Giá trị xuất khẩu cà phê Việt Nam tăng đều đặn qua các năm, từ 2,7 tỷ USD năm 2020 đã tăng lên 4,2 tỷ USD năm 2023. Giá trị xuất khẩu cà phê hứa hẹn cán mốc 5 tỷ USD trong năm nay.
Tại hội thảo Giải pháp để xuất khẩu cà phê đạt 5 tỷ USD, do báo Người Lao Động tổ chức tại TP.HCM ngày 30/3, ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Intimex, cho biết nhiều nông dân đã mơ ước bán được cà phê với giá ngoài 50.000 đồng/kg. Nhưng chờ đợi quá lâu, họ đã chặt bỏ cây cà phê trồng cây khác.
"Bất ngờ, năm nay giá cà phê tăng đột biến, tăng cao gấp đôi ước mơ của nông dân khi giá cà phê hiện đã vượt qua mốc 100.000 đồng/kg", ông Nam kể.
Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp hiện khó thu mua được nguồn nguyên liệu, hoặc phải mua nguyên liệu với giá cao để giao cho đơn hàng giá thấp đã ký trước đó.
Ông Nam cho biết trong tích tắc, giá cà phê tăng đột biến. Kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 5 tỷ USD năm 2024 là không khó.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn. Nhà cung ứng không cấp đủ hàng hoặc doanh nghiệp thua lỗ, bù lỗ bằng giá cao.
"Giải pháp để xuất khẩu cà phê đạt 5 tỷ USD một cách bền vững cho nhiều năm tiếp theo mới là vấn đề cần bàn", ông Nam nói.
Ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia nghiên cứu thị trường cà phê, cũng cho rằng với giá cà phê như hiện nay, Việt Nam không cần giải pháp vẫn có thể xuất khẩu cà phê đạt 5 tỷ USD, năm 2024.
Nhận định này có cơ sở thực tế từ tình hình xuất khẩu thời gian qua. "Vấn đề là giá cà phê đang tăng cao đột biến. Thị trường hiện nay đang loạn", ông Bình nói.
Theo chuyên gia này, giá cà phê tăng cao, nông dân có quyền hưởng lợi. Thế nhưng, thị trường cà phê về sau sẽ gặp khó nếu trường hợp hiện nay, các hợp đồng đang vướng mắc - vì chưa giao được.
Khi không đảm bảo được hợp đồng giao hàng, quan hệ các bên từ các nhà xuất và nhập khẩu, cho đến quan hệ giữa các nước sẽ có mâu thuẫn.
Vì thế, giải pháp để xuất khẩu cà phê đạt 5 tỷ USD một cách bền vững là cần thiết. Điều này cần nỗ lực của cả hệ thống chứ không riêng các nhà xuất khẩu.
Trước hết, ông Bình gợi ý Ngân hàng hàng Nhà nước nên có quỹ hỗ trợ để phát triển ngành cà phê. Đó là quỹ tín dụng cho vay, để các doanh nghiệp có nguồn dự trữ thu mua cà phê.
Giải pháp nữa là cần tăng cường sản xuất chế biến cà phê đặc sản. Vì theo ông Bình, giá cà phê đặc sản (chưa cần rang) đã cao gần gấp đôi giá cà phê thường.
Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), số liệu thống kê quý I/2024 dự kiến Việt Nam xuất khẩu khoảng gần 600.000 tấn cà phê, với kim ngạch khoảng 1,9 tỷ USD.
Con số này tăng 3,1% về số lượng xuất khẩu nhưng tăng 54,7% về kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu cà phê nhân là chủ yếu, khoảng 91% về sản lượng, khoảng 85% về giá trị.
Dự kiến kim ngạch 2024, Vicofa cho biết giá tăng nhưng cà phê Việt Nam đã cạn dần. Tồn trong kho trong doanh nghiệp và nông dân không nhiều. Lượng xuất khẩu từ nay đến cuối vụ sẽ giảm. Khả năng kim ngạch xuất khẩu cà phê sẽ đạt hơn 5 tỷ USD trong năm 2024.