Liên quan đến vụ nam sinh lớp 8 bị đánh chết não, ngày 27/3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Long Biên (Hà Nội) đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với T.V.M (16 tuổi) để điều tra về tội cố ý gây thương tích.
M. bị cáo buộc là người đã đánh nam sinh N.H.Đ (14 tuổi, học sinh lớp 8, trú quận Long Biên) khiến Đ. bị chấn thương sọ não, hôn mê, tiên lượng tử vong cao.
Không chỉ vụ việc trên, thời gian qua, đã xảy ra không ít vụ việc liên quan đến bạo lực học đường, trước đó ngày 25/10/2023, do mâu thuẫn trong việc bạn nhặt được 500.000 đồng nhưng không trả lại, nam sinh lớp 9, trường THCS Đống Đa, quận Bình Thạnh, TPHCM đã liên tục đánh vào đầu bạn ngay trong lớp học. Thời điểm xảy ra vụ việc, trong lớp có nhiều học sinh khác nhưng không ai đến can ngăn.
Hay trước đó, vụ việc em V.V.T.K, học sinh lớp 7, Trường THCS Đại Đồng (Thạch Thất, Hà Nội) bị bạn hành hung nhiều lần đến rối loạn tâm thần gây bức xúc trong dư luận…
Thực tế, xu hướng bạo lực học đường trong giới trẻ, đặc biệt ở trẻ vị thành niên có dấu hiệu ngày càng gia tăng và có tính chất nghiêm trọng hơn. Để lại nặng nề phía sau chính là nỗi đau day dứt từ chính người trong cuộc cũng như hai bên gia đình, xã hội.
Chia sẻ với PV Dân Việt, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam cho rằng, những vụ việc xảy ra vừa qua, đặc biệt việc nam sinh bị đánh đến chết não ở quận Long Biên, Hà Nội, cho thấy mức độ nghiêm trọng trong việc giáo dục các thế hệ trẻ hiện nay.
"Đã có rất nhiều các tiết học ngoại khoá hay bồi dưỡng kỹ năng, ứng xử để tránh xảy ra bạo lực học đường nhưng một bộ phận các em trẻ tuổi hiện nay vẫn chưa nhận thức được rõ vấn đề pháp lý. Luật pháp hiện nay rất nghiêm minh, ai gây ra tội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Nhiều em đánh bạn bị cho nghỉ học để ý thức được hành vi sai lầm còn nghĩ mình ngầu và rồi thực tế có em phải trả cái giá rất đắt khi vướng vòng lao lý khi có thể vô tình hay cố ý gây ra thương tích cho bạn học", ông Lâm nói.
Theo ông Lâm, những sự việc vừa qua là bài học rất lớn cho nhiều người, từ các bạn trẻ đến bậc cha mẹ, nhà trường và cả xã hội. Mọi người phải ý thức việc hãy giáo dục trẻ trước, đừng khi phạm tội mới giáo dục thì đã quá muộn.
Trao đổi với PV Dân Việt, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, từ vụ việc đã xảy ra cho thấy, một bộ phận trong xã hội hiện nay vẫn chưa ý thức tốt về mặt pháp luật, kể các bạn nhỏ và bậc cha mẹ. Vì vậy mới có chuyện sử dụng bạo lực để giải quyết bạo lực.
"Thông điệp đầu tiên tôi muốn nói đó là không thể sử dụng bạo lực để giải quyết bạo lực được. Chúng ta chỉ làm cho vấn đề càng ngày mất kiểm soát hơn, dẫn đến nhiều nguy cơ cho các bên. Rõ ràng các trường truyền thông rất nhiều về bạo lực nhưng dường như những kỹ năng để giải quyết mâu thuẫn một cách thân thiện, hoà bình chưa được hình thành ở học sinh. Đáng buồn hơn, có vụ việc còn có sự tham gia của chính cả người lớn, tức bố mẹ nữa", ông Nam nói.
Ông Nam cho rằng, khả năng kiểm soát cảm xúc mọi người nhìn thấy, mức độ thể hiện trình độ văn hoá hay văn minh của một công dân thể hiện ở việc tuân thủ và làm việc theo pháp luật, kiểm soát được cảm xúc của cá nhân để điều chỉnh hành vi của mình. Chúng ta nhìn thấy mức độ hàm dưỡng về mặt văn hoá hay trình độ văn minh của chính một bộ phận người lớn không được hình thành tốt. Như thế sao làm gương cho bạn trẻ?
"Từ việc một bộ phận người lớn hành xử không đúng sẽ tác động đến bộ phận con trẻ. Chính trẻ sau đó sẽ sử dụng hình thức, khuôn mẫu để hành xử thiếu thân thiện mang tính chất bạo lực đối với cả người khác để giải quyết mọi vấn đề. Điều tôi lo hơn ở đây chính người lớn cũng còn không điều chỉnh được hành vi của mình. Chúng ta nhìn đâu xa hậu quả, kể cả vụ việc này nếu xảy ra bất cứ hệ quả gì tiêu cực cho nạn nhân thì bản thân thủ phạm cũng là người phải chịu những sang chấn tâm lý, thậm chí sang chấn tâm lý không thể vượt qua, ảnh hưởng tương lai của các em", ông Nam nhấn mạnh.
Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục cũng phân tích thêm, trong một số vụ việc. người bị hại có thể không thiệt mạng nhưng bị ảnh hưởng về vấn đề trí tuệ, liên quan đến mất khả năng về hành vi… thì đó là sang chấn đối với cả người gây ra, chưa kể bố mẹ của người tham gia đánh có thể bị xử lý… Ở mức độ nào đi chăng thì rất nhiều hệ quả, bạo lực sẽ còn trầm trọng hơn về mặt thể chất, tinh thần, đó là những điều rất đau xót…
Liên quan đến vụ việc nam sinh bị đánh chết não ở Long Biên, Hà Nội, ông Nam cho rằng, hiện cộng đồng cũng đang như "một đám đông hỗn loạn, không tuân thủ pháp luật". Đơn cử như một bộ phận nhỏ đối tượng đang sử dụng "luật rừng" đi đến nhà người gây ra sự việc ném chất bẩn, gạch đá, chửi bới.
"Họ nghĩ rằng hành động này là hay, cho rằng mình đại diện cho công lý! Nhưng đây họ đang sử dụng bạo lực để giải quyết bạo lực. Bất cứ vụ việc nào xảy ra, toà án chưa xử, chưa kết tội, cơ bản chưa có tội. Người dân bình thường chỉ thể hiện sự bức xúc. Còn hành vi như trên chính là vi phạm pháp luật.
Tất cả vụ việc này chúng ta nhìn thấy trong xã hội vòng xoáy bạo lực lan ra từ vụ việc nhỏ. Từ việc nhỏ của hai người rồi liên quan đến gia đình các cá nhân, lan ra bức xúc của cả xã hội mà xã hội cũng sử dụng hành vi bạo lực để tấn công nhau. Chúng ta nhìn thấy bức tranh khá sai lầm dẫn đến những hậu quả tiêu cực hơn. Qua những vụ việc trên sẽ là bài học lớn cho chính các em học sinh, bậc cha mẹ và cả xã hội trong việc đẩy lùi bạo lực", ông Nam nói thêm.