Dân Việt

"Tây Sơn thất hổ tướng” - Võ Văn Dũng: 1 đao chém rơi đầu cao thủ “mình đồng da dắt"

N.V 29/03/2024 22:30 GMT+7
Ban đầu nhà sư vẫn cười nói bình thường nhưng một hồi lâu bỗng nhắm mắt không nhìn nữa. Xuất kỳ bất ý, Võ Văn Dũng rút kiếm chém một nhát, đầu nhà sư rơi xuống đất.

Theo sách "Võ nhân Bình Định" thì Võ Văn Dũng là người thôn Phú Phong, huyện Tuy Viễn, phủ Quy Nhơn (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Ông sinh năm Canh Ngọ - 1750, trong một gia đình khá giả. Từ thuở ấu thơ, ông đã có gia sư dạy văn lẫn võ trong nhà. Năm 20 tuổi, Võ Văn Dũng được lão trượng họ Lương ở Tuy Hòa nhận làm đệ tử. Tuy học chỉ mới một năm nhưng Võ Văn Dũng nhanh chóng tinh thông võ nghệ. Riêng biệt tài dùng đao của Võ Văn Dũng, Nguyễn Nhạc từng tán thưởng là "Phá trung sơn giặc dị, thắng Văn Dũng đao nan". Nghĩa là, phá giặc trong núi thì dễ, thắng được cây đao của Văn Dũng là rất khó.

Cũng theo sách trên, Võ Văn Dũng được các sử gia và người đương thời tôn vinh là người đứng đầu trong "Thất hổ tướng" của nhà Tây Sơn. Còn theo sách "Tây Sơn lương tướng ngoại truyện" của danh sĩ Nguyễn Trọng Trì (1853-1922), thì ông được người đương thời coi là người đứng đầu trong hàng Tứ kiệt của Tây Sơn, 3 người còn lại xếp phía sau là Ngô Văn Sở, Bùi Thị Xuân và Trần Quang Diệu.

"Tây Sơn thất hổ tướng” - Võ Văn Dũng: 1 đao chém rơi đầu cao thủ “mình đồng da dắt"- Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ.

Võ Văn Dũng từng theo Nguyễn Huệ vào Nam đánh đuổi quân Xiêm rồi ra Bắc đánh tan quân Thanh xâm lược. Ông là tướng chỉ huy đánh quân Thanh ở đồn Khương Thượng góp phần làm nên chiến thắng vang dội đầu xuân Kỷ Dậu (1789). Sau đó, ông được cử ra làm Trấn thủ Bắc thành. Năm 1791, Võ Văn Dũng được hoàng đế Quang Trung cử làm chính sứ dẫn đầu đoàn sứ bộ sang Trung Quốc với trọng trách đòi đất Lưỡng Quảng và cầu hôn công chúa nhà Thanh. Nhờ tài ngoại giao khôn khéo của Võ Văn Dũng, vua Càn Long đã đồng ý các yêu sách của hoàng đế Quang Trung. Tuy nhiên, do Quang Trung đột ngột băng hà, đoàn sứ bộ phải về nước chịu tang nên những thắng lợi về ngoại giao không thực hiện được.

Cũng trong cuốn "Võ nhân Bình Định" của hai tác giả Quách Tấn và Quách Giao có kể lại câu chuyện: Tại chợ Gò Chàm ở phía Bắc thành Quy Nhơn ngày ấy có một nhà sư người Tàu thường đến biểu diễn võ thuật. Nhà sư này thường cởi áo, ngồi xếp bằng, lưng thẳng, vận công, rồi cho người khác cầm gươm, dao chém khắp người nhưng vẫn không hề gì. Mọi người qua đường được chứng kiến cảnh ấy thì kinh sợ. Cứ thế tin đồn khắp nơi rằng nhà sư kia là một dị nhân. Thấy thế, nhà sư lại càng tỏ ra đắc ý và có thái độ coi thường võ thuật của người Việt. Từ khi có sự hiện diện của nhà sư thì ban đêm các xóm làng thường xảy ra những vụ hãm hiếp phụ nữ bằng cường lực. Hay tin này, Nguyễn Nhạc đã sai Võ Văn Dũng đi trừ hại cho dân.

Nhận lệnh, Võ Văn Dũng đến tận nơi để dò xét tình hình và ngầm điều tra. Sau một thời gian ngắn, Võ Văn Dũng biết được nhà sư kia tuy có nội công thâm hậu nhưng lòng dạ bất chính, hay làm điều bất nghĩa. Để trừ khử kẻ bất chính và vỗ yên lòng dân, ông thuê vài tên vô lại và một số gái thanh lâu xinh đẹp làm việc dâm dục trước mặt nhà sư. Ban đầu nhà sư vẫn cười nói bình thường nhưng một hồi lâu bỗng nhắm mắt không nhìn nữa. Xuất kỳ bất ý, Võ Văn Dũng rút kiếm chém một nhát, đầu nhà sư rơi xuống đất.

Chém xong, Võ Văn Dũng nói:

- Nhà sư này không có thuật gì lạ. Y đã dày công luyện khí cho cơ thể cứng rắn. Tâm định thì khí tụ, tâm động thì khí tan. Lúc đầu, tâm nhà sư không động nên nhà sư dám nhìn tự do. Đến khi nhà sư nhắm mắt thì biết tâm đã động nên chém xuống không thể kháng cự được.

Nghe xong lời ấy, mọi người ai nấy cũng đều trầm trồ thán phục và khen Võ Văn Dũng là người tài trí.

Lời bàn về Võ Văn Dũng

Cứ theo nội dung của giai thoại trên thì Võ Văn Dũng không chỉ là người có sức khỏe phi thường, lại giỏi võ nghệ mà còn rất can đảm và nhiều mưu trí hơn người. Và một khi đã hiểu rõ cuộc đời cũng như sự nghiệp cùng với những công lao to lớn mà ông đã đóng góp cho phong trào Tây Sơn, chúng ta lại thấy ở ông là một dũng tướng can trường, một con người trung nghĩa trọn đời phò tá nhà Tây Sơn. Và theo sử cũ của nhà Nguyễn còn lưu lại thì ông đã cùng khoảng 200 tướng lĩnh của nhà Tây Sơn hiên ngang ra pháp trường tại bãi chém An Hòa, ngoại ô Huế, để nhận án chứ không chịu van xin hay đầu hàng.

Nếu như không lấy việc thành bại ra bàn luận thì dù là ở thời nào cũng vậy, những ai có đủ dũng khí và trung tín như thế cũng đáng để tôn vinh là anh hùng. Nhưng tiếc rằng còn vì nhiều nguyên do khác nữa nên dù quân tướng nhà Tây Sơn nói chung và Võ Văn Dũng nói riêng đã cố ra sức chống ngăn, song "cỗ xe" đã quá rệu rã của nhà Tây Sơn thời ấy vẫn cứ trượt dài trên đà suy vong, không sao gượng lại được nữa. Thế mới hay rằng, anh hùng tài giỏi đến mấy và có đến hàng trăm cũng không thể làm nên thời thế nếu không biết rõ thiên thời, địa lợi và quan trọng nhất là nhân hòa.