Công an huyện Gia Lâm cho biết, tính đến ngày 15/3/2024, trên địa bàn huyện có tổng số 125 công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đưa vào hoạt động, sử dụng trong đó có 19 công trình thuộc Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND ngày 06/7/2022 của HĐND TP Hà Nội.
Hội nghị giao ban về công tác PCCC&CNCH
Thời gian qua, Công an huyện Gia Lâm đã tổ chức kiểm tra 100% cơ sở về công tác Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH) theo quy định đồng thời xử lý vi phạm hành chính 135 lượt với tổng số tiền hơn 7.7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công an huyện này cũng ban hành quyết định đình chỉ hoạt động đối với 105 trường hợp; tham mưu UBND huyện chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao đăng tải 116 công trình vi phạm trên cổng thông tin điện tử huyện.
Nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC; nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của chủ đầu tư, người đứng đầu cơ sở về việc chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về PCCC trong đầu tư xây dựng, đảm bảo chỉ tiêu khắc khục, kéo giảm theo chỉ đạo của thành phố, Công an Huyện tham mưu UBND Huyện chỉ đạo Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao đăng tải công khai danh sách 28 công trình đã khắc phục tồn tại về PCCC và danh sách 125 công trình hiện tại vi phạm đưa vào hoạt động nhưng chưa nghiệm thu về PCCC trên cổng thông tin điện tử huyện Gia Lâm để người dân biết, cùng giám sát chủ đầu tư thực hiện.
Chỉ đạo Phòng Quản lý đô thị phối hợp với Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị và UBND các xã, thị trấn tiếp tục tổ chức thanh tra, kiểm tra xử lý các công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đưa vào hoạt động được xây dựng trên đất không hợp pháp, đất công, đất nông nghiệp, hành lang bảo vệ đê, lưới điện... kiên quyết áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để buộc chủ đầu tư có công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động phải tổ chức khắc phục các vi phạm; không được khai thác, sử dụng công trình, hạng mục công trình khi chưa được nghiệm thu về PCCC theo quy định.
Đồng thời, báo cáo UBND Huyện đề xuất UBND Thành phố không phê duyệt quy hoạch đối với chủ đầu tư có công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động nhưng chưa tổ chức khắc phục.
Chỉ đạo Phòng Kinh tế tăng cường công tác quản lý nhà nước trong công tác quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện như: xăng dầu, hóa chất, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG),… rà soát, tham mưu UBND huyện thu hồi giấy chứng nhận đã cấp đối với công trình chưa được nghiệm thu về PCCC đưa vào hoạt động theo quy định.
Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường rà soát danh sách công trình vi phạm, tham mưu UBND Huyện không giao đất, cho thuê đất đối với những chủ đầu tư có công trình vi phạm chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động vi phạm quy định về PCCC.
Chỉ đạo Công ty Điện lực Gia Lâm xem xét việc ngừng hoặc giảm mức cấp điện đối với các công trình bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động. Báo cáo UBND Huyện về việc thực hiện cung cấp điện tại các công trình xây dựng không phép, trái phép, sử dụng đất sai mục đích, các công trình có hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng không đúng với mục đích tại hợp đồng mua bán điện.
Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của UBND cấp xã trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về PCCC quy định tại Điều 52 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ; tổ chức kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động trên địa bàn quản lý, trường hợp cơ sở không chấp hành, tiến hành lập hồ sơ xử phạt, báo cáo cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Thực hiện quy trình, tham mưu cấp có thẩm quyền cưỡng chế đối với các công trình vi phạm xây dựng không phép, trái phép, sai mục đích sử dụng. Đôn đốc các cơ sở có khả năng khắc phục tổ chức khắc phục các tồn tại, vi phạm quy định về PCCC.