Trong lịch sử bóng đá thế giới, có rất nhiều đội bóng lựa chọn lối chơi tấn công đậm chất kỹ thuật làm đấu pháp mang tính sở trường. Các đội tuyển như Brazil, Hà Lan và gần 2 thập kỷ trở lại đây là Tây Ban Nha luôn mang đến những trận đấu có tính cống hiến rất cao.
Để tấn công nhiều và áp đảo đối thủ, các đội tuyển này lựa chọn cách chơi kiểm soát bóng. Brazil gọi cách chơi của mình là O Jogo Bonito, Hà Lan nổi danh với Total Football (Bóng đá tổng lực), còn Tây Ban Nha cho ra đời thuật ngữ Tiqui-taca với cách chơi đậm màu sắc của CLB Barcelona thời đỉnh cao.
Dù gọi tên cách chơi là thế nào đi nữa, việc kiểm soát trái bóng trong khoảng thời gian dài hơn đối thủ là rất quan trọng. HLV Pep Guardiola từng phát biểu, một khi đội bóng của ông kiểm soát được bóng thì họ chẳng việc gì phải kéo về phòng ngự bởi đối thủ làm gì có bóng mà triển khai tấn công hay tổ chức phản công.
Rất nhiều đội bóng cả ở cấp độ CLB lẫn ĐTQG trên thế giới đang lựa chọn cách chơi kiểm soát bóng. Dấu hiệu dễ thấy nhất là họ thường tổ chức đưa bóng lên từ sân nhà bằng các đường chuyền ngắn với độ chính xác cao chứ thủ môn không phát bóng thật dài lên phía trước ngay lập tức.
Nhưng muốn chơi được kiểm soát bóng một cách hiệu quả, các đội bóng hàng đầu cần phải sở hữu dàn cầu thủ có kỹ thuật siêu hạng, nền tảng thể lực sung mãn, chơi gắn kết ở mức đồng đều với nhau và luôn có sự tự tin ở mức cao độ. Chơi kiểm soát bóng để đạt được thành công cũng cần có sự uyển chuyển, như HLV Luis Enrique từng nói rằng, nếu vào một ngày không đạt phong độ, việc kiểm soát bóng gặp vấn đề thì cả đội cũng cần phải chuyển đổi linh hoạt phong cách. Đây chính là vấn đề mấu chốt: Lối chơi phải phù hợp tùy theo đối thủ và diễn biến trên sân chứ không thể cứng nhắc.
Dưới thời HLV Park Hang-seo, ĐT Việt Nam được biết đến với cách chơi phòng ngự - phản công trứ danh. Có nhiều trận, ĐT Việt Nam giữ bóng ít hơn hẳn đối thủ nhưng vẫn giành chiến thắng chung cuộc.
Tuy vậy, nếu để ý kỹ, vào những thời điểm cần thiết, ĐT Việt Nam của HLV Park Hang-seo kiểm soát bóng rất hay. Không ít trận đấu hoặc tình huống dẫn đến bàn thắng, ĐT Việt Nam giữ bóng, chuyền bóng và các vị trí di chuyển rất linh hoạt. Thậm chí, kể cả những đối thủ được coi là mạnh hơn như UAE, Jordan cũng từng bị ĐT Việt Nam của thầy Park đá áp đảo trong một khoảng thời gian nhất định và đẩy họ vào trạng thái lúng túng.
Khi tiếp quản "ghế nóng" ở ĐT Việt Nam thay HLV Park Hang-seo, HLV Troussier ngay lập tức khẳng định bản thân muốn áp dụng lối đá tấn công, thiên về kiểm soát bóng. Nói là làm, HLV Troussier áp dụng chiến thuật ấy cho cả ĐT 22 Việt Nam lẫn ĐT Việt Nam.
Nhưng rốt cục, lối chơi kiểm soát bóng của các đội tuyển Việt Nam trong triều đại HLV Troussier đã thất bại thảm hại. Nguyên nhân thì có lẽ tất cả đều đã nhìn thấy: Lối chơi của chúng ta gọi là kiểm soát bóng nhưng có rất nhiều sai số, cả trong tấn công lẫn phòng ngự.
Ở trận đấu gặp ĐT Iraq ở lượt trận thứ 2 thuộc vòng loại thứ hai World Cup 2026 khu vực châu Á, ĐT Việt Nam đã cố gắng chơi kiểm soát bóng một cách rất mạo hiểm. Kết quả là dù chỉ thua vào giây cuối cùng, nhưng ĐT Việt Nam để lại thống kê rất kém cỏi là không có được bất cứ pha dứt điểm nào trong cả trận đấu.
Đến trận gặp ĐT Indonesia trên sân Mỹ Đình, ĐT Việt Nam cũng kiểm soát bóng và có khoảng thời gian tương đối lấn lướt ở đầu trận. Nhưng cuối cùng, ĐT Việt Nam đã thua 0-1 bởi một lỗi phòng ngự và trong suốt trận cũng không có được pha dứt điểm nào trúng khung thành đối thủ. Nếu thống kê kỹ hơn thì ĐT Việt Nam cả trận ấy chỉ có 2 lần dứt điểm và đều trượt mục tiêu. Vậy thì cái gọi là lối chơi kiểm soát bóng của HLV Troussier rõ ràng có hiệu quả là con số 0.
Ngoài việc mắc lỗi và phối hợp không tốt do kỹ năng còn hạn chế, ĐT Việt Nam cũng không còn duy trì được nền tảng thể lực tốt nhất. Chính HLV Troussier đã khẳng định đội bóng của ông chỉ đủ sức đá 60-70 phút với tình trạng thể lực dồi dào, còn sau đó là các cầu thủ hụt hơi trông thấy. Vào những lúc như vậy, các sự thay đổi người của ĐT Việt Nam được thực hiện chủ yếu là theo kiểu người khỏe vào thay người mệt chứ chẳng còn mang tính điều chỉnh đấu pháp hay nhân sự gì hết.
Nếu cần có một bài học bổ ích, ĐT Việt Nam cần noi gương ĐT Thái Lan. Có giai đoạn, ĐT Thái Lan cũng rất muốn chơi kiểm soát bóng, nhưng HLV Matasada Ishii không bảo thủ và cứng nhắc về điều đó. Khi chạm trán đối thủ mạnh như ĐT Hàn Quốc, lối chơi mà Thái Lan lựa chọn là phòng ngự chặt chẽ, tập trung vào việc bảo vệ khung thành và cố gắng phản công thật nhanh chứ không còn chú trọng quá mức vào việc giữ lấy quả bóng. Và ít nhất, chiến thuật đó cũng giúp ĐT Thái Lan một lần tạo bất ngờ khi hòa ĐT Hàn Quốc ngay trên sân khách.
Vào lúc này, HLV Troussier đã ra đi. Bóng đá Việt Nam đã có những bài học cay đắng nhưng cần thiết về triết lý kiểm soát bóng và việc lựa chọn HLV tiếp theo để khôi phục sức mạnh sẽ rất quan trọng. Tìm được người phù hợp, biết cách áp dụng đúng chiến thuật và sử dụng con người ở mức tốt nhất như HLV Park Hang-seo từng làm chắc chắn không phải chuyện dễ.