Trao đổi với Dân Việt, ông Đoàn Anh Tuyến-Chủ tịch UBND xã Lai Thành cho biết: "Trước kia trên địa bàn xã Lai Thành có nhiều gia đình làm nhà mái bổi (mái cói), nhưng ngày nay không còn nhiều, giờ duy nhất ở xã còn hộ ông Vũ Văn Phi ở xóm 7A vẫn lưu giữ".
Ngôi nhà cổ lợp mái bổi hộ ông Vũ Văn Phi (xóm 7A, xã Lai Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình). Ảnh: MB.
Theo ông Tuyến, hiện nay người dân xây dựng nhà bằng các vật liệu như: Gạch, đá, cát, sắt, mái ngói, tôn…thông dụng hơn, độ bền cao.
Còn nhà mái bổi thường bị ảnh hưởng bởi thời tiết nắng, mưa nên được thời gian ngắn là xuống cấp, chi phí tu sửa tốn kém".
Được biết, huyện Kim Sơn là địa phương ven biển duy nhất của tỉnh Ninh Bình. Nơi đây nổi tiếng với nghề thủ công mỹ nghệ về cây cói, bởi thế một thời đa số nhà dân đều lợp mái bằng thân cây cói.
Ông Vũ Văn Phi (57 tuổi, xóm 7A, xã Lai Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) chủ ngôi nhà mái bổi "độc nhất" Ninh Bình chia sẻ: "Ngôi nhà mái bổi đã trải qua 5 đời, với khoảng 160 năm.
Bình quần cứ sau 3 năm phải thuê thợ về tu sửa nóc nhà 1 lần, và khoảng 20-23 năm phải tháo dỡ ra lợp lại toàn bộ mái".
Nằm giữa ngôi nhà mái ngói, ngôi nhà cổ lợp mái bổi mang một nét gần gũi, thân thiện. Ảnh: BM
Ông Phi sử dụng lưới cước để bao trùm lên mái bổi nhằm tăng độ bền cho ngôi nhà. Ảnh: BM.
Ông Phi cũng bộc bạch: "Mỗi lần tu sửa ngôi nhà chi phí cũng rất tốn kém, phải thuê thợ, mua cói…Qua đó, không còn nhiều gia đình lưu giữ nếp nhà mái bổi thế này, mà thay thế bằng những ngôi nhà mái bằng theo xu hướng phát triển nhà ở đô thị, nông thôn mới hiện nay".
Quan sát, ngôi nhà mái bổi hộ ông Vũ Văn Phi (xóm 7A, xã Lai Thành) được làm từ cây cói với kiến trúc độc đáo, giản dị nhưng gần gũi. Ngôi nhà như lưu giữ nét văn hóa riêng giúp ta gợi nhớ tới khung cảnh làng quê Việt Nam xưa.
Theo ông Phi, để lợp mái nhà phải chọn những cây cói có thân to, ngắn, phân loại sau khi thu hoạch rồi phơi khô trước khi đưa lên lợp mái. Lý do người dân xã Lai Thành chọn mái bổi bởi độ bền cao hơn mái tranh lợp bằng rơm rạ.
Qua thời gian mái bổi bị hoai mục. Theo ông Phi, khoảng 20-23 năm phải tháo dỡ ra lợp lại toàn bộ mái Ảnh: BM
Cột của ngôi nhà cổ mái bổi ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình được lót bằng trụ đá. Ảnh: BM
Ngôi nhà mái bổi hộ ông Phi đang sinh hoạt có 5 gian, khung nhà bên trong được làm bằng gỗ lim, rui mè bằng luồng, mái bổi lợp dày từ 70cm đến 1m và bao quanh bởi tường bao.
Trên mái lợp bằng cây cói có những ụ cói được buộc chặt vào xà nhà để giữ chặt mái và để trang trí. Đặc điểm của ngôi nhà mái cói là ấm về mùa đông, mát về mùa hè.
Sau khoảng 160 năm, ngôi nhà mái bổi của gia đình ông Phi vẫn giữ nguyên nét truyền thống từ xưa các cụ để lại, chỉ cải tạo lại một số bộ phận, lợp lại mái.
Phía trước ngôi nhà mái bổi ông Phi trồng thêm các cây như: Cây sanh, cây khế, cây vạn tuế, cây cau…nhằm tạo thêm khung cảnh yên bình.
Ngôi nhà cổ lợp mái bổi ở xã Lai Thành, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình như nét chấm phá "nên thơ" của ông Vũ Văn Phi. Ảnh: BM
"Ngôi nhà không chỉ lưu giữ những kỷ niệm thời thơ ấu của anh, chị, em chúng tôi mà ngôi nhà còn chất chứa cả nếp sống, nét văn hóa thôn quê của người Việt.
Đặc biệt, vào ngày lễ, Tết, con cháu về sum vầy dưới ngôi nhà rất vui vẻ, ấm cúng" ông Phi tâm sự.
Ngôi nhà mái bổi hộ ông Vũ Văn Phi (xóm 7A, xã Lai Thành, huyện Kim Sơn) không chỉ là dấu ấn của phong tục tập quán sinh hoạt của cư dân ven biển, mà còn là sản phẩm du lịch mang tính riêng biệt, nếu được khai thác tốt sẽ trở thành điểm nhấn thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.