Theo báo cáo của Phòng Kinh tế huyện, năm 2023, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn song sản xuất nông nghiệp của huyện Gia Lâm vẫn có mức tăng trưởng khá. Giá trị sản xuất các ngành kinh tế chủ yếu do Huyện quản lý năm 2023 ước tăng 10,02% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó: Dịch vụ tăng 15,45%; Công nghiệp, xây dựng tăng 6,6%; Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản tăng 1,55% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị sản xuất ngành trồng trọt đạt 502,52 tỷ đồng, tăng 2,0% so với cùng kỳ năm trước. Công tác chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi tiếp tục được triển khai, tính đến thời điểm này, toàn huyện Gia Lâm đã chuyển đổi được 304,13 ha.
Chất lượng nông sản ngày càng được đi lên, đáp ứng được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc và các chuỗi siêu thị lớn của Thủ đô như: Aeon, BigC, Metro…đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ 5-6 lần so với trồng lúa, trung bình đạt 350-400 triệu/ha, có nơi đatk 1-1,2 tỷ đồng/ha.
Việc triển khai Đề án "Phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo vùng nông nghiệp chuyên canh huyện Gia Lâm giai đoạn 2021-2025" đã có những kết quả bước đầu. Theo đó, năm 2023, huyện đã triển khai 14 mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, trong đó có 6 mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới và ứng dụng công nghệ cao; 5 mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP; 01 mô hình sản xuất theo hướng sinh thái hữu cơ; 01 mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dược liệu; 01 mô hình xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu tập thể.
Qua đánh giá, các mô hình trên đã đem lại hiệu quả kinh tế cũng như thay đổi thói quen canh tác cũ, phát triển sản xuất nông nghiệp mang tính bền vững, góp phần BVMT, sản xuất ra những sản phẩm an toàn, chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.
Song song với phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, trên địa bàn huyện Gia Lâm cũng đã hình thành một số vùng trồng trọt chuyên canh ổn định quy mô từ 20ha trở lên như: Vùng sản xuất cây ăn quả tại các xã: Kim Sơn, Phú Thị, Lệ Chi, Dương Quang, Cổ Bi, Dương Xá; vùng trồng hoa chất lượng cao tại xã Phù Đổng, Kim lan, Lệ Chi; vùng trồng rau các loại tại các xã: Văn Đức, Đặng Xá, Yên Thường, Yên Viên.
Nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình Sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 500-600 triệu đồng/ha; mô hình trồng hoa ứng dựng công nghệ cao đạt 800-1.000 triệu đồng/ha; mô hình chăn nuôi đạt 150-200 triệu đồng/năm/hộ. Đáng chú ý, trên địa bàn Huyện đã hình thành một số chuỗi liên kết sản xuất có hiệu quả như: Chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau, củ, quả, hoa tại Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Văn Đức, HTX sản xuất kinh doanh Văn Đức, HTX rau sạch Chử Tâm, HTX rau Tùng Anh….
Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm OCOP" ngày càng có sức lan tỏa rộng khắp. Đến hết năm 2023, có thêm 30 sản phẩm đánh giá phân hạng OCOP, nâng số sản phẩm OCOP của huyện Gia Lâm lên 149 sản phẩm.
Lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản cũng như công tác phòng chống dịch bệnh, công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tiếp tục được duy trì ổn định. Không để xảy ra trường hợp dịch bệnh lây lan trên địa bàn.
Các đại biểu nêu ý kiến tại buổi giao ban
Tại buổi giao ban, các đại biểu cũng đã đưa ra các ý kiến, kiến nghị về những tồn tại, khó khăn trong quá trình sản xuất nông nghiệp như: vấn đề về điện, hệ thống mương, kênh nội đồng, các dự án đang triển khai tại các xã, định hướng về các vùng sản xuất chuyên canh….
Phát biểu tại hội nghị, ông Trương Văn Học- PCT UBND huyện Gia Lâm ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời giao Phòng kinh tế, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, các ban, ngành có liên quan, HTX DVNN và UBND các xã tiếp tục rà soát, đánh giá lại kế hoạch sản xuất nông nghiệp, hiệu quả của các mô hình cũng như các kiến nghị trong năm 2024.
Đối với những ý kiến đưa ra tại hội nghị, ông Học yêu cầu các phòng, ban chuyên môn thuộc lĩnh vực quản lý tiếp thu, có kế hoạch giải quyết trong thời gian tới, đảm bảo cho việc sản xuất nông nghiệp tại các xã đúng với khung thời vụ, kế hoạch đã đề ra./.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.