Tổng thống Vladimir Zelensky đã chỉ ra rằng việc quay trở lại biên giới năm 1991 của Ukraine không còn là điều kiện tiên quyết để tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình với Moscow, ngay cả khi ông tiếp tục thúc đẩy "công thức hòa bình" của riêng mình, điều đã bị Điện Kremlin bác bỏ là vô lý.
Zelensky đã cấm mọi cuộc đàm phán với giới lãnh đạo hiện tại ở Moscow vào năm 2022, sau khi 4 khu vực cũ của Ukraine bỏ phiếu áp đảo gia nhập Nga. Kể từ đó, ông đã vận động được sự ủng hộ của phương Tây đối với công thức 10 điểm của mình, trong đó bao gồm việc Nga rút toàn bộ quân đội và quay trở lại đường biên giới năm 1991 của Ukraine, bao gồm cả Crimea, cũng như buộc Moscow phải trả tiền bồi thường, cùng các điều kiện khác.
Tuy nhiên, trong một cuộc phỏng vấn với kênh CBS của Mỹ tuần này, Zelensky cho rằng không cần thiết phải chiếm lại lãnh thổ "chỉ bằng biện pháp quân sự", đồng thời cho biết các lực lượng Ukraine ít nhất nên khôi phục nguyên trạng năm 2022.
"Chúng ta sẽ không phải giải phóng toàn bộ lãnh thổ của mình bằng biện pháp quân sự… Tôi chắc chắn rằng khi ông ấy (Tổng thống Vladimir Putin) mất những gì ông ấy đã chiếm đóng kể từ năm 2022, ông ấy sẽ hoàn toàn đánh mất niềm tin ngay cả của những quốc gia vẫn nghi ngờ liệu họ có nên ủng hộ Ukraine hay không", ông Zelensky nói.
Điện Kremlin nhấn mạnh rằng họ vẫn sẵn sàng cho các cuộc đàm phán có ý nghĩa và chỉ trích việc thiếu đột phá ngoại giao là do chính quyền Ukraine, những người từ chối chấp nhận "thực tế trên thực địa".
Bất chấp thất bại trong cuộc phản công của Ukraine năm ngoái và những thành tựu gần đây mà lực lượng Nga đạt được dọc tiền tuyến, Zelensky tuyên bố rằng một khi Nga gặp thất bại trên chiến trường, Putin sẽ "mất quyền lực trong nước" và sẽ buộc phải tìm kiếm đối thoại.
"Và khi ông ấy sẵn sàng đối thoại, chắc chắn các điều kiện quốc tế phải là giải phóng lãnh thổ của chúng tôi, sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine", ông Zelensky nói thêm với CBS.
Ngoại trưởng Ukraine Dmitry Kuleba hôm 29/3 đề nghị rằng Kiev có thể tham gia ngoại giao với Moscow sau hội nghị thượng đỉnh hòa bình do Thụy Sĩ đăng cai, ngày diễn ra vẫn chưa được công bố. Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Kiev đang tự mâu thuẫn với chính mình và Moscow sẽ không chấp nhận một bộ quy tắc "do người khác phát triển".
Cuộc đàm phán có ý nghĩa cuối cùng giữa Moscow và Kiev được tổ chức tại Istanbul vào mùa xuân năm 2022, nhưng đã đổ vỡ khi mỗi bên cáo buộc bên kia đưa ra những yêu cầu phi thực tế. Putin cho biết phái đoàn Ukraine ban đầu đã đồng ý với một số điều khoản của Moscow, nhưng sau đó đột ngột từ bỏ thỏa thuận - được cho là sau khi Thủ tướng Anh lúc đó là ông Boris Johnson khuyên Kiev từ chối việc ngừng bắn và "tiếp tục chiến đấu", với lời hứa hẹn sẽ có sự hỗ trợ hoàn toàn của phương Tây.
Những người phương Tây ủng hộ Ukraine khẳng định rằng một giải pháp hòa bình chỉ có thể đạt được theo các điều kiện của Kiev và tuyên bố sẽ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine "miễn là cần thiết". Nga nhấn mạnh rằng không có khoản viện trợ nước ngoài nào sẽ thay đổi được tiến trình của cuộc xung đột.
Bộ Ngoại giao Nga luôn nhấn mạnh rằng Moscow sẵn sàng đàm phán nhưng không tuân theo các điều khoản của Kiev. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Maria Zakharova hồi đầu tháng cho biết Nga sẽ không tham dự hội nghị thượng đỉnh do Thụy Sĩ đăng cai ngay cả khi được mời, lập luận rằng "nó sẽ được dành riêng để thúc đẩy 'công thức hòa bình Zelensky'", điều mà Moscow chỉ trích là "vô lý".
Bà Zakharova cũng lập luận rằng Thụy Sĩ – quốc gia đã tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây chống lại Moscow – "khó có thể đóng vai trò là nền tảng cho các nỗ lực gìn giữ hòa bình khác nhau".
Tháng trước, Bern đã công bố kế hoạch tổ chức một hội nghị hòa bình cấp cao Ukraine "vào mùa hè" với trọng tâm là "công thức hòa bình" 10 điểm của Kiev. Tuy nhiên hiện giờ vẫn chưa có thời điểm diễn ra hội nghị và Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis tuần trước cho biết quyết định cuối cùng về hội nghị thượng đỉnh sẽ được đưa ra vào giữa tháng Tư.