tháng Giêng, lễ hội tại đền Trần Thái Bình lại được tổ chức trong không khí trang trọng nhằm tưởng nhớ công lao của các vị vua triều Trần, qua đó giáo dục thế hệ trẻ về tinh thần "uống nước nhớ nguồn".